Trung Quốc chế drone quân sự biết "phân thân"
Trung Quốc tạo ra loại máy bay không người lái (drone) quân sự mới có thể "tự nhân lên" trong chớp mắt ngay giữa không trung, tạo bất ngờ cho đối thủ.
- 19-03-2024Thế giới chỉ còn 1.300 người: Cuộc chạy trốn "tận thế" có thật
- 19-03-2024La Nina thế chỗ El Nino: Việt Nam chịu tác động gì?
- 19-03-2024Haiti: Hạ tầng điện bị phá hoại, phát hiện nhiều thi thể ở khu nhà giàu
Drone mới do các nhà khoa học tại ĐH Hàng không và Du hành vũ trụ Nam Kinh (Trung Quốc) chế tạo, được mô tả "chưa từng thấy trên chiến trường".
Thoạt nhìn, nó cũng chỉ như những chiếc drone thông thường nhưng khi tiếp cận không phận mục tiêu, nó có thể chia tách trong nháy mắt thành hai, ba hoặc thậm chí sáu drone nhỏ hơn, tùy thuộc vào ý định tác chiến.
"Mỗi drone này chỉ có một cánh quạt nhưng có thể bay lượn và di chuyển tự do như loại thông thường. Khi chia tách, chúng vẫn có thể liên lạc với nhau và mỗi chiếc lại đóng vai trò cụ thể nào đó – chẳng hạn như chỉ huy, trinh sát, theo dõi và thậm chí phát động một cuộc tấn công – để hoàn thành nhiệm vụ chung" – nhà khoa học Shi Zhiwei, người dẫn đầu nghiên cứu, tiết lộ và khẳng định "đây là bước đột phá trong công nghệ tách không khí".
Theo báo South China Morning Post, công nghệ drone mới của Trung Quốc được đánh giá có thể "thay đổi cục diện chiến trường". Các nhà khoa học lý giải khi bầy drone xuất hiện trên radar đối phương, các hệ thống phòng không sẽ phân bổ nguồn lực và phương tiện vũ khí dựa trên số lượng ghi nhận.
Tuy nhiên, nếu đột ngột số lượng drone tăng lên sẽ khiến hệ thống phòng không đối thủ bối rối, dẫn tới thất bại không thể bắn hạ mục tiêu.
Mặc dù số lượng drone được nhân lên trong chớp mắt nhưng mỗi chiếc vẫn đạt hiệu suất bay gần gấp đôi so với máy bay không người lái đa cánh quạt có kích thước tương tự.
Giống như nhiều nhà nghiên cứu tiên phong về drone trong lịch sử, drone quân sự mới được các nhà khoa học Trung Quốc lấy cảm hứng từ cấu trúc độc đáo của hạt phong (hạt của cây phong lá đỏ).
Theo các nhà thực vật học, cấu trúc độc đáo của hạt phong giúp cung cấp lực nâng, cho phép nó bay lơ lửng hoặc thậm chí bay lên trong điều kiện có gió và có thể bay khoảng cách xa.
Các nhà nghiên cứu tại công ty sản xuất vũ khí hàng đầu Mỹ Lockheed Martin vào năm 2012 từng lấy cảm hứng từ hạt phong để phát triển drone với ống kính quay liên tục có khả năng theo dõi mục tiêu ổn định và chụp ảnh độ phân giải cao.
Nghiên cứu của công ty Mỹ dường như không đạt được thành công như kỳ vọng khi drone của họ bị hạn chế bởi tải trọng và năng lượng khiến nó không thể bay trong thời gian dài.
Thiết kế drone của Mỹ cũng có chi phí cao và khả năng bị phòng không đối phương bắn hạ cao hơn hẳn thiết bị mới của Trung Quốc - theo nhóm nghiên cứu Trung Quốc.
Người Lao Động