Trung Quốc định thay thế trưởng đặc khu Hong Kong
Chính quyền trung ương đang có kế hoạch thay thế trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam bằng một lãnh đạo "tạm thời" mới, Financial Times dẫn nguồn thạo tin nói.
- 17-10-2019Mỹ bước đầu thông qua dự luật ủng hộ Hong Kong, Trung Quốc phản ứng gay gắt
- 13-10-2019Vì sao Hong Kong không đánh mất vị thế "trung tâm tài chính toàn cầu" vào tay Thâm Quyến?
- 07-09-2019Hong Kong "kiểm soát chặt" sân bay sau đêm hỗn loạn, ga tàu bị đập phá, lửa cháy trên phố
Nguồn tin này cho biết, kế hoạch cụ thể mà Bắc Kinh vạch ra là để bà Lam từ chức vào tháng 3/2020, sau đó đưa một cái tên mới lên thay thế cho tới hết nhiệm kỳ của bà Lam vào năm 2022.
Nguồn tin cũng khẳng định Norman Chan, cựu Giám đốc điều hành Cơ quan tiền tệ Hong Kong và Henry Tang, cựu Tổng Thư ký chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong đang cạnh tranh cho vị trí bà Lam để lại.
Trưởng đặc khu mới sẽ phục vụ tới hết phần còn lại nhiệm kỳ của bà Lam. Họ có thể được thay thế bằng một cái tên khác khi nhiệm kỳ kết thúc.
Lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam. (Ảnh: CNN)
Trong một buổi họp kín với một nhóm lãnh đạo doanh nghiệp Hong Kong hồi tháng 9, bà Lam được cho là nói sẽ từ chức nếu có thể vì gây ra "sự tàn phá không thể tha thứ" dẫn tới nhiều tháng biểu tình chống chính quyền ở đặc khu này.
Tuy nhiên, ngay sau đó, trưởng đặc khu Hong Kong khẳng định bà chưa từng có ý định thảo luận về việc từ chức với Bắc Kinh nhằm chấm dứt biểu tình.
"Tôi thậm chí chưa bao giờ từng cân nhắc thảo luận việc từ chức với chính quyền trung ương. Quyết định không từ chức là lựa chọn của riêng tôi. Tôi tự nói với bản thân nhiều lần trong vài tháng qua rằng tôi và đội ngũ của mình nên ở lại giúp đỡ Hong Kong trong tình huống khó khăn như hiện nay. Tôi muốn đi trên con đường này cùng đội ngũ của mình và người dân Hong Kong", bà Lam phát biểu trong một cuộc họp báo được phát trên truyền hình ngày 3/9
Các cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ bắt đầu từ tháng 6 và duy trì cho tới hiện nay. Bà Lam quyết định rút lại dự luật nhưng người biểu tình nói điều đó là chưa đủ, yêu cầu chính quyền đáp ứng thêm các yêu cầu còn lại của họ bao gồm rút lại từ bạo loạn khi mô tả về các cuộc biểu tình, phóng thích những người bị bắt, mở một cuộc điều tra độc lập về các hành động lạm quyền của cánh sát trong biểu tình và quyền của người dân Hong Kong trong việc chọn lãnh đạo của họ.
Các cuộc biểu tình gần đây trở nên bạo lực hơn với các hành vi đốt phá, phá hoại được báo cáo ở khắp Hong Kong.
Với sự gia tăng các vụ đụng độ, cảnh sát chống bạo động Hong Kong đang phải tìm đến các thiết bị kiểm soát đám đông sau khi cạn kiệt hơi cay và các thiết bị chống bạo loạn.
VTC News