Trung Quốc có giếng khoan siêu sâu 10.000m đầu tiên
Sau chưa đầy 280 ngày khoan xuyên 12 địa tầng vào lớp đất đá có niên đại 500 triệu năm, Trung Quốc đã chính thức sở hữu giếng khoan siêu sâu trên 10.000m đầu tiên. Nước này sẽ tiếp tục hướng tới mục tiêu cuối cùng là hoàn thành giếng khoan sâu 11.100m, đứng thứ hai thế giới và số 1 châu Á.
- 07-03-2024Giá loại hạt này đang ở đỉnh lịch sử: Điều đáng kinh ngạc là nhu cầu chưa có dấu hiệu suy giảm và El Nino góp một phần trong đó
- 07-03-2024Elon Musk gặp hoạ ở châu Âu: Nhà máy Tesla bị phá hoại, thiệt hại 1 tỷ USD, phải ngừng sản xuất 1.000 xe mỗi ngày
- 07-03-2024Phát hiện lãnh chúa nằm úp mặt trong lăng mộ đầy vàng 1.300 tuổi
Giếng khoan thăm dò khoa học mang tên “Shendi Ta'ke-1” của Trung Quốc vừa chính thức đạt độ sâu hơn 10.000m hôm thứ Hai đầu tuần, trở thành giếng khoan siêu sâu thẳng đứng trên 10.000m đầu tiên của nước này, phá kỷ lục giếng khoan sâu nhất châu Á và cũng lập kỷ lục về thời gian khoan giếng sâu hơn 10.000m trong thời gian ngắn nhất trên thế giới.
Giếng thăm dò này của Tập đoàn dầu khí PetroChina, nằm trên sa mạc Taklamakan ở Tân Cương, có độ sâu thiết kế 11.100m. Bồn địa Tarim, nơi đặt giếng khoan, rất giàu trữ lượng dầu khí, chiếm tới hơn một nửa tài nguyên dầu khí siêu sâu của Trung Quốc. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những khu vực khó thăm dò nhất do môi trường mặt đất khắc nghiệt và điều kiện trong lòng đất phức tạp.
Để hoàn thành giếng khoan này, Trung Quốc cần khoan xuyên 13 địa tầng. Kể từ khi bắt đầu khoan ngày 30/5/2023, nước này đã sử dụng giàn khoan tự động siêu sâu 12.000m đầu tiên trên thế giới tự phát triển, cùng các công nghệ tiên tiến như dung dịch khoan nhiệt độ cực cao 220 độ C, vít chịu nhiệt độ cao... Đến nay, sau 279 ngày, Trung Quốc đã khoan đến tầng thứ 12 – nơi đất đá được hình thành từ 500 triệu năm trước.
Ông Tôn Long Đức, Viện sĩ Viện Công trình Trung Quốc, cho biết: “Hiện tại, chúng tôi cho rằng có dầu khí ở độ sâu 10.000m, vì vậy chúng tôi cần thăm dò dầu khí ở độ sâu này. Dù khó khăn nhưng nó cũng cung cấp cho chúng tôi một “chiến trường” để tiến quân tới độ sâu 10.000m và giải quyết những vấn đề khoa học nan giai lớn trong không gian nằm sâu dưới lòng đất.”
Theo các chuyên gia, dựa trên phân tích khoa học, nguồn tài nguyên dầu khí được tìm thấy ở độ sâu 10.000m có thể là loại dầu chất lượng cao. Điều này cũng được Viện sĩ Tôn Long Đức xác nhận: “Đó là loại dầu nhẹ - một loại nguyên liệu hóa học rất cao cấp. Nó có thể đổ trực tiếp vào máy kéo để chạy mà không cần lọc và chế biến.”
Được biết, tài nguyên dầu khí sâu và siêu sâu trên đất liền hiện chiếm khoảng 34% tổng tài nguyên dầu khí của Trung Quốc, hơn thế tỷ lệ trữ lượng loại dầu này đang tăng lên từng năm. Những năm gần đây, PetroChina đã triển khai mạnh mẽ các công trình khai thác dầu sâu dưới lòng đất ở bồn địa Tarim và đã khoan thành công hơn 140 giếng dầu có độ sâu hơn 8.000m, được mệnh danh như những “Everest dưới lòng đất”. Năm 2023, mỏ dầu Tarim của tập đoàn này đã khai thác được 19,57 triệu tấn dầu khí siêu sâu, nhiều nhất trong cả nước và trở thành cơ sở sản xuất dầu khí siêu sâu lớn nhất Trung Quốc.
Trước đó, nước này đã đặt mục tiêu khoan xong giếng “Shendi Ta'ke-1” sâu 11.100m trong vòng 457 ngày.
VOV