Trung Quốc “đảo hàng”, giá hạt tiêu Việt Nam giảm sâu
Là quốc gia thuần nhập khẩu hạt tiêu với số lượng lớn, nhưng Trung Quốc lại đẩy mạnh lượng bán ra…
- 04-07-2020Xuất khẩu hạt tiêu giảm nhẹ trong 6 tháng đầu năm
- 20-04-2020Giá hạt tiêu thấp do ảnh hưởng bởi dịch bệnh
- 01-04-2020Xuất khẩu hạt điều khó đạt mục tiêu 4 tỷ USD do dịch Covid-19
Trong 10 ngày đầu tháng 7 giá tiêu so với tháng 6 đã tăng gần 2.000 đồng/kg, vì vậy có nhiều dự báo lạc quan giá tiêu sẽ tăng mạnh trở lại.
Tuy nhiên tại phiên giao dịch ngày 9/7/2020 giá tiêu Gia Lai bất ngờ giảm 500 đồng/kg về mức 48.000 đồng/kg và mức giá cao nhất là 51.000 đồng/kg được ghi nhận ở Bà Rịa - Vũng Tàu.
Giá tiêu tại tại Đồng Nai tăng lên 48.500 đồng/kg còn tại Đắk Nông và Đắk Lắk Bình Phước ở mức 49.500 đồng/kg. Như vậy, giá hồ tiêu toàn miền ngày 9/7 dao động trong khoảng từ 48.400 - 51.000 đồng/kg.
Giá nội địa đang cao hơn xuất khẩu
Theo Cục Xuất nhập khẩu, tại cảng khu vực TP.HCM, giá hạt tiêu đen xuất khẩu giảm do nhu cầu của các nhà nhập khẩu nước ngoài giảm sau khi đã nhập một số lượng lớn 150.000 tấn. Dịch Covid-19 ám ảnh khả năng bùng phát lần 2 ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu của một số thị trường xuất khẩu chính. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc đẩy mạnh lượng hạt tiêu bán ra cũng tác động đến giá xuất khẩu tiêu của Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu (VPA), do lo ngại đại dịch Covid-19 bùng phát lần 2 nên thị trường xuất khẩu hạt tiêu rất trầm lắng và rất ít người mua, đặc biệt là Ấn Độ và các nước nhập khẩu khác đang giảm mua vào làm cho xuất khẩu hồ tiêu gặp nhiều khó khăn, trong khi nguồn cung hạt tiêu vẫn có hàng.
Nói về việc Trung Quốc đang xuất khẩu hạt tiêu làm ảnh hưởng đến giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam và kéo giá tiêu trong nước giảm, ông Hải cho rằng trong hoạt động xuất nhập khẩu một nước có thể mua vào và bán ra là chuyện bình thường. Vì vậy, Trung Quốc có thể nhập khẩu hạt tiêu vào và sau đó nếu thấy cần thiết họ sẽ xuất khẩu trở lại. Tuy nhiên lượng hạt tiêu của Trung Quốc bán ra không lớn lắm.
“Đại dịch Covid-19 khiến cho nhu cầu hạt tiêu của thế giới giảm sâu. Các hoạt động mua bán trên thị trường đang rất trầm lắng nên giá xuất khẩu tiêu bị sụt giảm là chuyện không thể tránh khỏi. Đầu quý III/2020, có rất ít doanh nghiệp ký được đơn hàng mới, vì giá tiêu nội địa bình quân 50.000 đồng/kg là khá cao so với giá xuất khẩu nên doanh nghiệp khó cân đối với giá thế giới để chốt đơn hàng”, ông Hải nói.
Tầm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu quá lớn, và năm 2020 có thể nói là một năm rất khó khăn cho ngành hồ tiêu, vì tiêu không phải là loại thực phẩm thiết yếu trong đời sống hàng ngày của người dân. Trong khi đó, Việt Nam lại là nước xuất khẩu hạt tiêu số 1 thế giới, có khoảng 85% sản lượng tiêu làm ra dành cho xuất khẩu, chỉ từ 10 đến 15% dành cho tiêu thụ trong nước. Chính vì vậy người nông dân trồng tiêu đang gặp rất nhiều khó khăn.
Giá tiêu xuất khẩu giảm mạnh
Ông Hải cho biết thêm, trong những năm gần đây do giá xuất khẩu hồ tiêu xuống thấp quá nên một số diện tích không có sự đầu tư của người nông dân dẫn đến vườn tiêu bị chết, một số diện tích thì cho năng suất thấp, số diện tích khác chuyển sang cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Do vậy, sản lượng hồ tiêu năm nay giảm khoảng trên dưới 15% so với năm 2019, nhưng năm 2021 khả năng sản lượng tiêu của Việt Nam sẽ còn giảm nhiều hơn nữa.
Theo dữ liệu Tổng cục Hải quan, ước tính xuất khẩu hạt tiêu trong tháng 6/2020 đạt 25 nghìn tấn, trị giá 56 triệu USD, giảm 17,6% về lượng và giảm 8% về trị giá so với tháng 5/2020, so với tháng 6/2019 giảm 18,5% về lượng và giảm 25,5% về trị giá. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu hạt tiêu đạt 172 nghìn tấn, trị giá 365 triệu USD, giảm 2,9% về lượng và giảm 19% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu trong tháng 6/2020 đạt 2.240 USD/tấn, tăng 11,6% so với tháng 5/2020, nhưng giảm 8,6% so với tháng 6/2019. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu đạt mức 2.127 USD/tấn, giảm 16,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong 5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu hạt tiêu sang một số thị trường trọng điểm tăng so với cùng kỳ năm 2019, gồm: Hoa Kỳ tăng 3,7%, đạt 24,7 nghìn tấn; Đức tăng 1,5%, đạt 5,8 nghìn tấn; Ai Cập tăng 42,5%, đạt trên 6 nghìn tấn; Nga tăng 34,2%, đạt 2,9 nghìn tấn; Anh tăng 26,8%, đạt 2,5 nghìn tấn. Ngược lại, xuất khẩu hạt tiêu sang các thị trường giảm, như: Ấn Độ, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất, Hà Lan, Pakistan, Philippines.
Theo Hiệp hội Hạt tiêu Việt Nam, năm 2019 diện tích hồ tiêu Việt Nam là 140.000 ha; sản lượng vụ mùa năm 2020 giảm khoảng 15% so với năm 2019, xuống còn 240.000 tấn. Dự báo vụ mùa năm 2021 sản lượng hạt tiêu sẽ tiếp tục giảm do người dân không đầu tư chăm sóc, ảnh hưởng đến năng suất.
BizLive