MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam

23-08-2020 - 16:17 PM | Thị trường

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam trong tháng 7/2020, đạt 169,71 nghìn tấn, trị giá 203,57 triệu USD, tăng 55,7% về lượng và tăng 59,1% về trị giá so với tháng 6/2020; so với tháng 7/2019 tăng 52,4% về lượng và tăng 33% về trị giá.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong 10 ngày giữa tháng 8/2020, giá mủ cao su nguyên liệu trên cả nước có xu hướng tăng theo giá của thị trường thế giới.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong tháng 7/2020, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 202,83 nghìn tấn, trị giá 245,28 triệu USD, tăng 48,8% về lượng và tăng 51,1% về trị giá so với tháng 6/2020; so với tháng 7/2019 tăng 21,5% về lượng và tăng 5,2% về trị giá. Trong 7 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cao su đạt 684,75 nghìn tấn, trị giá 883,67 triệu USD, giảm 12,2% về lượng và giảm 17,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Giá bình quân xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 7/2020 ở mức 1.209 USD/tấn, tăng 1,6% so với tháng 6/2020, nhưng giảm 13,4% so với tháng 7/2019.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam trong tháng 7/2020, đạt 169,71 nghìn tấn, trị giá 203,57 triệu USD, tăng 55,7% về lượng và tăng 59,1% về trị giá so với tháng 6/2020; so với tháng 7/2019 tăng 52,4% về lượng và tăng 33% về trị giá. Tính chung 7 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cao su sang Trung Quốc đạt 509 nghìn tấn, trị giá 638,65 triệu USD, tăng 2,3% về lượng, nhưng giảm 5,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. 

Trong 7 tháng đầu năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng xuất khẩu cao su sang một số thị trường vẫn đạt được sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2019 như: Pakistan, Argentina, Cộng Hoà Séc…, nhưng các thị trường này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong xuất khẩu cao su của Việt Nam.

Trên thị trường thế giới, giá cao su tăng do nhiều hãng ô tô phục hồi sản xuất. Theo đó, một số hãng sản xuất xe ô tô của Nhật Bản đã bắt đầu nới lỏng mức cắt giảm công suất trong tháng 8/2020. Hãng Toyota dự kiến sẽ chỉ giảm 3% công suất trong tháng 8/2020, giảm ít hơn nhiều so với các mức cắt giảm 10% trong tháng 7/2020 và 40% trong tháng 6/2020. Hãng Nissan dự kiến sẽ cắt giảm 20% lượng xe hơi sản xuất hàng năm của hãng. Trong khi doanh số bán ô tô mới tại Trung Quốc tháng 7/2020 tăng tháng thứ 4 liên tiếp, đạt 2,11 triệu xe, tăng 16,4% so với tháng 7/2019. 

Theo Hiệp hội Các nước sản xuất Cao su tự nhiên (ANRPC), dự báo tiêu thụ cao su tự nhiên toàn cầu trong giai đoạn từ tháng 8-10/2020 sẽ tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2019 do hoạt động kinh tế tại Trung Quốc, Mỹ và các nước tiêu thụ lớn khác dần cải thiện. Trong khi đó, sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu từ tháng 7 đến tháng 10/2020 dự báo giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2019. Theo ANRPC, triển vọng nhu cầu cao su tự nhiên trong cả năm 2020 sẽ đạt 12,75 triệu tấn, tăng so với mức 12,67 triệu tấn trong dự báo trước và tăng 7,3% so với năm 2019. Sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu năm 2020 dự báo đạt 13,19 triệu tấn, giảm 4,5% so với năm 2019. Nhu cầu tăng trong khi sản lượng giảm sẽ tiếp tục đẩy giá cao su tự nhiên đi lên. 

Tuy nhiên, Tập đoàn Nghiên cứu Cao su Quốc tế (IRSG) không lạc quan như ANRPC về triển vọng nhu cầu cao su tự nhiên trong những tháng tới. IRSG dự báo nhu cầu cao su tự nhiên thế giới năm 2020 sẽ giảm 11% so với năm 2019, xuống còn 12,12 triệu tấn, sau đó sẽ hồi phục trong năm 2021 (tăng 7,8%). Nguyên nhân giảm là do các nước thực hiện những biện pháp chống dịch Covid-19 nên các nhà máy phải tạm dừng hoạt động, kinh doanh bán lẻ trì trệ, thiếu nhân lực lao động… 

Quỳnh Anh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên