Trung Nam Group công bố mua lại trước hạn 2.000 tỷ đồng trái phiếu, cổ phiếu VND tăng kịch trần
Trung Nam Group sẽ chốt danh sách trái chủ để mua lại toàn bộ lô trái phiếu TNGCB2224003 vào ngày 12/10, ngày thực hiện mua lại là 17/10.
- 06-10-2023GSM mua 6.000 xe từ VinFast trong quý 3
- 06-10-2023Tháng 9/2023 Hòa Phát bán được gần 600.000 tấn thép, cao nhất trong vòng một năm
- 06-10-2023Vinaconex ITC dừng hợp tác với Vinaconex ở dự án tỷ đô Cát Bà Amatina, phải hoàn trả 2.200 tỷ đồng
CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) vừa ra thông báo trên cơ sở cân đối nguồn vốn, công ty lê kế hoạch mua lại trước hạn toàn bộ lô trái phiếu TNGCB2224003.
Trung Nam Group sẽ chốt danh sách trái chủ vào ngày 12/10, ngày thực hiện mua lại là 17/10. Giá mua lại sẽ bằng tổng của mệnh giá trái phiếu công lãi chưa thanh toán cộng các chi phí phát sinh.
Theo tìm hiểu, lô trái phiếu TNGCB2224003 có tổng mệnh giá 2.000 tỷ đồng, được phát hành vào ngày 5/4/2022 với kỳ hạn 2 năm. Lãi suất được công bố là 10%/năm do CTCP Chứng khoán VNDirect (mã chứng khoán: VND) làm đại diện sở hữu trái phiếu và lưu ký.
Tính đến thời điểm 31/12/2022, tổng dư nợ trái phiếu của Trung Nam Group là khoảng 24.300 tỷ đồng. Số nợ phải trả của doanh nghiệp này là 68.110 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 27.914 tỷ đồng. Như vậy, tổng tài sản của công ty cũng vượt mức 96.000 tỷ đồng.
Trungnam Group được thành lập vào 2004, xuất phát điểm là đơn vị trong lĩnh vực xây dựng. Sau 18 năm hoạt động, doanh nghiệp đã phát triển thành tập đoàn đa ngành hoạt động chính trong 5 lĩnh vực gồm năng lượng, hạ tầng - xây dựng, bất động sản, công nghiệp thông tin điện tử. Tập đoàn được lèo lái bởi 2 doanh nhân khá kín tiếng là ông Nguyễn Tâm Thịnh (1973) – Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Tâm Tiến (1967) – Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.
Tập đoàn bước vào lĩnh vực năng lượng tái tạo từ 2018 và đây là lĩnh vực tạo nên tiếng vang cho Trungnam Group các năm gần đây. Ông Nguyễn Tâm Tiến từng khẳng định trong 5 lĩnh vực ngành nghề chiến lược thì năng lượng tái tạo là mảng chính và được đầu tư phát triển nhất. Điều này cũng phù hợp với định hướng của Chính phủ khi đưa ra những cam kết mạnh mẽ về cam kết trung hòa carbon vào năm 2050 tại Hội nghị COP 26.
Theo thống kê, tính đến nay, tập đoàn có 7 dự án điện mặt trời và điện gió, tổng công suất thiết kế 1.492,2 MW, sản lượng hơn 4 tỷ kWh. Các dự án đã được khánh thành, phần lớn trong năm 2021, đặc biệt, các dự án điện gió của tập đoàn đa phần hoàn thành vào cuối tháng 10/2021 - kịp hưởng giá ưu đãi. Ngoài ra, đơn vị có 3 dự án thủy điện với tổng công suất 118 MW, sản lượng 435 triệu kWh.
Ngay sau thông tin trên, cổ phiếu VND của VNDirect - đơn vị bảo lãnh phát hành cho đa số các lô trái phiếu và cũng là trái chủ lớn nhất của Trung Nam Group đã tăng trần 6,9% lên mức giá 20.900 đồng/cp trong phiên 6/10.
Bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch VNDirect đã từng chia sẻ nhiều hiều nhà đầu tư đều có băn khoăn rằng cổ phiếu VND gắn liền với câu chuyện của Trung Nam và điều này là đúng.
Chia sẻ về mối quan hệ của hai bên, bà Hương cũng cho biết với nguồn vốn dồi dào, VNDirect không chỉ bảo lãnh phát hành mà còn đồng hành với Trung Nam Group trong quá trình gỡ khó. Không chỉ bảo vệ nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu thông qua việc bảo vệ Trung Nam, CTCK này mong muốn giữ gìn một doanh nghiệp có tiềm năng phát triển mảng cốt yếu của nền kinh tế mà không phải bán cho nước ngoài.
VNDirect muốn mở rộng đầu tư nên đã lựa chọn ngành năng lượng, dịch vụ hạ tầng, giáo dục, y tế, dịch vụ du lịch và công nghệ để đầu tư. Vì đó là những ngành có nhu cầu lớn về nguồn vốn, có tiềm năng phát triển trong tương lai và là những ngành đại diện của nền kinh tế.
Và CTCK này lựa chọn Trung Nam vì đây là doanh nghiệp đại diện trong ngành năng lượng, có năng lực thực thi phát triển dự án và khả năng tìm kiếm dự án đầu tư. Nếu có năng lực huy động vốn ngoài vốn thương mại, chúng tôi tin rằng Trung Nam sẽ xây dụng được nền tảng về năng lượng rất tốt và giữ vững an ninh năng lượng cho Việt Nam.
Nhịp Sống Thị Trường