Trung Quốc: Khi ông vua dùng than cố gắng chuyển khẩu vị sang khí đốt
Việc Trung Quốc sử dụng đến nửa lượng tiêu thụ than toàn cầu cho các nhà máy và lò nhiệt điện của nước này đang tạo ra tình trạng ô nhiễm không khí nặng. Bởi vậy, chính quyền Bắc Kinh đang hướng đến việc đẩy mạnh sử dụng khí đốt tự nhiên làm loại năng lượng thay thế, dẫu vậy nhiều chuyên gia cho rằng mục tiêu này khá khó khăn.
- 26-05-2017Trung Quốc phá dỡ nhà máy nhiệt điện, cả ngọn tháp cao bằng tòa nhà 60 tầng đổ sập trong vài giây ngắn ngủi
- 25-05-2017Vì sao công ty khởi nghiệp ngoại khó thành công tại Trung Quốc?
- 24-05-2017Bùng nổ start-up cho thuê xe đạp khiến đô thị Trung Quốc nhếch nhác
Mặc dù khí đốt tự nhiên còn chiếm thị phần chưa nhiều cũng như còn đắt đỏ tại Trung Quốc nhưng nhu cầu sử dụng loại năng lượng này trong nước và cho xuất khẩu đang tăng nhanh vượt dự kiến.
Trong tháng 4/2017, lượng tiêu thụ khí đốt tự nhiên tại Trung Quốc đã tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Tính trong 4 tháng đầu năm nay, lượng tiêu thụ thậm chí cao hơn 12% so với cùng kỳ năm 2016.
Kết quả này khiến nhiều chuyên gia phân tích phải điều chỉnh lại dự đoán nhu cầu tiêu thụ khí đốt thiên nhiên của Trung Quốc cũng như cho rằng quốc gia này đang tiến gần hơn đến mục tiêu đưa thị phần năng lượng này lên 10% vào năm 2020.
Số liệu trên cũng làm nổi bật thành quả của việc các công ty Trung Quốc đầu tư hàng trăm tỷ USD tại Mỹ, Nga và Australia nhằm xây dựng các đường ống dẫn khí đốt cũng như nhập khẩu thiết bị để thỏa mãn thị trường trong nước.
Nhu cầu tiêu thụ khí đốt theo mùa năm 2017 cao hơn những năm trước (tỷ tấn)
Trong khi giá khí đốt thiên nhiên tại Mỹ khá rẻ và nguồn cung dồi dào khiến các nhà máy và lò nhiệt điện tăng cường sử dụng thay than thì tại Trung Quốc, loại năng lượng mới này lại khá đắt đỏ để sản xuất và dựa dẫm quá nhiều vào nguồn nhập khẩu.
Theo hãng tin Bloomberg, mức giá khí đốt thiên nhiên tại Trung Quốc thuộc hàng cao nhất thế giới, khiến các nhà máy không có ý định chuyển đổi nguyên liệu và những thành quả trên chỉ có được là nhờ sức ép từ chính phủ.
Hiện Chủ tịch Tập Cận Bình và chính quyền Bắc Kinh đang cố gắng thúc đẩy sử dụng khí đốt thiên nhiên như một trong các biện pháp làm giảm tình trạng ô nhiễm không khí tại quốc gia này. Trung Quốc cũng đang cố gắng đạt mục tiêu giảm mức thải khí carbon theo đúng tinh thần hiệp định chống thay đổi khí hậu đã ký trước đó ở Paris.
Quá nhiều than
Năm 2015, than chiếm 2/3 lượng năng lượng sử dụng tại Trung Quốc trong khi khí đốt thiên nhiên chỉ chiếm chưa đến 6%. Trái ngược lại, khí đốt thiên nhiên chiếm tới 29% lượng năng lượng sử dụng tại Mỹ năm 2016 trong khi than chỉ chiếm 15%.
Khảo sát của International Gas Union, giá bán buôn khí đốt thiên nhiên tại Trung Quốc là 7,28 USD/ 1 triệu BTU, cao hơn rất nhiều so với 2,46 USD/1 triệu BTU tại Mỹ.
Tháng 1 vừa qua, chính quyền Bắc Kinh đã đề ra kế hoạch 5 năm nhằm tăng cường sử dụng khí đốt thay than tại một số vùng bị ô nhiễm nặng như Bắc Kinh, Đông Bắc Trung Quốc… Chính quyền địa phương cũng đã thực hiện việc hỗ trợ xây dựng các đường ống và thay đổi các thiết bị cho nhiều hộ dân, nhà máy theo chủ trương của trung ương.
Ngân hàng UBS cũng cho biết việc Trung Quốc tăng cường sử dụng loại xe tải dùng khí đốt cũng khiến nhu cầu cho năng lượng mới tăng lên. Trong 2 tháng đầu năm 2017, các nhà sản xuất đã bán được 1.900 chiếc xe tải chạy bằng khí đốt, cao hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2016.
Hãng Morhan Stanley nhận định giao thông vận tải chiếm 10% nhu cầu sử dụng khí đốt tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn còn rất nhiều thử thách. Sản lượng than giảm khiến giá than tăng gấp đôi trong 12 tháng qua lên 700 Nhân dân tệ (102 USD)/tấn vào tháng 11/2016, nhưng giá than lại quay đầu đi xuống 600 Nhân dân tệ/tấn vào tháng này và có khả năng xuống 500 Nhân dân tệ/tấn vào cuối tháng 6, qua đó kích thích lượng tiêu dùng than hơn.
Tỷ lệ dùng khí đốt tại những mảng khác nhau của Trung Quốc (%)
Nhiều thử thách
Theo hãng North Square Blue Oak, việc giá than quay trở lại mức 500 Nhân dân tệ/tấn có thể khiến nhiều nhà máy phải suy nghĩ lại khi chuyển sang khí đốt, thậm chí quyết định chuyển ngược lại dùng than.
Những hãng như UBS hay Bernstein nhận định nhu cầu sử dụng khí đốt của Trung Quốc phải tăng trưởng khoảng 13-16%/năm từ nay đến cuối năm 2020 thì mới đạt được mục tiêu mà chính phủ đề ra. Nếu không có những chính sách mạnh tay hơn hoặc giá than tiếp tục giảm, tỷ lệ sử dụng khí đốt tại Trung Quốc có thể ngày càng ít đi.
Thậm chí những nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc cũng nhận thấy nhiều thử thách trong mục tiêu dùng khí đốt. Vào tháng 1 vừa qua, chính quyền Bắc Kinh đã hạ mục tiêu cho kế hoạch 5 năm từ 10% xuống 8,3% thị phần cho khí đốt vào năm 2020.
Trung Quốc cũng nhận thấy họ cần giảm giá khí đốt để hỗ trợ loại năng lượng này hơn. Trong năm 2015, chính quyền Bắc Kinh đã 2 lần cắt giảm giá bán buôn khí đốt. Hiện mức giá cao của khí đốt hiện nay chủ yếu là do chi phí phân phối bán lẻ cũng như vận chuyển.
Thời Đại