Trung Quốc hạ giá nội tệ - thảm họa tiềm ẩn với kinh tế khu vực
Việc Trung Quốc hạ giá đồng nhân dân tệ là thảm họa tiềm ẩn với các nền kinh tế Đông Nam Á, đặc biệt là với những quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Singapore và Malaysia.
- 08-08-2018Tại sao Trung Quốc lại là nơi có ý nghĩa sống còn với Tesla?
- 08-08-2018Trade War bước vào vòng mới, Mỹ ấn định ngày đánh thuế 25% với hàng hóa Trung Quốc
- 08-08-2018Phát hiện "rụng rời" trong vụ bê bối vaccine rởm của Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump thực sự sẽ áp thuế thương mại với Trung Quốc?
Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất châu Á, sẽ hạ giá mạnh đồng nhân dân tệ (CNY) để đáp trả?
Tại Đông Nam Á, nơi có một số nền kinh tế chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc nhiều nhất thế giới, các nhà quan sát cũng giống như bao người khác, họ không thể trả lời hai câu hỏi trên.
Tuy nhiên, có một điều chắc chắn. Họ đều nói rằng tại các thị trường tài chính, “tâm lý con gấu” sẽ duy trì. Nhiều người lo ngại tình huống tệ nhất xảy ra đó là ông Trump sẽ thực hiện kế hoạch nâng thuế suất từ 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc trong tháng 9. Trung Quốc hôm 3/8 dọa đáp trả bằng thuế với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ nhập khẩu.
Ngày 2/8, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, tại hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao (ASEAN) ở Singapore, đã kêu gọi giới chức Mỹ “bình tĩnh”, vài giờ sau khi đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói ông Trump đã chỉ đạo tăng thuế nhằm “buộc Trung Quốc thay đổi các chính sách và hành vi có hại”.
Đợt “ăn miếng, trả miếng” thuế quan bắt đầu trong tháng 6, khi ông Trump ra lệnh áp thuế 25% với 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, có hiệu lực từ tháng 7. Trung Quốc lập tức đáp trả tương đương. Ông Trump sau đó tuyên bố cân nhắc áp thuế 10% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nữa, thậm chí đánh thuế toàn bộ 500 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu.
Nếu Trung Quốc hạ giá đồng nhân dân tệ, giới quan sát tin phản ứng duy nhất tại các quốc gia Đông Nam Á, từ Malaysia tới Việt Nam, Thái Lan, Indonesia sẽ là hoang mang.
Piyush Gupta, giám đốc điều hành DBS Group, ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á, cho biết trong khi đợt thuế đầu tiên của hai bên “gần như không có ảnh hưởng đến sản lượng hay giá cả”, thách thức lớn hơn phải giải quyết là sự bất ổn.
Tương lai đồng nhân dân tệ hiện là một trong những dấu hỏi lớn.
“Mọi người không biết chắc tình hình diễn biến thế nào đang khiến niềm tin suy giảm và thể hiện ở việc 'tinh thần động vật' (Animal Spirits) xuất hiện trong khu vực”, Gupta cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNBC. Ông sử dụng cụm từ do nhà kinh tế John Maynard Keynes đưa ra, nhắc đến những quyết định thường thấy trong các giai đoạn bất ổn.
Các nhà phân tích nhấn mạnh họ chưa thấy có dấu hiệu rõ ràng về diễn biến mà các nhà đầu tư lo sợ nhất – Trung Quốc “vũ khí hóa” đồng nhân dân tệ. Những lo ngại đó dấy lên bởi đà giảm đều đặn của nhân dân tệ. Hôm 3/8, nhân dân tệ mất giá, chạm đáy 14 tháng so với USD.
Về mặt lý thuyết, giảm giá nhân dân tệ có thể giúp xóa bỏ ảnh hưởng từ chính sách thuế của Mỹ bởi nó giúp hàng xuất khẩu Trung Quốc rẻ hơn, từ đó tăng tính cạnh tranh.
Olivier Blanchard, cựu kinh tế gia tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nói nhân dân tệ cần mất giá 6 – 7% mới bù đắp được mức thuế suất 10% từ Mỹ. Nếu Trump thực hiện kế hoạch nâng thuế lên 25%, nhân dân tệ phải mất giá 12%, đồng nghĩa tỷ giá USD/CNY là 7,2 – hiện là 6,89.
Song Seng Wun, chuyên gia kinh tế khu vực tại CIMB Private Banking, Malaysia, nói không có lý do nghi ngờ việc Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh không có ý định dùng nhân dân tệ để đáp trả Mỹ.
“Cho đến giờ, chúng ta chấp nhận lời nói từ Trung Quốc. Khó có thể tranh luận với quan điểm của họ rằng nhân dân tệ suy yếu bởi USD mạnh lên và triển vọng kinh tế hoặc các yếu tố cơ bản yếu đi”, Song nói với This Week in Asia.
Nhiều chuyên gia tin khả năng nhân dân tệ mất giá mạnh, như Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) từng làm năm 2015, xảy ra là khá thấp. Lý do là nó sẽ xóa bỏ hy vọng của chính phủ Trung Quốc trong việc đưa nhân dân tệ thành một đồng tiền quốc tế. Ngoài ra, ông Trump cũng sẽ tận dụng cơ hội này để coi Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ, củng cố cho quyết định áp thuế.
Tác động đến Đông Nam Á
Tại khu vực, giới quan sát hoan nghênh việc Trung Quốc trấn an rằng nhân dân tệ sẽ không mất giá mạnh nhưng điều này vẫn không được đảm bảo hoàn toàn.
Ví dụ, tại Việt Nam, các nhà hoạch định chính sách đang theo dõi sát sao việc nhân dân tệ có thể giảm thêm bao nhiêu từ mức hiện tại. Việc hai nước đều là các cửa ngõ sản xuất làm dấy lên lo ngại nhân dân tệ suy yếu khiến hàng Trung Quốc rẻ hơn, từ đó giành lợi thế.
“Với Việt Nam, lo ngại lớn nhất liên quan đến cuộc chiến thương mại này là việc đồng nhân dân tệ mất giá”, ông Lê Đăng Doanh, cựu cố vấn kinh tế cấp cao chính phủ, nói.
Ngoài lợi thế giá rẻ, các nhà sản xuất Trung Quốc còn sẽ muốn đối tác cung ứng tại Việt Nam chiết khấu. Theo ông Doanh, nếu Việt Nam phản ứng bằng cách hạ giá VND, một vấn đề khác sẽ phát sinh là lạm phát bởi chi phí nhập khẩu tăng.
“Một số người nói Việt Nam sẽ hưởng lợi từ một số chuỗi cung ứng chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Điều đó cần nhiều thời gian… trong khi tác động từ việc nhân dân tệ mất giá là ngay lập tức”, ông Doanh nói.
Tại Thái Lan, các nhà phân tích cũng có chung lo ngại về tác động tức thì từ việc Mỹ áp thuế với hàng hóa Trung Quốc và khả năng nhân dân tệ mất giá.
Ngoài vấn đề cạnh tranh với hàng xuất khẩu của Trung Quốc, Thái Lan còn lo lượng du khách Trung Quốc tới nước này giảm do sức mua của họ giảm. Ngành công nghiệp du lịch Thái Lan đã đối mặt đà giảm này sau vụ tai nạn tàu thuyền ở Phuket tháng 7 làm 50 người chết, trong đố 47 người là từ Trung Quốc đại lục.
Tim Leelahaphan, nhà kinh tế thuộc ngân hàng Standard Chartered, dự báo ngân hàng trung ương Thái Lan sẽ có động thái can thiệp để thúc đẩy đồng baht yếu đi.
Các quốc gia phụ thuộc xuất khẩu như Malaysia và Singapore cũng cảm nhận sức ảnh hưởng đáng kể.
Singapore đặc biệt dễ tổn thương khi nhân dân tệ mất giá do một phần lớn hàng xuất khẩu và tái xuất khẩu của nước này là tới Trung Quốc. Singapore cùng quốc gia láng giềng Malaysia đối mặt viễn cảnh tăng trưởng GDP giảm 0,3% nếu tình hình hiện tại, và Mỹ không áp thêm thuế, duy trì tới cuối năm, theo ngân hàng OCBC.
Công chúng Mỹ có hạn chót là ngày 5/9 để nêu quan điểm về kế hoạch áp thêm thuế với hàng hóa Trung Quốc. Ông Trump sau đó mới quyết định có thực hiện hay không.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 2/8 tuyên bố chiến thuật “tống tiền” của Mỹ sẽ vô tác dụng và Bắc Kinh “kiên quyết bảo vệ các quyền lợi”, cho thấy nước này không xuống nước ngay.
Eduardo Pedrosa, tổng thư ký Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương, trụ sở Singapore, nói các bên cần xuống thang và nghĩ đến những ảnh hưởng dài hạn.
“Đừng quên những tác động thực sự về việc làm, khả năng cạnh tranh và tăng trưởng dài hạn khi đề cập đến biến động tiền tệ cùng những ảnh hưởng ngắn hạn từ thuế”, Pedrosa cho biết.
VnEconomy