Trung Quốc đang trả giá đắt vì trừng phạt Úc
Trung Quốc đang trả giá đắt vì chiến dịch trừng phạt kinh tế Úc thông qua lệnh cấm hoặc hạn chế nhập khẩu hàng hóa. Úc đến giờ dường như không bị ảnh hưởng tài chính nặng nề.
- 27-01-2021Cuộc chiến lạ lùng bất phân thắng bại trên TTCK Mỹ: Giới bán khống lỗ 6 tỷ USD vẫn không đầu hàng, "phe con bò" liên tục rót tiền đẩy giá cổ phiếu
- 27-01-2021Không phải Mỹ hay Trung Quốc, đây mới là thị trường chứng khoán tốt nhất thế giới
- 27-01-2021Nguy cơ chuỗi cung ứng toàn cầu đứt đoạn từ những thùng cá đông lạnh chất đống ở Trung Quốc
Kể từ khi Canberra kêu gọi điều tra quốc tế về nguồn gốc Covid-19 và cấm Tập đoàn viễn thông Huawei (Trung Quốc) tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng 5G tại Úc, Bắc Kinh công bố hàng loạt lệnh hạn chế hoặc cấm nhập khẩu hàng hóa từ Úc.
Than đá hiện là mục tiêu hàng đầu của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Úc. Theo Reuters, hoạt động nhập khẩu than Úc của Trung Quốc dường như đã sụp đổ, giảm mạnh từ 9,46 triệu tấn trong tháng 6-2020 xuống còn 687.000 tấn trong tháng 12-2020.
Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy hoạt động xuất khẩu tổng thể của Úc không bị ảnh hưởng, đạt 33,82 triệu tấn vào tháng 12-2020. Đây cũng là tháng Úc ghi nhận hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ nhất trong năm 2020.
Trong khi đợt rét đậm trên khắp Bắc Á khiến nhu cầu than tăng vọt ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, Úc dường như cũng đã xuất khẩu nhiều than hơn cho các quốc gia trong khu vực, như Ấn Độ và Thái Lan.
Than đá Úc là một trong những sản phẩm bị Trung Quốc đưa vào danh sách đen. Ảnh: Reuters
Không riêng số lượng, thu nhập từ hoạt động xuất khẩu than cũng nghiêng về Úc, chống lại Trung Quốc. Dữ liệu từ Cục Thống kê Úc cho thấy xuất khẩu than của Úc đạt 2,87 tỉ USD trong tháng 12-2020, cao nhất kể từ tháng 5-2020.
Chỉ số định chuẩn than nhiệt Úc, Newcastle Weekly Index, kết thúc phiên giao dịch ngày 22-1 với mức 87,52 USD/tấn – tăng 89% so với múc thấp kỷ lục 46,37 USD/tấn hồi tháng 9-2020, thời điểm thị trường lo ngại nhất về tác động của lệnh cấm từ Trung Quốc.
Giá than Úc tăng khiến các nhà nhập khẩu Trung Quốc phải chịu cảnh tốn kém hơn. Ngược lại, tình trạng này cho phép giá than nội địa "nhảy múa" vì không có sự cạnh tranh từ than nhập khẩu.
Không chỉ than đá, ngũ cốc và quặng đồng cũng là những mặt hàng xuất khẩu Úc không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm của Trung Quốc.
Xuất khẩu ngũ cốc Úc chạm mốc 920 triệu USD trong tháng 12-2020, mức cao kỷ lục từng được ghi nhận và cao hơn gần gấp 3 lần so với tháng trước đó.
Nông dân trồng lúa mạch Úc ban đầu gặp khó khăn vì lệnh áp thuế của Trung Quốc nhưng sau đó đã tìm được thị trường thay thế. Ảnh: Reuters
Trung Quốc áp mức thuế 80,5% lên lúa mạch nhập khẩu từ Úc vào tháng 5-2020, khiến hoạt động giao thương lúa mạch giữa 2 nước sụp đổ. Ban đầu, nông dân trồng lúa mạch Úc bị ảnh hưởng nặng nề nhưng sau đó, họ đã thành công trong việc chuyển sang thị trường mới hoặc trồng cây khác.
Trung Quốc cũng đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu không chính thức đối với quặng đồng Úc. Dù vậy, trong bối cảnh thế giới khát nguồn cung quặng đồng, lệnh cấm của Trung Quốc đang phản tác dụng, buộc họ phải chi tiêu nhiều hơn để tìm kiếm nguồn cung thay thế. Ở chiều hướng ngược lại, các nhà khai thác quặng đồng Úc có thể dễ dàng bán sản phẩm của họ cho những thị trường khác.
Bà Gina Raimondo – người được Tổng thống Joe Biden đề cử vào vị trí bộ trưởng thương mại Mỹ. Ảnh: Reuters
Trong một diễn biến riêng biệt, bà Gina Raimondo – người được Tổng thống Joe Biden đề cử vào vị trí bộ trưởng thương mại Mỹ - hôm 26-1 tuyên bố Washington phải triển khai những bước đi "quyết liệt" để chống lại các hành vi thương mại "không công bằng" của Trung Quốc, cũng như để tập trung đầu tư nhằm nâng cao năng lực sản xuất của nước Mỹ.
"Rõ ràng, Trung Quốc đã hành xử theo những cách không mang tính cạnh tranh - bán phá giá thép và nhôm vào thị trường Mỹ. Điều này gây tổn hại cho lao động Mỹ và ảnh hưởng xấu đến khả năng cạnh tranh của các công ty Mỹ" – bà Raimondo nhấn mạnh trong phiên điều trần xác nhận đề cử trước Thượng viện Mỹ.
NLĐ