Trung Quốc mở cửa sẽ tạo ra cú hích cho những lĩnh vực nào của kinh tế Việt Nam?
Báo cáo "Triển vọng 2023: Ba “gặt hái” nổi bật từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại" vừa được HSBC công bố mới đây cho thấy, việc Trung Quốc mở cửa trở lại gần đây sẽ tác động theo ba hướng chính trong năm 2023.
- 17-01-2023Địa phương sắp có cao tốc hơn 22,5 nghìn tỷ đồng đang có các chỉ tiêu kinh tế - xã hội ra sao trong năm 2022?
- 17-01-2023Thành phố 2 tuổi thu ngân sách cao hơn 47 tỉnh, thành
Báo cáo chỉ ra rằng, ASEAN sẽ hưởng lợi theo 3 hướng chính từ việc Trung Quốc mở cửa là du lịch, xuất khẩu và FDI.
Riêng đối với Việt Nam, HSBC nhận định như sau:
1. Du lịch
Việt Nam sẽ là một trong hai quốc gia hưởng lợi rõ ràng, khi khách du lịch Trung Quốc chiếm khoảng 30% lượng du khách trước đại dịch (cùng với Thái Lan).
Mặc dù nền kinh tế Việt Nam không phụ thuộc nhiều vào du lịch như Thái Lan, nhưng không thể xem nhẹ tầm quan trọng của ngành này đối với thị trường việc làm. Tại Việt Nam, khoảng 25% lực lượng lao động làm việc trong ngành ăn uống và các ngành liên quan đến lưu trú. Trên thực tế, tỷ lệ việc làm liên quan đến du lịch nói chung ở Việt Nam là thấp nhất, ở Philippines, Malaysia và Indonesia cao hơn đáng kể.
Điều này cũng lý giải một phần nguyên do vì sao sự phục hồi của thị trường lao động vẫn chưa đạt được mức trước đại dịch ở một số thị trường. Ví dụ, ngành du lịch của Indonesia đã mất 1,4 triệu việc làm trong hai năm. Hơn nữa, chúng ta cũng cần xem xét quy mô không nhỏ của thị trường lao động phi chính thức ở ASEAN. Thị trường việc làm phi chính thức của Việt Nam thậm chí còn dễ bị tác động bởi du lịch, cụ thể là những người làm việc trong lĩnh vực nhà hàng và giải trí.
Bên cạnh đó, ngành du lịch tiếp tục phục hồi mạnh mẽ cũng sẽ mang lại lợi ích cho vị thế tài khoản vãng lai, trong bối cảnh Việt Nam bị thâm hụt tài khoản vãng lai đáng kể do doanh thu du lịch quốc tế sụt giảm. Doanh thu từ khách du lịch nhiều hơn sẽ cung cấp thêm ngoại hối và giảm thâm hụt dịch vụ cho Việt Nam, mặc dù HSBC kỳ vọng chỉ có một sự phục hồi nhẹ vào năm 2023 (dự kiến).
2. Xuất khẩu
Việt Nam cũng sẽ hưởng lợi từ xuất khẩu, khi hàng xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ không còn phải trải qua việc kiểm dịch nghiêm ngặt.
Song, việc mở cửa trở lại của Trung Quốc khó có thể mang lại sự thúc đẩy đáng kể cho xuất khẩu chung của ASEAN, cũng như Việt Nam. Phần lớn hàng xuất khẩu của ASEAN sang Trung Quốc được chuyển vào lĩnh vực công nghiệp, thay vì nằm trong chu kỳ tiêu dùng. Ngay cả trong trường hợp của Philippines, quốc gia có liên kết sản xuất với Trung Quốc không sâu rộng như các quốc gia khác, lực cản chính đối với hàng xuất khẩu của họ là hàng hóa sản xuất, phần lớn trong số đó là các sản phẩm điện tử. Mặc dù sự phục hồi trong tăng trưởng của Trung Quốc có thể "trải thảm" cho sản xuất toàn cầu, nhưng không có khả năng đảo ngược chu kỳ thương mại vốn đang "hạ nhiệt".
Lực cản đáng chú ý nhất đến từ việc cầu hàng điện tử suy yếu, khiến Singapore và Việt Nam đặc biệt dễ bị ảnh hưởng. Các lô hàng điện thoại và máy tính của Việt Nam đã giảm gần 30% trong tháng 12 so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, do bản chất phụ thuộc vào nhập khẩu của ngành sản xuất công nghệ, việc nhập khẩu thiết bị điện tử giảm mạnh báo hiệu một tương lai không chắc chắn đối với xuất khẩu công nghệ.
3. FDI
Những năm gần đây, Trung Quốc đã nhanh chóng bắt kịp Nhật Bản, Hàn Quốc và trở thành quốc gia có nguồn vốn FDI lớn nhất vào ASEAN (không tính đầu tư nội bộ trong ASEAN) vào năm 2021. Nếu chúng ta nhìn vào lĩnh vực sản xuất, Indonesia, Việt Nam và Thái Lan đã chứng kiến sự gia tăng mạnh về tỷ trọng FDI từ Trung Quốc.
HSBC điểm qua một số dự án FDI nổi bật của Trung Quốc đại lục tại ASEAN, hầu hết trong số đó rơi vào các lĩnh vực mà các nước tiếp nhận có lợi thế cạnh tranh. Trong trường hợp của Việt Nam, Goertek và Luxshare, hai trong số ba nhà cung cấp chính của Apple (bên cạnh Foxconn của Đài Loan), đã rót thêm vốn trị giá lần lượt là 400 triệu USD và 306 triệu USD để mở rộng sản xuất thiết bị điện tử tiêu dùng và đa phương tiện. Đây là một phần trong kế hoạch mở rộng đang diễn ra của Apple tại Việt Nam, với kế hoạch di dời gần đây nhất là chuỗi cung ứng MacBook tương đối phức tạp của họ, dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất vào giữa năm 2023.
Nhịp sống thị trường