Trung Quốc bị nghi ngờ đang can thiệp thị trường tài chính
Các quỹ đầu tư được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn luôn bị nghi ngờ là đã mua cổ phiếu nhằm đảm bảo sự bình ổn của thị trường ở thời điểm có những sự kiện quan trọng, như các kỳ họp quốc hội hay những dịp lễ kỷ niệm lớn.
- 05-12-2019Bloomberg: Bỏ qua những bất đồng, lời phát biểu tiêu cực từ Tổng thống Trump, Mỹ và Trung Quốc tiến gần hơn với thoả thuận thương mại
- 05-12-2019Tin đồn trên mạng gây ra tình trạng rút tiền hàng loạt tại nhiều ngân hàng nhỏ Trung Quốc
- 04-12-2019Làn sóng vỡ nợ của Trung Quốc tiếp tục lập kỷ lục mới
Một sự yên ắng bất thường đang bao phủ lên các thị trường tài chính Trung Quốc. Cổ phiếu và trái phiếu chính phủ của quốc gia này đang ghi nhận những biến động tương đối khiêm tốn.
Độ biến động chỉ số Shanghai Composite đang ở mức thấp nhất gần hai năm, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm dao động trong biên độ hẹp nhất kể từ 2012. Bên cạnh đó, đồng nhân dân tệ duy trì biến động gần ngưỡng thấp nhất kể từ tháng 8 vừa qua.
Việc mọi thứ trở nên yên ắng trong khi các thị trường tài chính khác trên thế giới dao động mạnh trước mỗi diễn biến mới của cuộc thương chiến Mỹ - Trung đang gây bất ngờ cho những người theo dõi thị trường Trung Quốc.
Đáng chú ý, sự “yên bình” đó vẫn được duy trì ngay cả khi cổ phiếu của các quốc gia khác sụt giảm sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng ông sẵn sàng chờ thêm một năm nữa để đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Và cả ngay sau đó, cổ phiếu tại Mỹ và châu Âu đồng loạt phục hồi vào Thứ Tư vừa qua sau thông tin Trung Quốc và Mỹ đang tiến gần hơn tới một thỏa thuận thương mại.
Từ những bất thường trên, một số nhà đầu tư bắt đầu đặt câu hỏi liệu Bắc Kinh có đang can thiệp vào thị trường nhằm hạn chế sự biến động, điều mà các nhà chức trách Trung Quốc đã từng làm trước đây.
“Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu chính phủ Trung Quốc yêu cầu các ngân hàng hay các quỹ đầu tư không phản ứng với những thông tin trên thị trường gần đây”, Justin Tang, trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á tại United First Partners, cho biết. Ông cũng bổ sung rằng bản thân chưa thấy sự can thiệp trực tiếp nào của chính quyền lên thị trường như trong quá khứ.
Tuy nhiên, “Chính phủ có thể là một ‘bàn tay thầm lặng’ với thị trường Trung Quốc”, Justin Tang nói.
Trong quá khứ, các quỹ đầu tư được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn đôi khi bị nghi ngờ là đã mua cổ phiếu nhằm đảm bảo sự ổn định của thị trường xung quanh những sự kiện quan trọng, như các kỳ họp quốc hội hay những dịp lễ kỷ niệm lớn. Đầu năm nay, một loạt các quan chức Trung Quốc và cơ quan truyền thông nhà nước đã đưa ra những hỗ trợ bằng các tuyên bố để hỗ trợ nhân dân tệ khi giá đồng tiền này suy yếu, vượt qua ngưỡng 7 CNY/USD.
Gần hơn nữa, tờ báo tài chính quốc gia đã đăng những thông tin nhằm xoa dịu quan ngại của nhà đầu tư về vấn đề liên tục phát hành cổ phiếu, khi nói rằng các cuộc chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng trong tương lai sẽ được chấp thuận với nhịp độ “vừa phải”. Những lời bình luận dường như cũng có ý trấn an rằng thị trường cổ phiếu sẽ có đủ thanh khoản trong năm 2020.
Hiện tại, bên cạnh những dự báo về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cho năm tới, nhà đầu tư đang chờ đợi theo dõi những gì sẽ diễn ra xung quanh ngày 15/12, hạn chót mà Mỹ dự định sẽ nâng thuế quan đối với khoảng 160 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm cả các mặt hàng như điện thoại thông minh và đồ chơi.
Tuy vậy, hạn chót đó sẽ cho các nhà chức trách Trung Quốc thêm một lý do để xoa dịu thị trường, theo Justin Tang.
“Từ nay tới ngày 15/12, rất có thể Trung Quốc sẽ âm thầm ‘xoa dịu’ các thị trường trong nước. Bởi nếu chỉ số Shanghai Composite sụt giảm, Tổng thống Trump có thể sử dụng điều đó như một chiến thuật đàm phán với Trung Quốc và Trung Quốc sẽ không thích điều đó”, Justin Tang phân tích.
Thời báo ngân hàng