Trung Quốc lại tìm đến 'bảo bối' quen thuộc để vực dậy nền kinh tế đang hụt hơi: Tiếp tục bơm vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng với 'nợ chồng nợ'
Theo truyền thông Trung Quốc, chính phủ nước này sẽ đẩy mạnh việc phát hành các khoản nợ mới để thúc đẩy tăng trưởng.
Hiện tại, cơ quan lập pháp Trung Quốc đang kêu gọi thực hiện các biện pháp có thể "xác định quy mô" của mức nợ trung và dài hạn trong nước.
Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết, cơ quan này sẽ giám sát và đẩy nhanh việc phát hành trái phiếu của chính quyền đại phương. Bộ trưởng Tài chính Lưu Côn phát biết vào tuần trước, tính đến cuối tháng 5, 2,25 nghìn tỷ NDT (311 tỷ USD) trái phiếu mới đã được phát hành.
Ông Lưu Côn cho hay: "Chúng tôi sẽ phát huy hết vai trò chỉ đạo đầu tư của chính phủ, mở rộng hiệu quả phạm vi đầu tư trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương và mức vốn của các dự án, nâng cao chất lượng dự án và ưu tiên hỗ trợ các dự án đã hoàn thiện và đang được xây dựng."
Ngoài ra, ông cũng cam kết sẽ giám sát chặt chẽ các khoản nợ của chính quyền địa phương, kiểm soát việc mở rộng đầu tư "thiếu kiểm soát" và thu hút thêm vốn tư nhân.
Phát biểu của ông Lưu được đưa ra trong bối cảnh ngày càng nhiều mối lo ngại về tính bền vững của các khoản nợ chính quyền địa phương Trung Quốc, vốn đã ở mức cao kỷ lục.
Uỷ ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Trung Quốc đã phản hồi về báo cáo ngân sách bằng cách kêu gọi thực hiện các biện pháp nhằm "xác định một cách chính xác" về các khoản nợ trung và dài hạn của nước này.
Đà hồi phục chậm hơn dự kiến của kinh tế Trung Quốc, cùng đợt suy thoái dài của ngành bất động sản, đã tạo thêm áp lực tài chính cho chính quyền các địa phương. Doanh số bán đất tại 100 thành phố trong quý II/2023 chỉ bằng 65% so với năm 2019.
Trong khi đó, từ năm 2020 đến 2022, nợ chính quyền địa phương tăng trung bình 10 nghìn tỷ NDT (1,38 nghìn tỷ USD) mỗi năm, theo Minsheng Securities. Cuối năm 2022, tổng giá trị các khoản nợ này đã tăng gấp 2,6 lần so với năm 2015, vượt 90 nghìn tỷ NDT.
Bắc Kinh đã yêu cầu chính quyền các địa phương phải kiểm soát việc sử dụng "nợ ẩn", chủ yếu là từ các khoản vay không được ghi trong bảng cân đối kế toán thông qua các công ty tài chính của chính quyền địa phương (LGFV). Tuy nhiên, các khoản vay này được chính phủ ngầm bảo lãnh.
Hiện tại vẫn chưa có số liệu chính thức về quy mô nợ ẩn của Trung Quốc. Song, các nhà phân tích ước tính con số này ở khoảng 30 đến 50 nghìn tỷ NDT.
Tuy nhiên, Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Trung Quốc vào tuần trước cho biết hàng chục chính quyền các khu vực và địa phương đã tự "thổi phồng" các khoản doanh thu từ thuế và các khoản nợ ẩn đã tăng vào năm ngoái.
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's mới đây thông báo, những phát hiện này càng phản ánh áp lực tài chính ngày càng lớn mà các chính quyền địa phương Trung Quốc, đặc biệt là những thành phố nhỏ, phải đối mặt.
Ulanqab, thành phố ở phía bắc Nội Mông, là nơi mới nhất có chính quyền địa phương thông báo họ đang gặp khó khăn trong việc đạt mục tiêu giảm nợ trong 10 năm tới.
Dù một số quan chức yêu cầu chính quyền các địa phương phân bổ nguồn tài chính để thanh toán một số khoản nợ LGFV và phát hành trái phiếu để thanh toán hoặc hoán đổi với các khoản nợ LGFV, nhưng cơ hội vẫn là rất mong manh, theo Gao Ruidong, nhà kinh tế trưởng các vấn đề vĩ mô tại Everbright Securities.
Gao cho hay: "Đầu tiên, tính cấp bách của việc phát hành trái phiếu thay thế quy mô lớn là chưa đủ mạnh. Thứ hai, đánh giá từ tuyên bố của chính quyền trung ương cho thấy mức độ sẵn sàng hỗ trợ là không cao và có sự phản đối đáng kể với biện pháp này."
Theo ông, việc loại bỏ hoàn toàn các khoản nợ ẩn thông qua hỗ trợ tài khóa hay hạ lãi suất là rất khó. Việc chuyển đổi LGFV theo định hướng thị trường là cách tốt nhất để giảm nợ.
Tham khảo SCMP
Nhịp sống thị trường