Trung Quốc lập kỷ lục khoan sâu tại hồ nước mặn cao nhất thế giới: 'Đọc vị' quá khứ 1 triệu năm
Nằm ở độ cao 4.718 mét so với mực nước biển, đây là hồ nước mặn cao nhất thế giới.
Truyền thông Trung Quốc đồng loạt đưa tin, Trung Quốc vừa lập kỷ lục mới về khoan lõi tại hồ Nam - hồ nước mặn cao nhất thế giới ở Khu tự trị Tây Tạng, tây nam Trung Quốc.
Độ sâu kỷ lục mà các nhà nghiên cứu đa quốc gia thực hiện được tại hồ Nam này là 510,2 mét ở lỗ khoan thứ 7 trong hồ - vượt qua độ sâu tối đa trước đó là 402,2 mét cách đây chưa đầy 1 tuần vào ngày 12/7/2024, hãng thông tấn ECNS (Trung Quốc) thông tin ngày 17/7/2024.
Với độ sâu 510,2 mét, nhóm nghiên cứu quốc tế do Trung Quốc dẫn đầu đã hoàn tất hoạt động khoan lõi ở hồ nước mặn cao nhất thế giới này. Bảy lỗ khoan đã được khoan trong suốt dự án, đây là kết quả sau gần 2 tháng thực hiện.
Các lõi trầm tích hồ thu thập được sẽ được chuyển đến và quét tại Viện Nghiên cứu Cao nguyên Tây Tạng (ITP) và được lưu giữ vĩnh viễn tại đó để phân tích thêm.
Khoan sâu trăm mét để 'đọc vị' quá khứ 1 triệu năm
Bắt đầu từ tháng 6/2024, nhóm đã tiến hành dự án khoan lõi ở hồ Nam nhằm cung cấp dữ liệu về khí hậu và những thay đổi về môi trường trên cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng trong 1 triệu năm qua.
Theo các nhà khoa học, dự án này có ý nghĩa to lớn trong hoạt động khoan hồ và nghiên cứu cổ khí hậu của Trung Quốc nói chung.
Theo ông Vương Tuấn Ba, một trong những người đứng đầu đoàn thám hiểm khoa học, hồ Nam là một hồ nước khép kín chứa nhiều thông tin về đá, đất, thảm thực vật, sông ngòi và hoạt động của con người trong lưu vực. Nghiên cứu sâu về hồ này có thể cung cấp cho các nhà khoa học thông tin về những thay đổi môi trường theo thời gian.
"Bằng cách nghiên cứu lõi trầm tích hồ, chúng ta có thể hiểu sâu hơn về khí hậu và những thay đổi về môi trường trên Cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng trong hơn một triệu năm qua và cung cấp cơ sở khoa học cho các dự báo khí hậu trong tương lai" - Ông Vương Tuấn Ba, nhà nghiên cứu tại Viện ITP, cho biết thêm.
Một trưởng nhóm thám hiểm khoa học khác và là nhà nghiên cứu tại Viện ITP cũng cho biết việc khoan lõi trầm tích hồ của hồ Nam là dự án khoan ở độ cao lớn nhất theo Chương trình khoan khoa học lục địa quốc tế.
Theo kênh CGTN (Trung Quốc), hồ Nam là hồ nước mặn cao nhất thế giới, cao 4.718 mét so với mực nước biển. Hồ nằm giữa thành phố Lhasa và Nagqu trên cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng. Hồ được coi là linh thiêng trong Phật giáo Tây Tạng.
Nhóm thám hiểm khoa học chung bao gồm hơn 70 nhà khoa học trên thế giới, chuyên nghiên cứu về thay đổi môi trường và hồ. Họ đến từ Viện Nghiên cứu Cao nguyên Tây Tạng, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, cùng các nhà khoa học và kỹ thuật viên khoan từ các quốc gia bao gồm Đức, Thụy Sĩ, Vương quốc Anh và Mỹ.
Một số hình ảnh xoay quanh dự án khoan hồ Nam từ đầu tháng 6/2024 đến nay:
Tham khảo: Tân Hoa Xã, ECNS
Đời sống pháp luật