Trung Quốc nói gạo giả để trưng bày
Các công ty Trung Quốc cho rằng thực phẩm nhân tạo như gạo giả bị cơ quan chức năng Nigeria tịch thu gần đây chỉ dùng để trưng bày trong nhà hàng, không phải để ăn.
- 23-12-2016Hàng tấn gạo giả Trung Quốc “vượt biển” sang châu Phi
- 15-12-2016Gạo Ấn Độ, Thái Lan giảm giá, gạo Việt Nam nhích lên
- 06-12-2016Người Việt ăn gạo ít đi, đóng góp của nông nghiệp trong GDP giảm xuống
- 27-10-2016Xuất khẩu gạo giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp bị trả hàng về
- 02-10-2016Gạo Việt giảm mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc
Theo các công ty trên, gạo giả được làm từ polyvinyl clorua (PVC) và cần phải dán nhãn “nhân tạo” để mọi người phân biệt.
Đài BBC (Anh) hôm 21-12 cho biết nhà chức trách Nigeria mới đây tịch thu 2,5 tấn gạo giả nhưng họ không thể biết chúng được làm từ những chất gì. Các quan chức hải quan nước này sau đó nấu thử loại gạo bị tịch thu, kết quả cho ra một mớ hỗn độn có độ dính. Họ đã gửi mẫu đến phòng thí nghiệm để xác định thành phần hóa học.
Trưởng bộ phận hải quan TP Lagos, Haruna Mamudu cũng không biết số gạo giả có xuất xứ từ đâu. Chúng được nhập lậu vào thị trường Nigeria để bán trong mùa lễ hội. “Chỉ có Chúa mới biết điều gì sẽ xảy ra nếu mọi người ăn phải gạo giả” – ông Mamudu nói.
Các công ty Trung Quốc thừa nhận nước này sản xuất gần như tất cả các thực phẩm nhân tạo, bao gồm gạo giả. Zhou Tao, quản lý bán hàng của một công ty thực phẩm nhân tạo ở tỉnh Chiết Giang, cho biết gạo giả được chỉ định sử dụng trong nhà hàng hay cửa hàng với mục đích trưng bày.
Bình thường các nhà hàng đưa thực phẩm nhân tạo vào thực đơn lựa chọn vì trông chúng tươi ngon và không bao giờ bị thối rữa. Gạo nhân tạo được làm bằng nhựa PVC, màu trắng, giòn. Chúng phải được lưu giữ ở nhiệt độ phòng. Nếu vượt quá khoảng 70 độ C thì gạo bắt đầu tan chảy.
“Họ không nên đặt gạo giả trên bếp. Nó không phải thực phẩm” – ông Zhou cảnh báo, đồng thời thắc mắc tại sao người ta buôn lậu gạo giả để bán làm thực phẩm ở châu Phi.
Ông Xiong Heping, quản lý một công ty thực phẩm tại TP Thâm Quyến, cho biết gạo giả được dán nhãn “nhân tạo” khi vận chuyển đến người mua ở Trung Quốc hay nước ngoài. Chính phủ Trung Quốc cũng không có quy định về kinh doanh thực phẩm nhân tạo.
Tuy nhiên, ông Xiong cho rằng không nên phóng đại nguy cơ từ gạo giả vì ngay cả một đứa trẻ cũng có thể nhận ra gạo làm từ nhựa bởi trọng lượng và cảm nhận.
Ngoài gạo giả, Trung Quốc còn sản xuất mì, sushi, pizza và bánh ngọt giả. Càng giống thật thì giá của chúng càng cao.
Tất cả sản phẩm này được xuất khẩu đi khắp nơi trên thế giới bao gồm cả Hồng Kông, Mỹ và châu Âu.