Vosco: Quyết liệt tái cấu trúc để tận dụng sóng tăng trưởng cước tàu, cổ phiếu kịch trần 7 phiên không ngơi nghỉ
Nhìn chung, với sự khởi sắc của thị trường vận tải biển và việc quyết liệt áp dụng một số giải pháp trên, VOS kỳ vọng và tin tưởng sẽ cải thiện được hiệu quả kinh doanh 6 tháng đầu năm và cả năm 2021 với mục tiêu cân bằng thu chi, tiến tới có hiệu quả.
Năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, kéo theo hàng loạt doanh nghiệp vận tải rơi vào tình trạng phá sản, giải thể hoặc ngừng hoạt động.
Đến nay, khi dịch bệnh dần được khống chế tại một số quốc gia, tình trạng mất cân đối cung cầu xảy ra khiến hoạt động trong ngành cảng biển, logistic có sự biến động mạnh. Hệ quả, xu thế đầu tư vào ngành cảng biển, logistic đang diễn ra rất mạnh mẽ trên toàn cầu.
Bên cạnh nhu cầu tăng cao, sự thiếu hụt container rỗng cùng đẩy giá cước tăng cao và chưa có điểm dừng. Ghi nhận, giá thuê tàu trên toàn thế giới đã bắt đầu tăng mạnh từ thời điểm tháng 7/2020, trong đó mức tăng mạnh nhất tới từ các loại tàu có tải trọng lớn (trên 4.000 TEUs/chuyến).
Trong ngắn hạn, sức nóng của giá cước và nhu cầu vận tải biển đang thúc đẩy ngành tăng trưởng mạnh mẽ. Nhiều đơn vị nhanh chóng lên kế hoạch đón đầu cơ hội, phác hoạ một bức tranh khá lạc quan cho năm 2021.
Trên thị trường, cổ phiếu nhanh chóng phản ứng và tăng giá đồng loạt. Đáng chú ý, VOS của CTCP Vận tải biển Việt Nam (Vosco, VOS) kịch trần liên tiếp 6 cây, đưa mức giá tăng gần gấp đôi lên 6.880 đồng/cp, thanh khoản cải thiện.
Chìm đắm trong thua lỗ, VOS bị hạn chế giao dịch nhiều năm liền
Về VOS, Công ty có tiền thân của CTCP Vận tải biển Việt Nam được thành lập ngày 1/7/1970, đến năm 2008 chính thức đi vào hoạt động theo mô hình mới với tên gọi CTCP Vận tải biển Việt Nam. Vốn điều lệ 1.400 tỷ đồng, trong đó 60% vốn do Nhà nước sở hữu, còn lại là phần vốn của các cổ đông tổ chức và thể nhân khác với tổng số hơn 3.500 cổ đông.
Hoạt động chính trong mảng kinh doanh vận tải biển, gần thập niên trở lại đây VOS liên tục thua lỗ nặng nề. Đến năm 2018, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE) quyết định chuyển cổ phiếu VOS từ diện kiểm soát sang diện cảnh báo, lỗ sau thuế tính đến cuối năm 2017 hơn 791 tỷ đồng. Lúc bấy giờ, theo HoSE việc xem xét hướng xử lý tiếp theo đối với cổ phiếu VOS sẽ căn cứ vào BCTC kiểm toán năm 2020.
Tuy nhiên, kết thúc năm năm 2020 VOS lỗ ròng thêm 187 tỷ đồng. Công ty cũng liên tục bị kiểm toán nhấn mạnh nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục. Theo đó, cổ phiếu VOS nhiều lần bị hạn chế giời gian giao dịch. Từ ngày 15/4/2021, VOS được giao dịch toàn thời gian trở lại dưới dạng chứng khoán bị kiểm soát. Cũng đầu năm nay, ACB đã bán ra khoảng 5,8 triệu cổ phiếu VOS và không còn là cổ đông lớn tại VOS.
