Trung Quốc khó giải cơn "khát sữa" do thiếu… bò sữa giống
Trung Quốc đã trở nên "khát" sữa. Nhu cầu sữa ở nước này vốn đã liên tục tăng mạnh trong thời gian qua, nay càng tăng mạnh hơn sau khi các bác sỹ quảng cáo lợi ích của sữa đối với sức khỏe con người trong bối cảnh đại dịch covid-19 đang hoành hành, và các công ty sữa trên khắp Trung Quốc đang đổ xô đi xây trang trại nuôi bò sữa.
- 20-04-2021Cô gái trộn cần sa vào trà sữa bán kiếm lời "mè nheo" khi bị công an bắt quả tang: "Lúc nấu em chỉ nhắm theo quán tính"
- 19-04-2021Táng tận lương tâm trộn cần sa vào trà sữa bán kiếm lời
Nhưng việc dập tắt cơn "khát sữa" này không hề đơn giản, bởi sẽ cần phải có hàng triệu con bò cho những trang trại mới hoặc cho trang trại sau khi thực hiện kế hoạch mở rộng công suất. Đây là một thách thức lớn không dễ vượt qua.
Top những nước sản xuất sữa hàng đầu thế giới
Trung Quốc là nhà sản xuất sữa lớn thứ ba thế giới, nhưng sản lượng 34 triệu tấn của năm ngoái chỉ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu trong nước. Vấn đề phức tạp là chi phí thức ăn chăn nuôi hiện đang ở mức cao nhất trong vòng nhiều năm, trong khi nguồn cung đất và nước cũng thiếu hụt, khiến Trung Quốc trở thành nơi sản xuất sữa rất đắt đỏ.
Theo số liệu của công ty tư vấn Beijing Orient Dairy, trong năm 2020, có hơn 200 trang trại mới nuôi bò sữa ở Trung Quốc, được thúc đẩy bởi giá sữa tươi nguyên liệu và trợ cấp của Chính phủ cao gần kỷ lục.
Phân tích của Beijing Orient Dairy cho thấy 60% các dự án mới đã đặt mục tiêu cần có hơn 10.000 con bò sữa, và tổng cộng số bò cần bổ sung theo kế hoạch phát triển của ngành sữa trong những năm tới là khoảng 2,5 triệu con, tương đương khoảng 1/2 tổng số lượng bò sữa hiện tại của nước này.
Thị trường sữa của Trung Quốc hiện trị giá khoảng 62 tỷ USD mỗi năm và còn nhiều dư địa để phát triển hơn nữa. Mặc dù vậy, lượng tiêu thụ bình quân đầu người hàng năm hiện mới chỉ là 6,8 lít so với 50 lít của Mỹ, theo Euromonitor International.
"Tiêu thụ bình quân đầu người vẫn còn rất thấp", Gao Lina, Giám đốc điều hành của China Modern Dairy Holdings Ltd thông tin với phóng viên Reuters. Theo ông "Tiềm năng còn rất lớn."
Chính phủ nước này đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng sữa qua tuyên truyền về những lợi ích của nó - vừa để hỗ trợ ngành công nghiệp sữa nông thôn, vừa để thúc đẩy tiêu thụ.
Những thị trường tiêu thụ sữa lớn nhất thế giới
Bà Lina cho biết, người Trung Quốc, đặc biệt là trẻ em, đã bắt đầu ăn nhiều pho mát hơn, điều này sẽ làm tăng nhu cầu hơn nữa. Để sản xuất 1 kg pho mát thường cần 10 kg sữa. Tuy nhiên, sữa ở Trung Quốc vẫn được coi là sản phẩm đặc biệt đến mức là món quà phổ biến để biếu nhau. Sữa tươi ở Trung Quốc có giá khoảng 2 USD/lít, gần gấp đôi giá ở Anh và Mỹ; trong khi sữa tiệt trùng gói 240 ml ở nhiệt độ phòng phổ biến hơn có giá khoảng 40 US cent.
Theo số liệu của Nielsen, nhu cầu đối với sữa tươi ướp lạnh, chỉ chiếm 1/5 doanh số bán sữa ở Trung Quốc, đã cho thấy sự tăng trưởng nhanh chóng, với m ức tăng 21% trong 11 tháng đầu năm 2020, so với mức tăng 10,9% đối với sữa túi bảo quản ở nhiệt độ phòng.
