“Trung Quốc giờ không còn là công xưởng của thế giới”
“Giờ đây có rất nhiều thứ đang được sáng tạo ra ở Trung Quốc, thay vì nước này chỉ là một công xưởng sản xuất như trước kia”, ngân hàng UBS nhận định...
- 08-01-2018Nhiều tiềm năng xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Trung Quốc
- 07-01-2018Trung Quốc đang tiến rất nhanh đến một xã hội không dùng tiền mặt
- 07-01-2018Nghề 'cho thuê tử cung' ở Trung Quốc
Những nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc nhằm cải tổ nền kinh tế nước này đã đưa Trung Quốc dịch chuyển khỏi địa vị "công xưởng của thế giới" - ngân hàng Thụy Sỹ UBS nhận định.
"Giờ đây có rất nhiều thứ đang được sáng tạo ra ở Trung Quốc, thay vì nước này chỉ là một công xưởng sản xuất như trước kia", bà Kathryn Shih, Chủ tịch UBS khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nói trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC.
"Trung Quốc đang đi đầu trong nhiều thay đổi của công nghệ tài chính. Bởi vậy, ngày càng có nhiều công ty tài chính dùng công nghệ của Trung Quốc, bao gồm cả các công ty trong và ngoài nước", bà Shih phát biểu.
Ngành sản xuất của Trung Quốc đang chứng kiến những thay đổi lớn khi nước này tiến mạnh vào những ngành công nghệ cao. Bà Shih lấy dẫn chứng cho chuyển biến này là sự phát triển của ngành công nghiệp xe hơi chạy điện tại Trung Quốc.
"Xe chạy điện đang phát triển nhanh chóng ở Trung Quốc. Chúng tôi cho rằng sẽ thật tuyệt vời nếu có những thương hiệu xe chạy điện của Trung Quốc trong tương lai", bà Shih nói, đồng thời nhấn mạnh rằng nhiều khách hàng của UBS đang sẵn sàng đầu tư vào ngành xe hơi chạy điện của Trung Quốc - quốc gia đang nỗ lực trở thành nước đi đầu thế giới trong lĩnh vực này.
Sự chuyển biến của toàn nền kinh tế Trung Quốc nói chung diễn ra cùng với kế hoạch của Bắc Kinh về đưa nền kinh tế từ mô hình sản xuất dẫn đầu sang một nền kinh tế với các ngành dịch vụ và sáng tạo nắm vai trò chủ đạo.
Giới chuyên gia cũng cho rằng Trung Quốc đang dẫn trước Mỹ ở nhiều mảng của cuộc đua về trí tuệ nhân tạo (AI).
"Còn quá sớm để nói, nhưng Trung Quốc có lẽ đang dẫn đầu về AI phục vụ cho bán lẻ và tiêu dùng, còn Mỹ có lẽ dẫn đầu về công nghệ xe không người lái", ông Daniel Tu, Chủ tịch kiêm giám đốc sản phẩm của Gen.Life, một công ty khởi nghiệp (start-up) về sử dụng AI để đánh giá rủi ro, nhận định.
Ông Tu cũng cho rằng, về sự hậu thuẫn của Chính phủ đối với ngành AI, Trung Quốc có vẻ như đang có ưu thế hơn so với Mỹ. Năm ngoái, Trung Quốc đặt mục tiêu phát triển ngành AI tại nước này thành một ngành công nghiệp trị giá 150 tỷ USD trong vài năm tới và đưa Trung Quốc thành một trung tâm sáng tạo AI vào năm 2030.
Trong bối cảnh như vậy, nhiều nhân vật đi đầu trong ngành AI ở Mỹ đang kêu gọi Chính phủ, các doanh nghiệp và cộng đồng tập trung nỗ lực để tăng sức mạnh cạnh tranh cho ngành này.
"Các tổ chức học thuật ở Mỹ đang cảm nhận sự cấp bách phải có chính sách tập trung và nhất quán hơn từ Chính phủ liên bang. Trong khi đó, Trung Quốc đã có một tầm nhìn rõ ràng cho ngành AI", ông Tu nói.
VnEconomy