MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc: Nhiều phụ nữ độc thân chọn mua nhà trước khi kết hôn

17-12-2022 - 09:11 AM | Lifestyle

Đối với phụ nữ hiện đại, hôn nhân chưa bao giờ là điều kiện bắt buộc. Việc lấy chồng với họ không phải là cách để san sẻ áp lực tài chính.

Theo hãng thông tấn Yicai trích dẫn số liệu thống kê của Cục thống kê quốc gia Trung Quốc cho thấy tỷ lệ kết hôn hàng năm của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 3 thập kỷ qua. Khoảng 11,58 triệu người đăng ký kết hôn lần đầu ở Trung Quốc vào năm 2021, giảm 708.000 người so với năm trước đó. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1985, số người kết hôn lần đầu tiên hàng năm giảm xuống dưới 12 triệu lượt.

Song Jian, một nhà nhân khẩu học tại Trung tâm nghiên cứu dân số và phát triển tại Đại học Nhân dân Trung Quốc nói với Global Times hôm 2/12 rằng tỷ lệ kết hôn giảm là do độ tuổi kết hôn lần đầu cao hơn, chủ yếu là do người dân tiếp cận với giáo dục đại học nhiều hơn và "những người trẻ tuổi muốn tìm kiếm sự ổn định trước khi kết hôn".

Trung Quốc: Nhiều phụ nữ độc thân chọn mua nhà trước khi kết hôn - Ảnh 1.

Trên thực tế, đối với phụ nữ hiện đại, hôn nhân không còn là điều bắt buộc trong cuộc sống. Nếu không gặp được người bạn đời cùng chí hướng, có thể cùng nhau đối mặt với những vui buồn trong cuộc sống, họ sẵn sàng sống độc thân và xây dựng khối tài sản của riêng mình

Phụ nữ độc thân mua nhà trước khi kết hôn cho thấy họ đang tiến dần một bước trên con đường hướng đến độc lập về tài chính. Con đường này chắc chắn đầy khó khăn song ngôi nhà đối với họ mang nhiều ý nghĩa và giá trị.

Khi có nhà bạn sẽ không còn ý niệm về kết hôn

Sau 4 năm đi làm, Fu Sheng (29 tuổi, Quảng Châu, Trung Quốc) tiết kiệm được 400.000 NDT và đã sở hữu căn nhà đầu tiên ở Tô Châu. Theo mô tả của cô, đó là một căn nhà cũ rộng hơn 70m2 và phải mất 5 tháng để cô trả hết số tiền còn lại. Năm ngoái trong chuyến đi công tác ở Quảng Châu, cô cũng đặt cọc để sở hữu một căn hộ khoảng 60m2.

Đối với Sheng mua nhà là mơ ước từ thời đi học. Trong suốt những năm qua, cô luôn khao khát có được một mái ấm. Song không phải thông qua hôn nhân, cô muốn một ngôi nhà của riêng mình - nơi hoàn toàn thuộc về mình và không liên quan đến bất kỳ ai.

Vì nhiều lý do, cô và chị gái của mình là điển hình của việc không kết hôn và sinh con. "Chúng tôi không có ý định về hôn nhân và tình yêu. Chúng tôi đã độc thân hơn 10 năm nay. Sau khi có nhà, tôi có thể cả đời không lấy chồng. Song tôi không chấp nhận việc không có tiền cả đời".

Trung Quốc: Nhiều phụ nữ độc thân chọn mua nhà trước khi kết hôn - Ảnh 2.

Sheng cho rằng việc mua nhà không đơn giản chỉ là nơi để ở, nó còn đem đến cho cô cảm giác an toàn và thân thuộc sau nhiều năm phải đi ở thuê. Trong cuốn sổ ghi nhớ của cô luôn ghi cụ thể từng mục tiêu: Sau khi sở hữu căn nhà đầu tiên là mua được căn hộ. Và mục tiêu này của cô đã hoàn thành trong năm nay. Sắp tới cô lên kế hoạch trước khi về hưu ở tuổi 40 có thể mua được biệt thự.

Sheng cho biết có thể nhiều người thắc mắc cô lấy đâu ra tiền nhiều như vậy để mua nhà. Song đối với cô kiếm tiền và tiết kiệm không khó. "Tôi chi tiêu tiết kiệm từ quần áo, đến mỹ phẩm. Khi chuyển nhà, tất cả tài sản của tôi chỉ có một vali".

Chia sẻ thêm, Sheng cho rằng dù sau khi khi mua nhà, tiền có thể về con số 0 nhưng khi xem ảnh về căn nhà đang sở hữu thì lại thấy mình có một tài sản tương đối lớn. "Khi không có nhà bạn sẽ chẳng có gì và phân vân đến việc có nên lấy chồng không? Nhưng khi có nhà rồi thì sẽ không còn ý niệm về hôn nhân nữa", Sheng bày tỏ.

Kết hôn có phải là cách để chia sẻ áp lực tài chính?

Tương tự như, Sheng, Maizi (32 tuổi, Thượng Hải, Trung Quốc) cũng lựa chọn không kết hôn và đang dồn tiền để mua được căn nhà đầu tiên. Trên thực tế, ở độ tuổi của cô, hầu hết những người xung quanh cô đều đã kết hôn. Nhưng cô không lựa chọn cuộc sống như vậy mà chỉ mong có được một căn nhà riêng. "Nếu kết hôn trong vài năm tới, tôi sẽ phải sớm tính đến vấn đề sinh con và chăm sóc con cái, có thể tốn kém hơn hoặc tôi chẳng thể tiết kiệm được chút nào".

Cô nhận định áp lực tài chính chỉ có thể được chia sẻ bằng cách tìm một người có cùng thu nhập hoặc người có cha mẹ hay anh chị em không cần hỗ trợ tài chính. Nếu không, thật khó để nói kết hôn là cách để chia sẻ áp lực tài chính.

"Tôi từng thảo luận về chủ đề mua nhà với một bạn nam. Đối phương cho rằng phụ nữ nên thoả hiệp với đàn ông trong việc chọn mua nhà ở đâu. Tôi hoàn toàn không đồng ý với quan điểm này. Thu nhập tôi không thua kém gì anh ta, tại sao tôi phải thoả hiệp?".

Ngoài ra, cô tự tin mình hoàn toàn có đủ khả năng để mua nhà. "Không mua được ở Thượng Hải thì tôi mua ở các vùng lân cận. Nếu không mua được nhà, tôi sẽ mua căn hộ chung cư. Mua nhà giúp tôi tự tin hơn. Sau khi mua nhà, tôi có thể sẵn sàng kết hôn. Nếu không gặp được đối tượng tôi có thể sống độc thân cả đời".

Ngay khi có ý định mua nhà Zhong Zhong (30 tuổi, Hàng Châu, Trung Quốc) đã cắt giảm một số chi tiêu không cần thiết để tiết kiệm, dồn tiền mua nhà. "Tôi bi quan về hôn nhân. 2 năm qua, có vài người bạn của tôi bị phản bội. Điều này khiến tôi cảm thấy hôn nhân không đáng tin cậy. Vì thế tôi không coi kết hôn là cách để thay đổi cuộc đời".

Với sự phát triển của thời đại, việc mua nhà đối với phụ nữ độc thân không còn là bài toán khó. Điều quan trọng là bạn có bao nhiêu tiền tiết kiệm và mất bao nhiêu lâu để trả hết nợ.

*Nguồn: Toutiao

Đinh Anh

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên