MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc coi trọng "nền kinh tế tầm thấp"

13-08-2024 - 17:00 PM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc vừa tiến hành thử nghiệm mẫu máy bay không người lái (UAV) chở hàng lớn nhất từ trước đến nay, được thiết kế cho mục đích dân sự.

Truyền thông địa phương dẫn lời nhà phát triển Sichuan Tengden Sci-tech Innovation cho biết với khả năng tải trọng lên đến 2 tấn, UAV 2 động cơ này có chuyến bay kéo dài khoảng 20 phút tại tỉnh Tứ Xuyên hôm 11-8. Với sải cánh 16,1m và chiều cao 4,6 m, UAV này lớn hơn so với máy bay hạng nhẹ phổ biến nhất thế giới Cessna 172 do Công ty Máy bay Cessna (Mỹ) chế tạo.

Các nhà sản xuất máy bay không người lái dân dụng của Trung Quốc đang thử nghiệm máy bay tải trọng lớn hơn khi chính phủ nước này thúc đẩy xây dựng "nền kinh tế tầm thấp". Trước đó, mẫu UAV chở hàng do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) phát triển, gọi là HH-100, có chuyến bay đầu tiên vào tháng 6. 

UAV này có tải trọng 700 kg và bán kính hoạt động 520 km. Vào năm 2025, AVIC có kế hoạch thử nghiệm UAV chở hàng lớn nhất của mình, gọi là TP2000. UAV này có thể chở tới 2 tấn hàng hóa và hoạt động trong phạm vi 2.000 km.

Trung Quốc coi trọng

Máy bay không người lái chở hàng của Công ty Sichuan Tengden Sci-tech Innovation tại một sân bay ở tỉnh Tứ Xuyên - Trung Quốc ngày 11-8. Ảnh: REUTERS

"Nền kinh tế tầm thấp" thường đề cập đến các hoạt động kinh tế xoay quanh phương tiện bay dân dụng và không người lái ở độ cao dưới 3.000 m, bao gồm sản xuất, hoạt động bay, dịch vụ cho nông nghiệp, logistics và du lịch. 

Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) ước tính quy mô nền kinh tế này đạt mức 2.000 tỉ nhân dân tệ (khoảng 7 triệu tỉ đồng) vào năm 2030, tăng gấp 4 lần so với năm 2023. Trong một báo cáo năm nay, chính phủ Trung Quốc lần đầu tiên xác định nền kinh tế tầm thấp là động lực tăng trưởng mới.

Hồi tháng 4, CAAC lần đầu tiên cấp giấy chứng nhận sản xuất UAV chở khách cho Công ty UAV EHang Holdings, trụ sở tại TP Quảng Châu. 

Một tháng sau, Công ty Phoenix Wings bắt đầu giao trái cây tươi bằng UAV từ tỉnh Hải Nam đến tỉnh Quảng Đông. Tính đến năm 2023, Trung Quốc có hơn 2.000 doanh nghiệp tham gia thiết kế hoặc sản xuất UAV.

Theo Xuân Mai

Người Lao Động

Trở lên trên