Trump lên làm Tổng thống, yên Nhật sẽ tăng mạnh?
Chuyên gia Tohru Sasaki của JPMorgan Chase dự báo đến cuối năm 2017 yên Nhật có thể tăng lên mức 99 yên đổi 1 USD, so với mức 117,49 yên của ngày hôm nay (22/12).
- 07-12-2016Đằng sau thương vụ 50 tỷ USD của Donald Trump và tỷ phú Nhật Bản
- 30-11-2016Trump có thể sẽ đẩy đồng yên trở lại mức mà 3 năm nay nó chưa bao giờ đạt được
- 21-11-2016Đường đường là cường quốc lớn thứ 3 thế giới, vì sao Nhật Bản nói không với khởi nghiệp?
Khi cựu chuyên gia phân tích tiền tệ Tohru Sasaki nghĩ về triển vọng thị trường tiền tệ năm 2017, những ký ức về 20 năm trước bỗng trở nên sống động. Đó chính là những ngày tháng Sasaki công tác tại NHTW Nhật Bản và cố gắng trong tuyệt vọng để ngăn chặn đà tăng giá của đồng yên.
“Đó là những ngày tháng thực sự đáng sợ”, Sasaki – người đã rời BoJ để về đầu quân cho JPMorgan Chase từ năm 2003, nói với Bloomberg. Trong những năm 1993 và 1994, mức độ quan tâm của nhà đầu tư đối với đồng yên vượt trội hơn hẳn so với USD và mọi biện pháp can thiệp của Nhật Bản đều trở nên vô ích.
Theo ông, hiện tượng này sẽ lặp lại trong năm 2017. Giống như hiện tượng thị trường ngoại tệ chỉ tập trung vào nguy cơ một cuộc chiến tranh thương mại và cán cân thương mại của Mỹ trong những năm đầu tiên ông Bill Clinton lên làm Tổng thống, giờ đây mối quan tâm lớn nhất của thị trường là chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy dưới thời Donald Trump.
Sasaki dự báo đến cuối năm 2017 yên Nhật có thể tăng lên mức 99 yên đổi 1 USD, so với mức 117,49 yên của ngày hôm nay (22/12).
“Đặc biệt là trong tháng 12, lợi suất trái phiếu tăng cao đã đẩy tăng giá đồng USD. Nhưng tôi không nghĩ điều này sẽ tiếp tục xảy ra. Khi nội các của ông Trump áp dụng chính sách bảo hộ và khiến quan hệ thương mại với Trung Quốc rơi vào trạng thái căng thẳng, nền kinh tế Mỹ sẽ cần một đồng USD yếu để không bị mất đà”, Sasaki nhận định.
Năm 1993, ông Clinton nhậm chức sau chiến dịch tranh cử chủ yếu tập trung vào chỉ trích Nhật Bản – nguyên nhân lớn nhất khiến Mỹ nhập siêu. Năm 1995, Mỹ đe dọa đánh thuế 100% vào những chiếc xe hơi nhập khẩu từ Nhật Bản. Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của ông Clinton, Lloyd Bentsen, nổi tiếng vì đã khiến đồng USD giảm giá mạnh khi nói rằng một đồng yên mạnh sẽ tạo ra lợi thế thương mại cho Mỹ.
Đối với những người đi theo chủ nghĩa bảo hộ thương mại, lần này Trung Quốc đã thay thế Nhật Bản, trở thành mục tiêu chính để Donald Trump chỉ trích trong suốt chiến dịch tranh cử.
Những hứa hẹn về gói kích thích tài khóa và động thái của Cục dự trữ liên bang Mỹ cũng khiến Sasaki nhớ về thời kỳ đầu những năm 1980, khi Tổng thống Mỹ lúc đó là Ronald Reagan triển khai chương trình kích thích tài khóa và Chủ tịch Fed Paul Volcker thắt chặt chính sách tiền tệ.
Khi đó đồng USD đã tăng vọt. Sasaki cũng nhận định USD có thể tăng lên mức 125 yên nhưng đó là khi Trump tiếp tục theo đuổi chính sách thúc đẩy lạm phát và lợi suất trái phiếu Mỹ 10 năm tăng lên 3%.
Tuy nhiên, nếu như Trump muốn các công ty Mỹ ở lại Mỹ, “đồng USD phải giám giá”, Sasaki nói.
Đó là nhận định của một chuyên gia tiền tệ giàu kinh nghiệm, còn đối với các nhà đầu tư muốn tìm kiếm những dấu hiệu thể hiện quan điểm của nội các mới về đồng USD, hãy theo dõi chặt chẽ những động thái của Steven Mnuchin – người được Trump chọn làm Bộ trưởng Tài chính. Vài ngày sau lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống mới, ông Mnuchin sẽ tham gia trả lời chất vấn trước Thượng viện Mỹ.