MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc đang xuất khẩu lạm phát ra toàn thế giới?

30-03-2021 - 15:56 PM | Tài chính quốc tế

Ảnh: Fathom

Ảnh: Fathom

Nhiều nhà điều hành doanh nghiệp cho biết trong nhiều thập niên, họ chưa từng chứng kiến giá hàng hóa nguyên liệu tăng nhanh như hiện nay.

Giá cả hàng hóa nguyên liệu thô tăng và nhiều hạn chế trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang khiến cho nhiều nhà xuất khẩu Trung Quốc phải tăng giá bán hàng hóa ra nước ngoài, thực tế này khiến nhiều người dự báo về khả năng áp lực lạm phát trên toàn cầu sẽ tăng cao, theo nhận định được đưa ra mới đây trên Wall Street Journal.

Nỗi sợ này đã tăng lên trong những ngày gần đây sau vụ việc siêu tàu vận tải container chặn kênh đào Suez, gây căng thẳng cho chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã chịu rất nhiều tác động từ đại dịch Covid-19 và nhu cầu chip máy tính cũng như nhiều loại hàng hóa khác tăng cao từ trước đó.

Giám đốc công ty Resysta AV chuyên sản xuất nội thất ngoài trời tại thành phố Phật Sơn miền Nam Trung Quốc, ông Rene de Jong, cho biết ông có kế hoặc nâng giá sản phẩm khoảng 7% đối với các đơn hàng mới trong mùa hè này.

Theo giải thích của ông Rene de Jong, việc nâng giá sản phẩm không thể tránh khỏi bởi xét đến thực tế rằng giá cả của các chất hóa học và kim loại được sử dụng để sản xuất hàng hóa tại nhà máy ở Indonesia và Trung Quốc đã tăng nhanh chóng trong những tháng gần đây. Chi phí vận tải đã tăng đến 90% tính từ tháng 6/2020 dù rằng trên thực tế khách hàng mới là bên chi trả chi phí này.

"Trong gần 25 năm tôi ở Trung Quốc, tôi chưa từng chứng kiến điều gì như thế này. Tôi chưa bao giờ thấy chi phí vận tải tăng đến chóng mặt như vậy, giá thép giá nhôm tăng đến không thể tưởng tượng nổi", ông nói thêm rằng biên lợi nhuận của công ty hiện đang chịu nhiều áp lực.

Một số công ty xuất khẩu hàng hóa khác của Trung Quốc cũng đã nâng giá bán hàng hóa, cụ thể là nhiều công ty may mặc và sản xuất đồ chơi. Giá bán sản phẩm từ đầu tháng 3/2021 đã được tăng khoảng từ 10 đến 15%.

Tất nhiên, chỉ riêng yếu tố giá bán hàng hóa từ Trung Quốc tăng sẽ không đủ để đẩy lạm phát tại Mỹ và nhiều nơi khác tăng cao. Thậm chí nếu như các nhà nhập khẩu phương Tây lựa chọn chịu chi trả mức tăng chi phí này mà không đẩy nó sang phía người tiêu dùng, tác động về lạm phát từ việc Trung Quốc tăng giá bán hàng hóa sẽ giảm đi đáng kể. Dù vậy việc làm này sẽ khiến cho lợi nhuận của họ sụt giảm nghiêm trọng.

Các số liệu lạm phát được tính toán tại Mỹ bao gồm rất nhiều thành tố mà trong đó, giá cả hàng hóa tiêu dùng nhập khẩu chỉ là một phần. Trước đại dịch Covid-19, hơn 60% tiêu dùng tại Mỹ dành cho dịch vụ ví như ăn tối hoặc du lịch chứ không chỉ riêng hàng hóa tiêu dùng.

Dù vậy, việc các doanh nghiệp Trung Quốc tăng giá bán hàng hóa vẫn tạo ra thêm áp lực tăng giá cả hàng hóa trên toàn cầu trong bối cảnh mà chi phí hàng loạt loại mặt hàng, từ gỗ cho đến thép hay bông đều tăng lên.

Nhiều chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư lo ngại rằng hàng nghìn tỷ USD từ các gói kích cầu được tung ra trên khắp thế giới cuối cùng sẽ chỉ dẫn đến lạm phát chứ không đạt hiệu quả chính sách như các nhà hoạch định chính sách mong đợi, đặc biệt nếu mà tình trạng tắc nghẽn của chuỗi cung ứng kéo dài. Hiện đang có rất nhiều các cuộc tranh cãi về việc cuối cùng mọi chuyện sẽ có thể tồi tệ đến đâu.

Rõ ràng rằng các nhà sản xuất Trung Quốc sản xuất sản phẩm cho toàn bộ thế giới, và họ đang ngày một gặp khó trong việc giữ nguyên chi phí, đặc biệt khi mà sau đại dịch Covid-19, tình trạng phong tỏa đã làm cho công việc kinh doanh của họ khốn đốn. Trong quá khứ, các nhà máy của Trung Quốc với nguồn lao động rẻ thường giúp cho giá cả hàng hóa toàn cầu bình ổn, thế nhưng giờ đây thực tế này không còn đúng nữa bởi chi phí tại chính các nhà máy trên đang tăng lên nhanh chóng.

Giá cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ tăng 1,2% trong năm trước và như vậy ghi nhận tốc độ tăng cao nhất tính từ năm 2012, tốc độ tăng đặc biệt lên cao trong khoảng thời gian 3 tháng gần đây, theo số liệu của Cục Thống kê Mỹ.

Theo Nhật Đăng

Nhịp sống doanh nghiệp

Trở lên trên