Trong khi đó, trong cơn bão giá hàng hóa hiện nay, giá sữa thế giới cũng tăng lên, càng thôi thúc Trung Quốc phải tăng cường tỷ lệ tự cung mặt hàng này.
Mới đây, Fonterra của New Zeland - công ty sản xuất bơ sữa lớn nhất thế giới thông báo nâng giá thu mua sữa của người chăn nuôi cho vụ sắp tới do nhu cầu tăng mạnh trên toàn cầu, nhất là từ Trung Quốc và đặc biệt là sữa sản xuất tại New Zealand, trong khi đó tăng trưởng nguồn cung sữa toàn cầu dường như đang chững lại và nguồn cung sữa bột nguyên kem toàn cầu cũng bị hạn chế.
Theo đó giá sữa hãng sẽ thu mua tại cổng trại trong niên vụ 2021-22 sẽ trung bình 7,25 đến 8,75 NZD/kg sữa khô (trung bình là 8 NZD), cao hơn mức trung bình hiện nay là 7,55 NZD/kg và là mức cao nhất từ trước tới nay.
Giá sữa của Fonterra đang tăng nhanh
Khó khăn ở khâu bò sữa giống
Các nhà phân tích cho biết, để đáp ứng nhu cầu sữa bùng nổ ở Trung Quốc, các công ty lớn sẽ cần phát triển nhiều nguồn sữa tươi nguyên liệu hơn nữa ở gần các trung tâm dân cư ở nước này, nơi người dân giàu có hơn và có thu nhập cao hơn.
Trong số những doanh nghiệp đã lên kế hoạch lớn về sản xuất sữa ở Trung Quốc, trước hết phải kể đến Modern Dairy, hãng muốn tăng gấp đôi đàn bò sữa trong vòng 5 năm tới lên 500.000 con bằng cách mua lại các công ty nông nghiệp nhỏ hơn và xây dựng các trang trại mới.
Ngoài ra, Công ty chế biến sữa Bright Dairy and Food Co, trụ sở tại Thượng Hải, cũng đặt mục tiêu xây dựng thêm 4 trang trại để bổ sung thêm 31.000 con bò vào đàn bò 66.000 con của mình; hãng sữa Youran của Trung Quốc đang lên kế hoạch IPO, tìm kiếm số vốn lên tới 800 triệu USD để mở rộng đàn bò giống và tăng sản lượng sữa.
Theo Beijing Orient Dairy, các trang trại mới của Trung Quốc đang được xây dựng sẽ cần tổng cộng 1,35 triệu con bò, nhưng một số trong những trang trại đó sẽ phải bỏ trống.
Ứớc tính trong hai năm tới, đàn bò nội địa của Trung Quốc sẽ tạo ra khoảng 500.000 con bò cái tơ mới trong khi nhập khẩu có thể đạt khoảng 400.000 con nếu tốc độ nhập khẩu vẫn như năm ngoái - khi Trung Quốc nhập khẩu gần 200.000 con bò cái tơ, chủ yếu từ Ausrtralia và New Zealand.
Nhập bò cái tơ là cách nhanh nhất để có đủ bò sữa nuôi ở các trang trại mới vì sẽ tiết kiệm được khoảng 1 năm so với việc cho đàn bò hiện đang nuôi sinh sản. Nhập khẩu bò sữa cũng là phương án được ưu tiên vì gia súc nhập khẩu không có nhiều bệnh mà đàn gia súc trong nước của Trung Quốc thường gặp.
Nhưng trong khi Trung Quốc đang cần gấp bò sữa như vậy thì tháng 4 vừa qua New Zealand đã thông báo tạm dừng xuất khẩu gia súc sống trong vòng hai năm do lo ngại về vấn đề phúc lợi của vật nuôi trong quá trình chở gia súc trên tàu trong thời gian dài.
Reuters dẫn lời một nhà xuất khẩu gia súc Australia giấu tên cho biết: "Chúng tôi đã nhận được rất nhiều yêu cầu, đặc biệt là khi New Zealand ngừng buôn bán", đồng thời cho biết thêm rằng nhu cầu tăng cao từ Trung Quốc đang khuyến khích người chăn nuôi chi tiêu nhiều hơn vào chăn nuôi.