Năm 2021: Quyết tâm tái cấu trúc, thoái vốn khỏi Ngân hàng Hàng hải và chủ động tăng đội tàu bên ngoài
Trong bản kế hoạch năm 2021, tận dụng sự tăng trưởng trở lại của ngành vận tải, VOS cũng đưa ra chiến lược tái cơ cấu quyết liệt. Trong đó, VOS đang khai thác 3 nhóm tàu là tàu hàng rời, tàu dầu sản phẩm và tàu container. Các tàu hàng rời và tàu dầu sản phẩm hoạt động trên phạm vi toàn thế giới, các tàu container hoạt động trên tuyến nội địa.
Những tín hiệu tốt từ hiệu quả của việc triển khai tiêm vắc-xin diện rộng của nhiều nước trên thế giới đã mang lại niềm tin về khả năng kiểm soát dịch Covid-19 cũng như tạo tiền đề cho sự phục hồi dần của nền sản xuất, vốn đã chịu sức ép trong một khoảng thời gian dài hơn 1 năm qua.
Thị trường tàu hàng khô từ nửa sau quý 1/2021 đã có sự tăng trưởng, sôi động và giá thuê tàu đã được cải thiện. Thị trường tàu dầu sản phẩm cũng có nhiều tín hiệu khả quan hơn. Cùng với đó, thị trường tàu container nội địa dự kiến vẫn duy trì được sự ổn định, ít nhất là đến hết 6 tháng đầu năm.
Những tín hiệu tích cực về nhu cầu luân chuyển hàng hoá và giá cước vận tải mang lại hy vọng về một năm khá ổn định cho thị trường vận tải biển, VOS cho hay.
Riêng Công ty, năm 2021 sau những khó khăn và trì trệ trước đó, Công ty quyết tâm áp dụng các biện pháp quyết liệt về thị trường, quản lý khai thác đội tàu và quản lý các khoản chi phí để có thể cải thiện kết quả kinh doanh chung. Công ty cũng tiếp tục triển khai tái cơ cấu toàn diện bao gồm tái cơ cấu tài chính, tổ chức và cơ cấu đội tàu.
Về cơ cấu tài chính, Công ty đang tích cực làm việc để hoàn thiện cơ cấu nợ với các ngân hàng thương mại trong năm 2021.
Về cơ cấu tổ chức, VOS tiếp tục rà soát, tinh giản lại bộ máy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hiệu quả làm việc.
Cuối cùng về cơ cấu đội tàu, Công ty đang triển khai bán tàu dầu sản phẩm Đại Nam do tàu có tuổi đã cao không phù hợp khai thác tiếp. Đồng thời, VOS cũng sẽ thoái vốn tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam.
VOS cho biết thêm, Công ty cũng áp dụng giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác đội tàu, gồm:
+ Tận dụng sự tăng trưởng của thị trường từ cuối tháng 2, VOS đã ký được hợp đồng với mức TCE tương đối cao cho một số tàu hàng khô;
+ Chủ động, tích cực tìm kiếm và thuê tàu bên ngoài để tăng năng lục vận chuyển, sản lượng, doanh thu và hiệu quả chung của Công ty. Bên cạnh việc khai thác ổn định các tàu của Công ty và các tàu thuê định hạn, Công ty đã kết hợp thuê thêm một số chuyến theo dạng voyage relet, số tàu thuê thường xuyên ở mức từ 2-4 tàu...
Nhìn chung, với sự khởi sắc của thị trường vận tải biển và việc quyết liệt áp dụng một số giải pháp trên, VOS kỳ vọng và tin tưởng sẽ cải thiện được hiệu quả kinh doanh 6 tháng đầu năm và cả năm 2021 với mục tiêu cân bằng thu chi, tiến tới có hiệu quả.
Riêng quý đầu năm, Công ty vẫn còn lỗ sau thuế 19,5 tỷ đồng, dù vậy cũng có cải thiện đáng kể so với cùng kỳ lỗ 86,5 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tính đến 31/3/2021 của VOS hiện vào mức 941 tỷ đồng.
Doanh Nghiệp Tiếp Thị