MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc ngừng mua vàng tháng thứ 4 liên tiếp, giá vàng sẽ ra sao?

08-09-2024 - 08:26 AM | Tài chính quốc tế

Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đã kiềm chế việc mua vàng dự trữ trong tháng thứ tư liên tiếp. Vậy thời gian tới, giá kim loại quý này sẽ biến động ra sao?

Kết phiên giao dịch ngày 6/9, hợp đồng vàng giao ngay giảm 0,8% xuống 2.495,85 USD/oz, sau khi đã đạt mức cao nhất từ ngày 20/8. Hợp đồng vàng tương lai giảm 0,7% còn 2.525,5 USD/oz.

Dữ liệu chính thức cho thấy vào sáng nay, 7/9, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đã kiềm chế việc mua vàng dự trữ trong tháng thứ tư liên tiếp. 

Lượng vàng dự trữ của Trung Quốc đạt 72,8 triệu ounce vàng nguyên chất vào cuối tháng 8/2024. Tuy nhiên, giá trị dự trữ vàng đã tăng lên 182,98 tỷ USD so với 176,64 tỷ USD vào cuối tháng 7.

Thời gian qua, giá vàng đã tăng liên tục do đồn đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp cắt giảm lãi suất. Bên cạnh đó, nhu cầu trú ẩn an toàn tăng cao do bất ổn địa chính trị và kinh tế, với việc các ngân hàng trung ương thực hiện thu mua mạnh mẽ kim loại này.

Theo thống kê, giá vàng đã tăng 21% trong năm nay và đang dao động nhẹ dưới mức cao kỷ lục là 2.531,60 USD đạt được vào ngày 20/8.

Trước khi tạm dừng mua vàng, PBOC đã mua vàng trong 18 tháng liên tiếp. PBOC là đơn vị mua vàng lớn nhất thế giới vào năm 2023 và quyết định tạm dừng mua vàng của ngân hàng này đã góp phần làm giảm nhu cầu của các nhà đầu tư Trung Quốc trong những tháng gần đây.

Một số nhà phân tích vẫn tin rằng, hoạt động mua vào sẽ quay trở lại khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này tìm cách đa dạng hóa dự trữ và bảo vệ tiền tệ khỏi sự mất giá.

Carsten Menke, một nhà phân tích tại Julius Baer cho biết, PBOC dự kiến sẽ tiếp tục mua vào tại một thời điểm nào đó bất chấp giá cao do động cơ chính trị thay vì kinh tế, chẳng hạn như mong muốn ít phụ thuộc hơn vào đồng USD như một tài sản dự trữ.

Giá vàng sẽ biến động ra sao?

Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ hiện nắm giữ khoảng 8.100 tấn vàng, khoảng 625 tỷ USD theo giá giao ngay hiện tại là khoảng 2.400 USD một ounce. Con số này chiếm khoảng 9% trong tổng bảng cân đối kế toán trị giá 7,2 nghìn tỷ USD của Hoa Kỳ.

Theo các nhà phân tích toàn cầu, trong bối cảnh hiện nay, triển vọng giá vàng sắp tới hoàn toàn khả quan. Thậm chí, các chuyên gia nhận định, giá vàng có thể lên mức 3.000 USD/oz trong dài hạn. "Kể từ khi bứt phá liên tục trên mức 2.000 USD một ounce vào cuối năm 2023, vàng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Vàng vẫn là nơi trú ẩn ổn định và giá của kim loại quý này có thể tăng lên 2.700 USD/oz vào giữa năm 2025", ông Heng Koon How, Trưởng bộ phận Chiến lược Thị trường, Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu của ngân hàng UOB nhấn mạnh.

Trung Quốc ngừng mua vàng tháng thứ 4 liên tiếp, giá vàng sẽ ra sao?- Ảnh 1.

Việc vàng tăng lên mức 3.000 USD không phải là điều không thực tế.

Các chuyên gia phân tích, các động lực đầu tiên thúc đẩy giá vàng sẽ tiếp tục đến từ sự bất ổn ngày càng tăng trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu với hai cuộc xung đột đang diễn ra ở châu Âu và Trung Đông. Những bất ổn địa chính trị này hỗ trợ hoạt động mua vàng như là kênh trú ẩn an toàn. 

Thực tế cho thấy, các Ngân hàng Trung ương thị trường mới nổi và Châu Á đang và sẽ có động lực mạnh mẽ để bắt kịp các Ngân hàng Trung ương thị trường phát triển và phân bổ nhiều dự trữ hơn vào vàng.

Thêm vào đó, cùng với sự mất giá của đồng nội tệ, các nhà đầu tư bán lẻ mua mạnh các sản phẩm vàng vật chất như vàng miếng và vàng cục để phòng ngừa bất ổn. Dự đoán trong tháng 9, việc cắt giảm lãi suất của Fed cũng như một số ngân hàng trung ương toàn cầu sẽ là yếu tố trực tiếp thúc đẩy nhu cầu vàng trong những tháng cuối năm và đẩy giá vàng lên cao.

Chưa hết, hiện chỉ số US Dollar Index đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 7/2023, kiểm tra mức hỗ trợ tại 100,5. Trong 2 tháng gần đây, thước đo đồng bạc xanh này đã giảm khoảng 5% khi thị trường bắt đầu kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 9 tới đây.

Lãi suất và giá vàng thường có mối quan hệ nghịch đảo, tức là khi lãi suất giảm, giá vàng thường tăng và ngược lại. Khi lãi suất giảm, chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thay vì các tài sản đầu tư khác như trái phiếu cũng giảm, khiến nhà đầu tư tăng mua vàng như là một công cụ bảo vệ tài sản.

Trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, giá vàng đã liên tục lập đỉnh mới, giá vàng SJC đã có lúc đạt đỉnh tháng 4/2024 là 85 triệu đồng/lượng và sang tháng 5 đã vượt 90 triệu đồng/lượng. Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử của thị trường vàng Việt Nam.

Trong bối cảnh dự báo giá vàng thế giới có thể vẫn tìm tới đỉnh cao mới, giá vàng trong nước cũng sẽ có thể có những biến động tăng thời gian tới. Hiện nhu cầu vàng với các nhà đầu tư nội địa vẫn còn rất lớn. 

Trên thực tế, giai đoạn 2016 – 2020, giá vàng thế giới tăng nhưng giá trong nước gần như đi ngang, chênh lệch giá vàng gần như bằng 0. Năm 2019 và 2020 được cho là đợt thử thách sóng vàng thế giới lần một, theo đó, giá vàng thế giới tăng mạnh 55% và giá vàng trong nước tăng theo tương ứng, chênh lệch giá vàng vẫn không đáng kể. 

Tuy nhiên, thời gian qua, chênh lệch giá vàng khá lớn. Vì vậy, ngày 27/5/2024, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 9 phiên đấu thầu, cung ứng ra thị trường 48.500 lượng vàng SJC, tương đương hơn 1,8 tấn vàng. Tuy nhiên, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới vẫn ở mức cao, khoảng trên 20%.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong giai đoạn nửa cuối năm 2024 và cả năm 2025, chênh lệnh giá vàng trong nước với giá vàng thế giới có thể sẽ giảm nhưng xu hướng tăng của giá vàng trong nước giai đoạn cuối năm là hoàn toàn khả thi./.


Theo Kate Trần

VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên