Trung Quốc khó duy trì cắt giảm sản xuất thép, thị trường sẽ đón nhận cú hích trong tương lai gần?
Các chuyên gia dự báo Trung Quốc có thể sẽ sớm điều chỉnh chính sách cắt giảm sản lượng ngành thép. Do đó, đây có thể sẽ là động lực tăng trưởng cho thị trường trong tương lai.
- 26-08-2021Mexico nhận đơn yêu cầu điều tra chống bán phá giá thép mạ từ Việt Nam
- 24-08-2021Tin vui cho ngành thép: Giá quặng sắt thấp nhất 7,5 tháng
- 22-08-2021Việt Nam tiếp tục áp thuế chống bán phá giá 10,64% đối với thép chữ H của Malaysia
- 18-08-2021Giá than tăng có ảnh hưởng tới cổ phiếu ngành xi măng, đạm, thép?
Thị trường thép vẫn đang mắc kẹt giữa nhiều vấn đề liên quan, một là Trung Quốc có thể tập trung hơn vào nguồn nguyên liệu thô của nước ngoài trong thời gian tới để đáp ứng mục tiêu cắt giảm sản lượng thép; tuy nhiên tắc nghẽn tại các cảng và giá cước tăng cao trong đại dịch Covid-19 sẽ hạn chế hoạt động mua bán giữa các quốc gia.
Nhu cầu thép của Trung Quốc đang suy yếu nhưng sẽ sớm hồi phục
Giá quặng sắt quốc tế biến động rất mạnh trong thời gian qua. Đóng cửa phiên giao dịch 01/09, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên Sở Singapore tiếp tục giảm thêm 6,03% xuống còn 142,99 USD/tấn. Trong chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp, giá quặng sắt đã giảm hơn 9% và giá cũng đã mất hơn 25% giá trị so với thời điểm đầu tháng 7.
Trên Sở Đại Liên (Trung Quốc), hợp đồng tương lai quặng sắt tháng 01/2022 đang được giao dịch nhiều nhất cũng giảm gần 10 USD xuống mức 118,3 USD/tấn.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá quặng sắt nhập khẩu vào Trung Quốc sẽ tiếp tục biến động mạnh trong vài tuần tới. Đối với các nhà máy, nhu cầu quặng sắt của thương nhân đang được cân nhắc khá thận trọng khi chờ đợi những hướng đi rõ ràng của thị trường khi hoàn thành mua sắm các lô hàng vào cuối tháng 8, dẫn đến các giao dịch thưa thớt hơn.
Về cơ bản, nguồn cung quặng sắt không thay đổi nhiều khi các lô hàng tới Trung Quốc đã giảm từ tuần trước. Tuy nhiên, nhu cầu bị ảnh hưởng bởi việc siết chặt sản xuất thép được nâng lên cấp độ cao hơn ở các tỉnh như Quảng Tây, tạo áp lực khiến giá quặng sắt kỳ hạn và giá giao ngay giảm trở lại. Trong tuần trước, tổng khối lượng xuất khẩu quặng sắt của Australia và Brazil sang Trung Quốc đạt hơn 24,3 triệu tấn, giảm 148.000 tấn so với tuần trước nữa.
Đường Sơn, thành phố sản xuất thép hàng đầu ở Trung Quốc sẽ tiếp tục yêu cầu các nhà máy thép địa phương cắt giảm 30% sản lượng. Các thương nhân tích cực đẩy lượng hàng tồn kho thép ra thị trường và các hoạt động giao dịch được cải thiện. Khối lượng giao dịch của thép xây dựng tốt hơn thép dẹt dù giá thép xây dựng tăng từ 3 – 15 USD/tấn.
Ấn Độ, Brazil và Nga cũng bắt đầu cung cấp gang cho nước này vào cuối tháng 8, nguồn tin từ Metal Expert cho biết. Một số thương nhân Trung Quốc đã chào bán gang của Brazil cho thị trường nội địa với giá 540 USD/tấn CFR, ghi nhận những dấu hiệu hồi sinh của thị trường nhập khẩu gang thép.
Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc mới đây cho biết sẽ hỗ trợ tăng nguồn cung quặng sắt trong nước và coi đây là loại tài nguyên chiến lược trong các hoạt động khai thác. Công việc quan trọng tiếp theo là khám phá các mỏ quy mô lớn và dễ khai thác ở An Sơn và các mỏ quặng có hàm lượng sắt cao. Bộ cho biết sẽ thúc giục các thợ mỏ tăng đầu tư khai thác và tăng sản lượng dựa trên sự đổi mới công nghệ.
Theo MXV, Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm nay, kết hợp với kế hoạch trung hòa carbon nhưng không có nghĩa là sẽ đánh đổi sự phát triển của ngành công nghiệp nặng. Điều đó đồng nghĩa với việc các chính sách cắt giảm sản lượng trong ngành thép có thể sẽ được điều chỉnh.
Tuy nhiên trước khi đại dịch Covid-19 thực sự được kiểm soát thì nhu cầu thép của Trung Quốc hiện nay vẫn suy yếu, do các động lực chính từ lĩnh vực bất động sản và cơ sở hạ tầng chưa phục hồi. Thị trường vẫn nên tiếp tục tập trung vào các thông tin về chính sách mới của nước này cũng như việc luân chuyển hàng tồn kho trên thị trường và hoạt động xuất nhập khẩu.
Châu Á nhập khẩu nhiều phôi hơn vào cuối tháng 8
Ở thị trường châu Á, nhu cầu nhập khẩu phôi thép tăng lên vào cuối tháng 8. Giá phôi thép xuất khẩu của Việt Nam sang Philippines ở trong khoảng 675 – 680 USD/tấn CFR. Hoạt động thương mại trong phân khúc phôi thép của Iran đang dần được cải thiện. Sau một thời gian dài giảm doanh số xuất khẩu do tình trạng thiếu điện ở Iran, một trong những nhà cung cấp đã cố gắng đẩy mạnh bán hàng, chủ yếu là nhờ Trung Quốc. Một lô hàng khoảng 40 nghìn tấn phôi để sản xuất thép cuộn đã được bán cho Trung Quốc với giá 617 USD/tấn FOB, tương đương 670 USD/tấn CFR.
Cũng trong tuần trước, khoảng 30 nghìn tấn phôi thép của Nga đã được ký bán cho khu vực Đông Nam Á với giá khoảng 675 – 680 USD/tấn CFR, là lô hàng giao tháng 11.
Ở một số nước khác như Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ, giá phôi vuông xuất khẩu 125 – 150 mm cũng giảm nhẹ xuống khoảng 595 - 668 USD/tấn CFR. Trong khi các sản phẩm thép thanh và thép dẹt khá ổn định, giá thép thanh 8 - 12 mm của Thổ Nhĩ Kỳ báo giá 685 USD/tấn FOB, thép cuộn cán nóng 3-12mm của Trung Quốc là 920 USD/tấn FOB và của Việt Nam là 870 USD/tấn CFR.
Tuần trước, giá thép phế liệu trên thị trường quốc tế tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm. Công ty thu mua phế liệu lớn nhất Nhật Bản là Tokyo Steel đã thông báo cắt giảm giá phế liệu khoảng 500 Yên/tấn xuống 48.000 Yên/tấn, tương đương 436 USD/tấn.
Trong khi các nhà máy thép của Thổ Nhĩ Kỳ khá im hơi lặng tiếng trên thị trường phế liệu sau khi đặt 1 lô hàng duy nhất vào đầu tuần, với mức giá trung bình 450 USD/tấn CFR. Các công ty ở đây tiếp tục trì hoãn việc thu mua phế liệu hoặc chỉ muốn mua với một mức giá dưới 440 USD/tấn. Chi phí vận chuyển quá cao không cho phép các nhà cung cấp phế liệu Mỹ nhượng bộ giá bán. Sự khác biệt giữa các chính sách giá cũng là nguyên nhân khiến thị trường này trầm lắng.
Triển vọng ngành sản xuất và thương mại thép trong nước
Ở Việt Nam, một số doanh nghiệp thép tiếp tục có sự điều chỉnh giá bán vào hôm qua, với giá thép cuộn CB240 nhích nhẹ lên mức 16,16 – 17 triệu đồng/tấn. Đa số các doanh nghiệp thép đã thực hiện thay đổi giá thép xây dựng khoảng 4 lần kể từ đầu quý III đến nay. Mặc dù thị trường chung vẫn mang tâm lý lo ngại khi tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát ở một số tỉnh thành lớn nhưng các kênh xuất khẩu vẫn mang lại nhiều kỳ vọng cho nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều quốc gia vẫn thúc đẩy đầu tư hạ tầng song song với việc kiểm soát dịch bệnh.
Trước đó, báo cáo từ Tổng cục Hải quan cho biết xuất khẩu các loại sắt thép của Việt Nam từ đầu năm 2021 đến hết ngày 15/08 đạt 7,55 triệu tấn, tăng mạnh 44% về lượng và tăng tới 120% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này phần nào phản ánh mức tăng trưởng về doanh thu của các công ty trong ngành thép từ đầu năm tới nay. Chính sách thương mại thuận lợi và nhu cầu lớn từ các quốc gia châu Âu sẽ mang đến triển vọng tươi sáng cho thép Việt Nam trong phần còn lại của năm 2021.