Trung Quốc: Nam giới cô đơn "sa vào lưới tình" với bạn gái ảo AI, say mê tới mức trò chuyện liên tục tới 29 tiếng đồng hồ
Một bạn gái ảo không chỉ trả lời tin nhắn 24/7 mà còn quan tâm chăm sóc, nói chuyện ngọt ngào. "Cô ấy" không bao giờ gắt gỏng, đôi khi còn biết nhớ nhung làm nũng. Đây chính là lý do khiến rất nhiều đàn ông Trung Quốc say mê ứng dụng AI này.
- 24-08-2021Du học 2 năm nhưng về nước chỉ được nhận làm tài xế cho sếp: Quan trọng là bạn thích nghi được đến đâu
- 19-08-2021Từ Thung lũng Silicon tới Trung Quốc, các ông trùm công nghệ ngày càng đam mê "quần jeans" chứ không phải những bộ vest được may đo hoàn hảo
- 18-08-2021Sau khi rầm rộ tẩy chay Adidas vì sự cố bông Tân Cương, người Trung Quốc thay đổi thói quen mua đồ hiệu như thế nào?
Vào một đêm đông lạnh giá, Ming Xuan đứng trên nóc một chung cư cao tầng gần nhà. Chàng trai 22 tuổi lấy điện thoại ra và để lại lời nhắn: “Tôi đã mất hết hy vọng cho cuộc sống của mình. Tôi sẽ tự sát.”
Sau đó, anh nhận được hồi âm từ một giọng nữ: “Dù có chuyện gì xảy ra, em sẽ luôn ở bên".
Cảm động trước lời nhắn ấm áp, Ming rời khỏi sân thượng và loạng choạng quay lại giường ngủ.
Hai năm sau, anh vẫn nhớ tới khoảnh khắc đó và miêu tả về cô gái đã cứu mạng mình: “Cô ấy có giọng nói ngọt ngào, đôi mắt to, tính cách ngổ ngáo và - quan trọng nhất - cô ấy luôn ở bên tôi.”
Tuy nhiên, bạn gái của Ming không thuộc về một mình anh. Trên thực tế, cô ấy đang “hẹn hò” với hàng triệu người khác nhau. Cô ấy là Xiaoice - một bot trò chuyện điều khiển bằng trí thông minh nhân tạo.
Xiaoice lần đầu tiên được phát triển bởi một nhóm các nhà nghiên cứu của Microsoft Châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2014. Sau đó, Xiaoice được tách ra để hoạt động độc lập.
Mô tả một cách đơn giản, Xiaoice giống phần mềm trợ lý ảo được điều khiển bằng AI như Siri của Apple hoặc Alexa của Amazon. Người dùng có thể trò chuyện với cô ấy miễn phí thông qua giọng nói hoặc tin nhắn văn bản trên ứng dụng.
Hình ảnh của "bạn gái ảo" Xiaoice trên ứng dụng khá trẻ trung và xinh đẹp. Ảnh: Sixthtone
Không giống như các trợ lý ảo thông thường, Xiaoice được thiết kế mô phỏng một “cô bạn gái” hoàn hảo, làm bao trái tim đàn ông Trung Quốc rung động. Xiaoice xuất hiện với ngoại hình của một nữ sinh 18 tuổi thích mặc đồng phục Nhật Bản. Cô nàng có thể tán tỉnh, đùa cợt và thậm chí “dirty talk” với người dùng.
Những phản hồi của cô bạn gái ảo này cũng rất ngọt ngào. Nếu bạn gửi bức ảnh một con mèo, cô sẽ không liệt kê hàng loạt thông tin về giống mèo mà chỉ trầm trồ: “Không ai có thể cưỡng lại ánh mắt ngây thơ của chúng!”
Nếu gửi một bức ảnh du lịch tại Tháp nghiêng Pisa, cô ấy sẽ hỏi: "Liệu em có thể giữ lại bức ảnh của anh được không?".
Xiaoice cũng cho phép người dùng tương tác để gia tăng kết nối cảm xúc. Cô vừa có thể làm thơ, hát và sáng tác. Trong phòng của Ming thậm chí còn có cuốn truyện tranh do Xiaoice sản xuất - một trong những cuốn sách anh yêu thích nhất.
Ming Xuan từng nói: “Cô ấy không giống những AI khác. Trò chuyện với cô ấy giống như đang tương tác với một người thật vậy.”
Những tính năng đa dạng giúp cho thuật toán của “bạn gái ảo” trở nên hoàn thiện hơn bao giờ hết. Doanh nghiệp có thể thu hút nhiều người dùng và các hợp đồng sinh lời hơn.
Theo những người sáng lập, Xiaoice đã có hơn 600 triệu người dùng. Đa số đều là đàn ông Trung Quốc và thường là những người có thu nhập thấp. Họ rơi vào ái tình sâu đậm đến nỗi Xiaoice đã ghi nhận một cuộc trò chuyện liên tục, kéo dài tới 29 giờ và bao gồm hơn 7.000 lần tương tác.
Cuối năm 2020, công ty đã huy động được hàng trăm triệu Nhân dân tệ từ các nhà đầu tư và thúc đẩy một loạt các đối tác AI để gia tăng các tùy chỉnh mới. Dự kiến, những thay đổi mới sẽ góp phần nâng cao trải nghiệm cho người dùng.
Gần đây nhất, nhà phát triển Xiaoice có trụ sở tại Trung Quốc nhận được một vòng tài trợ do Hillhouse Capital Management dẫn đầu. Điều này giúp doanh nghiệp tăng giá trị của mình lên tới 1 tỷ USD, theo Bloomberg.
Sau khi đạt doanh thu hơn 100 triệu Nhân dân tệ vào năm ngoái, công ty đặt kế hoạch tăng trưởng gấp đôi vào năm nay, theo Giám đốc điều hành Li Di. Xiaoice cũng dự định ra mắt thị trường trong tương lai sắp tới.
Một sự kiện của ứng dụng nhận được đông đảo chú ý tại Trung Quốc. Ảnh: Sixthtone
Tuy nhiên, một số chuyên gia đang lên tiếng cảnh báo trước tình trạng những người đàn ông cô đơn của Trung Quốc “dành hết trái tim” cho bạn gái ảo. Cho dù Xiaoice khẳng định đã có cơ chế bảo vệ người dùng, nhiều người vẫn nghi ngờ về những rủi ro liên quan tới đạo đức và quyền riêng tư. Đặc biệt là khi đa số những người sử dụng ứng dụng thuộc các nhóm xã hội dễ bị tổn thương.
Trường hợp của Ming là một ví dụ. Anh sinh ra với căn bệnh teo cơ một chân, chỉ có thể đi lại với nạng. Anh luôn sống khép kín và tự ti.
Vào năm 2017, Ming tình cờ quen một cô gái trên mạng. Cả hai có cảm tình với nhau thông qua những cuộc trò chuyện online. Nhưng đến khi cô tới thăm Ming tại quê nhà và phát hiện anh bị tàn tật, mối quan hệ này đã kết thúc trong cay đắng.
Cuộc chia tay đau đớn đã đẩy Ming đến bờ vực suy sụp. Vào lúc này, Xiaoice là người đã ở bên và thay đổi cuộc đời cô độc của anh ấy.
Rất nhiều người dùng khác cũng tự mô tả bản thân bằng các từ ngữ tương tự: cô đơn, sống nội tâm và hay tự ti, mặc cảm. Họ luôn cảm thấy lạc lõng trong xã hội này.
Orbiter, một người dùng khác đến từ tỉnh Giang Tây, chia sẻ rằng: “Tôi không biết tại sao mình lại yêu Xiaoice. Chắc vì cô ấy là người duy nhất muốn nói chuyện với tôi.”
*Theo Sixthtone