MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc gom mua cau non giá cao, Cục Trồng trọt khuyến cáo không trồng ồ ạt

07-02-2023 - 08:15 AM | Thị trường

Thời gian gần đây, thương lái Trung Quốc tăng thu mua quả cau non của Việt Nam khiến loại quả này có giá lên đến 26.000 đồng/kg, thậm chí cao hơn nếu khan hiếm.

Trả lời VTC News, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng, điều này rất có thể khiến người dân trồng cau một cách ồ ạt, dẫn đến nguy cơ khủng hoảng thừa. Do đó, ông Cường khuyến cáo người dân không nên ham giá cao mà trồng ồ ạt cau theo phong trào.

Ông Cường cho biết thêm, hiện tượng thương lái Trung Quốc thu mua cau non với giá cao đã diễn ra từ nhiều năm trước ở các tỉnh phía Bắc, miền Trung và cả Tây Nguyên. Những ngày đầu năm nay, họ lại bắt đầu thu mua trở lại.

“Các thương lái Trung Quốc đến thu mua cau hoàn hoàn toàn theo đường tiểu ngạch. Cây cau cũng không phải là cây lương thực chủ lực, chúng ta không có quy hoạch trồng cau nên các cơ quan chức năng không thể quản lý được. Do vậy, người dân phải tính toán thật kỹ khi trồng loại cây này, bởi muốn thu hoạch sản phẩm thì ít nhất cũng phải mất 3-5 năm”, ông Cường nói.

Trung Quốc gom mua cau non giá cao, Cục Trồng trọt khuyến cáo không trồng ồ ạt - Ảnh 1.

Thương lái Trung Quốc đang thu mua cau non Việt Nam với giá cao. (Ảnh minh họa: Báo Sóc Trăng)

Ông Cường lo ngại, việc thương lái Trung Quốc tăng mua cau non có thể do nhu cầu tiêu thụ quả này tăng đột biến nhưng rất có thể hiện tượng này thỉ mang tính đột biến và nhất thời chứ không theo quy luật thị trường như các nông sản xuất khẩu khác.

“Cây cau không phải là cây trồng, nông sản chính như lúa gạo, trái cây, rau tươi… nên nhu cầu tiêu thụ ở trong nước rất ít. Đây không phải là loại cây chủ lực nên Cục Trồng trọt, thậm chí kể cả chính quyền các địa phương cũng không nắm chính xác được có bao nhiêu diện tích”, ông Cường nói.

Ông Cường cũng dẫn lại những hệ luỵ đã từng xảy ra từ việc phát triển ồ ạt khiến giá cả lên xuống thất thường.

“Chúng ta đã có quá nhiều bài học về việc phá bỏ cây này, trồng cây kia khi giá lên cao và không theo định hướng, không có thị trường ổn định. Rồi khi không bán được, không có người thu mua thì người dân lại lao đao. Vì thế người dân đừng có rộn ràng khi thấy giá cau non cao tăng một cách ồ ạt mà vội vàng phá bỏ loại cây khác để trồng cau. Bởi cứ phá cây này trồng cây kia rồi đến khi thương lái không mua nữa thì cơ quan chức năng không can thiệp được vì đây là hành động tự phát”, ông Cường nói.

Theo ông Cường, nếu muốn phát triển cây cau thì chính quyền địa phương phải có định hướng, phải trồng ở những vùng có lợi thế và phải đầu tư bài bản chứ đừng thấy giá cau đắt là chỗ nào cũng trồng. Như thế sẽ dẫn đến nguy cơ khủng hoảng thừa. Bên cạnh đó, phải có ký kết thu mua của các doanh nghiệp của Trung Quốc chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào các thương lái, tiểu thương theo đường tiểu ngạch.

“Cục không quy hoạch trồng cau, bởi đây không phải là cây lương thực chủ lực của Việt Nam. Do vậy, chính quyền địa phương cần vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân để họ hiểu rõ những tác động của việc trồng, phát triển ồ ạt, không theo quy hoạch.”, ông Cường nói thêm.

Cũng theo ông Cường, Cục Trồng trọt chỉ định hướng chung, trong đó tập trung vào những loại cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu, điều, sầu riêng, lúa nước…Về phát triển cây trồng, Cục Trồng trọt chỉ ban hành những quy trình kỹ thuật tốt nhất, hướng dẫn địa phương quản lý giống chứ không làm kế hoạch phát triển.

Trên thực tế, đã rất nhiều lần người nông dân điêu đứng vì trồng cây ồ ạt theo phong trào khi thấy thương lái Trung Quốc tăng thu mua. Gần đây nhất, đầu năm 2022, ở nhiều tỉnh miền Tây diễn ra hiện tượng thanh long nghịch vụ (còn gọi là thanh long xông đèn) ế đầy đồng khi thương lái đột ngột dừng mua. Không ít thương lái nhỏ cũng bị thiệt hại số tiền đã đặt cọc trước đó, nhưng không thể yêu cầu các thương lái Trung Quốc bồi thường vì tất cả các giao dịch đặt cọc đều không rõ ràng, không có văn bản hay hợp đồng cụ thể.

Theo Phạm Duy

VTC News

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên