Trung Quốc cho bitcoin "ra rìa", triển khai loại tiền điện tử của riêng mình
Không giống như các nền tảng dựa trên blockchain phi tập trung, đồng tiền này có thể giúp Bắc Kinh kiểm soát hệ thống tài chính của nước này chặt chẽ hơn.
- 07-12-2018Thị trường tiền số "đỏ lửa", hàng loạt nhà phát triển, công ty start-up phá sản
- 25-11-2018Tiền số thảm hại ra sao so với hồi đầu năm?
- 21-11-2018Các đồng tiền số bị bán tháo không điểm dừng, bitcoin chạm sát mức 4.000 USD
Khi Satoshi Nakamoto mang Bitcoin đến thế giới vào năm 2008, mục đích của nhân vật bí ẩn này là sử dụng Bitcoin để chấm dứt quyền lực của chính quyền trung ương đối với lĩnh vực tài chính. Còn 10 năm sau, chính phủ Trung Quốc đang điều chỉnh các ý tưởng đằng sau Bitcoin để thực hiện mục tiêu ngược lại.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) có kế hoạch ra mắt một đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình. Nhưng không giống như các nền tảng dựa trên blockchain phi tập trung, đồng tiền này có thể giúp Bắc Kinh kiểm soát hệ thống tài chính của nước này chặt chẽ hơn. Đồng tiền số này còn thúc đẩy quyền lực của PBOC trong việc khắc phục những rủi ro và triệt phá các hoạt động rửa tiền. Nó có thể mở ra một cánh cửa chưa từng có để đi vào cuộc sống riêng tư của các cá nhân.
Theo dự kiến ban đầu, đồng tiền số mới này sẽ thay thế cho tiền mặt, phó Thống đốc PBOC - Fan Yifei, viết trong một bài báo hồi đầu năm nay. Theo các bằng sáng chế được ngân hàng trung ương đăng ký, người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ tải một ứng dụng ví điện tử trên điện thoại di động và đổi NDT để lấy tiền kỹ thuật số mà có thể sử dụng để thực hiện và nhận thanh toán. Điều quan trọng là PBOC cũng có thể theo dõi quá trình trao đổi tiền. Ông Fan đề xuất trong bài viết của mình rằng, các ngân hàng cần gửi thông tin hàng ngày về các giao dịch và các giao dịch cá nhân sẽ được giới hạn. PBOC từ chối bình luận về việc này.
Cựu thống đốc PBOC mới nghỉ hưu hồi tháng 3, ông Zhou Xiaochuan, là người bắt đầu thực hiện dự án này. Ông quyết định phát triển loại tiền kỹ thuật số này để giúp Trung Quốc không cần phải áp dụng một số tiêu chuẩn công nghệ được những người đến từ quốc gia khác thiết kế và kiểm soát. Trung Quốc đã cấm các hoạt động trao đổi tiền số và ICO vào năm ngoái.
Kể từ năm 2016, các nhà phát triển phần mềm của PBOC đã đăng ký 78 bằng sáng chế tiền kỹ thuật số, theo Bloomberg News. Tính đến tháng 8, ngân hàng này đã có 44 bằng sáng chế liên quan đến blockchain, đứng thứ 5 trên thế giới, theo ấn phẩm thương mại Trung Quốc IPRd Daily.
Nếu các nhà lãnh đạo Trung Quốc chính thức thông qua việc lưu hành đồng tiền tệ này, thì hoạt động ra mắt sẽ dần dần được triển khai. Những đợt thí điểm đầu tiên sẽ bị cấm sử dụng đối với các sản phẩm đầu tư, điều này sẽ không tác động đáng kể đến chính sách tiền tệ, một người hiểu rõ về các kế hoạch của ngân hàng trung ương cho biết.
Tuy nhiên, các đơn xin cấp bằng sáng chế cho thấy ngân hàng trung ương cuối cùng cũng có thể theo dõi các giao dịch hàng ngày. Các hồ sơ được công khai hồi tháng 10 mô tả về một loại tiền tệ sẽ yêu cầu các ngân hàng phải nhập thông tin chi tiết về người đi vay và lãi suất trước khi các khoản tiền được giao dịch.
Các ngân hàng có ý định cho những công ty nằm trong "danh sách đen" của chính phủ vay tiền có thể sẽ tự động bị ngăn chặn. Các bằng sáng chế không đề cập đến việc từ chối khoản cho vay cá nhân, nhưng những người phản đối đề xuất này cho rằng công nghệ như vậy cũng có thể được sử dụng để trừng phạt những cá nhân có quan điểm bất đồng chính trị.
PBOC có thể vẫn đang tự thực hiện một số những hoạt động. Ngân hàng trung ương đã đăng 6 cơ hội việc làm tại Viện Tiền tệ kỹ thuật số tại Bắc Kinh vào tháng 10, nhằm tìm kiếm các ứng viên có chuyên môn từ phần mềm, mã hóa cho đến nghiên cứu luật và kinh tế.