Trung Quốc: Đau đầu vì "siêu virus" trên lợn, nguy cơ đại dịch mới hoành hành Đông Nam Á
Không như cúm gia cầm hoặc các bệnh lây nhiễm khác, bệnh tả lợn châu Phi không gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với con người nhưng có tỉ lệ tử vong gần như 100% ở lợn.
- 28-08-2018Hoành hành ở Trung Quốc, dịch cúm lợn châu Phi có nguy cơ lây lan tới Việt Nam, khiến giá thịt có thể tăng vọt
- 25-08-2018Tác động bất ngờ của lợn với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc
- 24-08-2018Chiến tranh thương mại quét qua những trang trại nuôi lợn của Trung Quốc
- 30-07-2018Bê bối vắc xin ám ảnh chứng khoán Trung Quốc, công ty sản xuất thuốc cho lợn cũng mất gần 500 triệu USD
- 24-07-2018Chỉ có thể bán nội tạng lợn cho Trung Quốc, ngành chăn nuôi lợn của Mỹ thiệt hại nặng vì trade war
"Cuộc xâm lăng của virus"
Theo Washington Post, chính quyền địa phương các tỉnh thành Trung Quốc hiện đang đau đầu tìm cách chặn đứng dịch tả lợn châu Phi - một loại bệnh có nguy cơ giết hại và tàn phá nền nông nghiệp nước này.
Từ đầu tháng 4, virus tả lợn châu Phi (ASFV) đã lan sang 4 tỉnh lớn của Trung Quốc và được phát hiện trên các địa bàn cách nhau hơn 1.000km. Mặc dù không nguy hiểm đối với tính mạng con người, nhưng nếu bùng phát thành đại dịch, ASFV có thể đe dọa kinh tế của hàng trăm nghìn hộ nông dân và đe dọa nền công nghiệp sản xuất thịt lợn của Trung Quốc.
Trung Quốc hiện tại có khoảng 700 triệu con lợn, chiếm khoảng 1 nửa tổng số trên thế giới. Thịt lợn là nguồn cung cấp protein chính của nước này.
Nếu Trung Quốc không nhanh chóng kiểm soát ASFV, Tổ chức Nông Lương của Liên Hợp Quốc (UNFAO) lo ngại virus này có thể tấn công bán đảo Triều Tiên và Đông Nam Á, gây ra khủng hoảng trong khu vực.
Young S. Lyoo, một giáo sư khoa Thú y tại Đại học Konkuk (Hàn Quốc), nhận xét: "Rất khó để kiểm soát dịch bệnh ở Trung Quốc. Một khi virus lan tới các nước châu Á khác, chúng ta có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng bất ổn và hỗn loạn."
ASFV có tỉ lệ tử vong cực kì cao ở lợn - chủng độc nhất của dòng virus này khiến gần như 100% cá thể mắc bệnh tử vong. Ảnh: Getty
Không như cúm gia cầm hoặc các bệnh lây nhiễm khác, bệnh tả lợn châu Phi không gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với con người. Nhưng ASFV lại có tỉ lệ tử vong cực kì cao ở lợn - chủng độc nhất của dòng virus này khiến gần như 100% cá thể mắc bệnh tử vong.
Tới nay, không có vaccine hay phương pháp điều trị nào hoàn toàn hiệu quả trước ASFV, biến nó thành loại virus đặc biệt khó đối phó.
Virus này còn có thể tồn tại nhiều tuần trong thời tiết ấm hoặc lạnh, trong các sản phẩm thịt lợn và trong các lò mổ cũng như trên những phương tiện vận chuyển thịt.
Juan Lubroth - giám đốc thú y của một cơ quan thực phẩm của LHQ có trụ sở tại Rome - cho rằng còn quá sớm để nói về sự lây lan của ASFV và ảnh hưởng của nó. Tuy nhiên, ông vẫn kêu gọi châu Á "nên chuẩn bị cho cuộc xâm lăng của virus."
Thị trường thịt biến động
Trường hợp mắc tả lợn châu Phi đầu tiên ở Trung Quốc được phát hiện tại tỉnh Liêu Ninh vào đầu tháng 8. Trong những tuần kế tiếp, các quan chức thông báo dịch bệnh đã lan sang ba tỉnh khác là Hà Nam, Giang Tô và Chiết Giang. Tới ngày 1/9, chính quyền các cấp Trung Quốc đã cho thiêu hủy khoảng 38.000 con lợn.
Lợn được khử trùng tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc trước khi được chuyển tới Hồng Kông. Ảnh: China Daily
Cơ quan thú y địa phương chịu trách nhiệm thông báo về dịch bệnh cho các hộ dân. Chính phủ Trung Quốc đã đề nghị đền bù 117 USD cho mỗi con lợn bị mắc virus.
Tuy nhiên, giải pháp này không có hiệu quả với số lượng hàng trăm nghìn trại nuôi lợn. Tại Trung Quốc, quy mô các trại lợn trải dài từ những khu công nghiệp khổng lồ tới các gia đình nhỏ. Thêm vào đó, nông dân Trung Quốc không có nhiều kinh nghiệm xử lí bệnh tả lợn và do đó có thể không phát hiện ra những dấu hiệu bất ổn.
Dịch tả lợn đã là nỗi ám ảnh tại châu Phi trong thế kỉ qua. Gần đây, đại dịch bùng phát tại châu Âu và Nam Mỹ. Trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh này, Nga đã mất gần 1 triệu con lợn còn Brazil mất tới 7 năm để khống chế được ASFV.
Theo cơ quan của LHQ, tại vùng đông bắc Trung Quốc, giá thịt lợn đã bắt đầu giảm.
"Tôi nghĩ thị trường đang có biến động, đặc biệt giữa những nông dân nuôi lợn, bởi không ai biết bao giờ dịch bệnh mới được kiểm soát," một nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc cho biết.
"Ảnh hưởng lên người mua hàng sẽ nhỏ hơn nhiều. Con người không bị mắc bệnh tả lợn, và thịt lợn vẫn an toàn nếu được nấu chín ở nhiệt độ cao."
Tuy nhiên, ASFV có thể sống rất lâu, kể cả trong những sản phẩm đã được chế biến như xúc xích (từ 3 đến 6 tháng) và thịt đông lạnh (tới 10 năm). Nếu những virus này thoát ra ngoài, chúng vẫn có thể gây bệnh hàng loạt cho các đàn lợn.