Chile và Uruguay cũng xuất khẩu bò sữa với khối lượng nhỏ, nhưng thời gian vận chuyển dài gấp đôi và các giống bò của 2 nước này cho ít sữa hơn, khiến nhà nhập khẩu không thích bò sữa giống của hai nước này bằng của Australia và New Zealand.
Ông Dou Ming, nhà kinh tế trưởng của Beijing Orient Dairy, cho biết Brazil, Mỹ và các nước châu Âu có thể trở thành nguồn cung cấp gia súc tốt nhất, và nếu bổ sung thêm 2 nguồn cung cấp nữa thì chúng tôi sẽ ổn".
Số lượng bò sữa ở một số nước sản xuất chủ chốt
Trung Quốc và Mỹ đã cam kết bắt đầu đàm phán về nhập khẩu gia súc giống trong vòng một tháng kể từ khi thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được ký kết vào tháng 1/2020 nhưng vẫn chưa rõ liệu các cuộc đàm phán đã bắt đầu hay chưa. Reuters cho biết Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ và Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã không trả lời những câu hỏi về vấn đề này.
Khó khăn nữa ở khâu thức ăn chăn nuôi
Các nhà phân tích và các nguồn tin trong ngành cho biết chi phí thức ăn là một trở ngại lớn khác trong kế hoạch phát triển ngành sản xuất sữa ở Trugn Quốc, vì những con bò cái tơ nhập khẩu phải mất nhiều thời gian trước khi chúng trở thành những con bò cái có thể cung cấp sữa.
Grant Beadles, Giám đốc chi nhánh Trung Quốc của Land O Lakes, công ty cung cấp các loại hạt và thức ăn chăn nuôi gia súc, cho biết giá ngô đang ở mức kỷ lục, trong khi giá cỏ và cỏ khô cũng đã trở nên đắt đỏ do cỏ phải cạnh tranh với ngô về diện tích đất trồng.
Cơ hội cho Việt Nam
Tính đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng của Trung Quốc đã cấp Mã giao dịch cho phép 9 công ty/nhà máy của Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm sữa sang thị trường Trung Quốc.
Trong đó bao gồm TH True Milk (sản phẩm sữa tươi tiệt trùng nguyên chất và sữa tươi tiệt trùng bổ sung các hương liệu tự nhiên); Hanoimilk (sữa lên men); Công ty Bel Việt Nam (các loại phô mai khác); Nutifood (sữa tiệt trùng, sữa biến đổi và sữa lên men bổ sung hương vị); 03 nhà máy của Vinamilk (Nhà máy Sữa Thống Nhất với sản phẩm sữa đặc, Nhà máy Sữa Sài Gòn với sản phẩm sữa lên men bổ sung hương vị, Nhà máy Sữa Trường Thọ với sản phẩm sữa tiệt trùng, sữa biến đổi, sữa đặc có đường và các sản phẩm sữa đặc khác); Công ty FrieslandCampina Hà Nam (sữa tiệt trùng và sữa lên men); và Công ty FrieslandCampina Việt Nam (sữa tiệt trùng, sữa lên men, sữa đặc có đường và các sản phẩm sữa khác).
Hoạt động đầu tư trong ngành sữa diễn ra mạnh mẽ trong những năm gần đây, nhờ đó, năng lực sản xuất của ngành được nâng lên nhanh chóng, và ngày càng có thêm nhiều sản phẩm xuất khẩu.
Trong năm 2020, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng sản lượng sữa nước ta vẫn tăng trưởng tốt. Trong đó, sản lượng sữa tươi ước đạt 1.702,4 triệu lít, tăng 1% so với năm 2019. Sản lượng sữa bột ước đạt 131,6 nghìn tấn, tăng 9,1% so với năm trước.
Tổng doanh thu ngành sữa đạt 113.715 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 5% so với năm 2019 trong đó doanh thu từ xuất khẩu đạt 302,7 triệu USD, tăng 10,5% so với năm 2019
Dự báo năm 2021, ngành sữa trong nước sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ tiêu thụ sữa gia tăng khi nhu cầu đối với các sản phẩm sữa có giá trị cao được dự báo sẽ tăng mạnh do dân số trẻ và số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu ở các đô thị tăng. Bên cạnh đó, xuất khẩu sữa dự báo cũng khả quan, nhất là sang thị trường Trung Quốc
Tham khảo: Refinitif, Financial times