MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc "nuốt chửng" kim loại quý tự khai thác, cơ hội ngàn vàng cho Việt Nam lấn sân?

Trung Quốc "nuốt chửng" kim loại quý tự khai thác, cơ hội ngàn vàng cho Việt Nam lấn sân?

Trung Quốc có thể sẽ đánh mất vị thế thống trị ở lĩnh vực xuất khẩu vonfram do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan.

Một nghiên cứu chi tiết về tình hình khai thác và sử dụng vonfram ở Trung Quốc được đăng tải trên tạp chí Tài nguyên, Bảo tồn & Tái chế đã hé lộ nhiều điều về ngành này.

Tình hình sản xuất - tiêu thụ vonfram ở Trung Quốc

Trung Quốc là nước xuất khẩu ròng các sản phẩm vonfram từ năm 1980 đến năm 2017 và đã xuất khẩu khoảng 35% vonfram sang các nước khác. Xuất khẩu vonfram của Trung Quốc được vận chuyển đến gần 200 quốc gia khác nhau, hầu hết là các nước có nền kinh tế phát triển. Tính đến năm 2020, Nhật Bản là nhà nhập khẩu lớn nhất (167 nghìn tấn), tiếp theo là Mỹ (131 nghìn tấn) và Hàn Quốc (86 nghìn tấn).

Tuy nhiên, mặc dù Trung Quốc luôn duy trì vai trò là nhà xuất khẩu ròng vonfram trong nhiều công đoạn, cơ cấu xuất khẩu của nước này đã thay đổi đáng kể. Trong những năm 1980, Trung Quốc là nước xuất khẩu ròng các sản phẩm vonfram sơ cấp. Kể từ năm 1992, chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện một loạt các hạn chế đối với việc khai thác và xuất khẩu khoáng sản vonfram.

Trung Quốc nuốt chửng kim loại quý tự khai thác, cơ hội ngàn vàng cho Việt Nam lấn sân? - Ảnh 1.

Bản đồ xuất khẩu vonfram của Trung Quốc sang các nước.

Do đó, vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng vonfram toàn cầu đã bị thay đổi: Trung Quốc dần trở thành nước nhập khẩu ròng khoáng sản vonfram từ nước ngoài để bù đắp khoảng trống khoáng sản bị hạn chế bởi hạn ngạch sản xuất. Cụ thể, Trung Quốc nhập khẩu vonfram thô và xuất khẩu một lượng lớn vonfram bán thành phẩm và sản phẩm kim loại vonfram.

Các số liệu tổng hợp từ nghiên cứu cho thấy Trung Quốc là một nước sản xuất vonfram quy mô nhỏ trước những năm 1980. Tất cả vonfram khi đó được sử dụng để đáp ứng nhu cầu trong nước, trong đó khoảng 60% vonfram được sử dụng trực tiếp làm phụ gia hợp kim cho thép hoặc hợp kim.

Từ năm 1980 trở đi, việc sản xuất vonfram đã tăng lên đáng kể do xuất khẩu tăng mạnh. Khối lượng xuất khẩu vonfram đạt 32 nghìn tấn vào năm 1996, chiếm khoảng 80% tổng sản lượng.

Tuy nhiên, nhu cầu nội địa của Trung Quốc đối với vonfram đã tăng mạnh kể từ năm 2000. Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc đã dẫn đến nhu cầu nội địa khổng lồ đối với cacbua vonfram trong giao thông vận tải, công nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng. Tiêu thụ vonfram trong nước đã tăng lên 58,7 nghìn tấn vào năm 2017, gấp khoảng 55 lần so với năm 1949.

Hơn nữa, để xây dựng cơ sở sản xuất và công nghiệp công nghệ cao, Trung Quốc có nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm vonfram có giá trị gia tăng cao.

Trung Quốc thống trị thị trường

Trung Quốc được coi là thống trị nguồn cung vonfram thô toàn cầu chủ yếu vì nước này chiếm khoảng 85% nguồn cung của thế giới. Tuy nhiên, "sự thống trị vonfram" của Trung Quốc sẽ không kéo dài lâu - nghiên cứu cho hay.

Thứ nhất, Trung Quốc có tỷ trọng tương đối nhỏ (khoảng 58%) trong trữ lượng vonfram toàn cầu. Nếu khai thác với sản lượng hiện tại, trữ lượng vonfram đã phát hiện ở Trung Quốc ước tính sẽ cạn kiệt trong vòng 30 năm.

Thứ hai, mặc dù trữ lượng vonfram ở Trung Quốc có thể tăng khi tìm thấy các nguồn tài nguyên mới (hoặc khả thi về mặt kinh tế và kỹ thuật khai thác), nhưng chất lượng quặng vonfram đang giảm dần ở Trung Quốc.

Loại quặng vonfram được khai thác hiện nay ở Trung Quốc là wolframite có thể được khai thác và xử lý hiệu quả, nhưng nó đã cạn kiệt. Bên cạnh đó, 70% trữ lượng vonfram của Trung Quốc là scheelite, một loại quặng có phẩm cấp thấp hơn so với wolframite, trong đó việc khai thác có thể gây ra tiêu thụ năng lượng lớn hơn, ô nhiễm môi trường tăng cường và chi phí vận hành cao hơn.

Trung Quốc nuốt chửng kim loại quý tự khai thác, cơ hội ngàn vàng cho Việt Nam lấn sân? - Ảnh 2.

Quặng wolframite có giá trị cao.

Do đó, các hoạt động khai thác vonfram tiếp theo ở Trung Quốc phần lớn sẽ bị hạn chế bởi nguồn cung vonfram hạn chế và chất lượng quặng suy giảm. Điều này có thể tiếp tục làm suy yếu khả năng cung cấp vonfram thô toàn cầu của Trung Quốc.

Đáng chú ý, Trung Quốc đã bắt đầu nhập khẩu quặng vonfram từ các quốc gia. Với sự suy giảm liên tục về chất lượng quặng trong nước cũng như nhu cầu trong nước tăng lên, Trung Quốc được cho là sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn khoáng sản từ nước ngoài.

Ngoài ra, mặc dù Trung Quốc hiện có trữ lượng vonfram lớn nhất và sản xuất nguyên liệu vonfram lớn nhất, nhưng nước này vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu các sản phẩm vonfram cao cấp từ các quốc gia khác, được sản xuất từ vonfram thô nhập khẩu từ Trung Quốc.

Do nguồn khoáng sản trong nước ngày càng khan hiếm với chất lượng ngày càng giảm, các nhà sản xuất Trung Quốc cần phải nhanh chóng cải thiện tỷ lệ sản lượng khoáng sản trong khai thác và tinh luyện vonfram.

Sự phục hồi của nền kinh tế

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ giảm 4,4% so với năm 2019 nhưng sẽ phục hồi 5,2% trong năm nay. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc được dự báo là 1,9% năm 2020 và tăng lên 8,2% trong năm nay.

Nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ phục hồi sau đợt suy thoái năm 2020 nếu đại dịch Covid-19 được kiểm soát sau đợt triển khai vắc xin trên toàn thế giới. Việc này có thể hỗ trợ thị trường vonfram vì tiêu thụ kim loại này gắn liền với sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu, bao gồm các sản phẩm như cacbua vonfram, hợp kim và hóa chất được sử dụng rộng rãi trong các ngành xây dựng, điện tử, khai thác mỏ, ô tô và hóa dầu.

Trung Quốc nuốt chửng kim loại quý tự khai thác, cơ hội ngàn vàng cho Việt Nam lấn sân? - Ảnh 3.

Trung Quốc sẽ tiếp tục tiêu thụ vonfram với khối lượng lớn.

Các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mới, các dự án an ninh và kế hoạch 5G ở Trung Quốc dự kiến sẽ hỗ trợ ngành sản xuất, lĩnh vực hạ nguồn chính của vonfram, có khả năng tiếp tục tăng trưởng vào năm 2021.

Theo trang nghiên cứu Argus, chi phí sản xuất tinh quặng vonfram vẫn ở mức cao do vonfram cao cấp và tinh quặng dễ khai thác của Trung Quốc đã cạn kiệt sau nhiều năm hoạt động khai thác. Hơn nữa, các chính sách chống ô nhiễm yêu cầu thiết bị cần phải được nâng cấp, làm tăng chi phí.

Chi phí sản xuất vonfram tinh trung bình là khoảng 80.000 nhân dân tệ/tấn. Tỷ suất lợi nhuận thấp đã buộc các nhà sản xuất giảm quy mô và giữ giá bán ổn định trong suốt năm 2020. Dữ liệu từ hiệp hội ngành kim loại màu Trung Quốc cho thấy nước này đã sản xuất 111.831 tấn tinh quặng vonfram chứa 65% vonfram trioxit trong tháng 1-10, giảm 2,25% so với 114.407 tấn trong cùng kỳ năm 2019.

Phá thế độc quyền của Trung Quốc

Theo số liệu từ Hiệp hội ngành Vonfram quốc tế, Trung Quốc tiêu thụ khoảng 60% trữ lượng vonfram cơ bản. Trong 10 năm qua, mức tiêu thụ vonfram tại Trung Quốc tăng bình quân 10% do tốc độ công nghiệp hoá, đô thị hoá quá cao.

VnEconomy dẫn các nguồn tin cho biết Trung Quốc đang áp đặt các quy định ngặt nghèo, thậm chí xử phạt cứng rắn đối với các dự án khai thác chế biến vonfram ô nhiễm. Khi các cơ sở tạm ngừng hoặc ngừng khai thác, sản xuất vĩnh viễn các sản phẩm vonfram, nguồn cung sẽ tiếp tục bị co hẹp. Trên thực tế, đã có nhiều chủ dự án vonfram tại Trung Quốc phải rời bỏ thị trường. Do đó, lượng vonfram xuất khẩu của Trung Quốc ra thế giới có thể sẽ không tăng đột biến trong những năm tới.

Cũng theo VnEconomy, một chuyên gia luyện kim màu nhận định rằng Việt Nam đang có vị thế đáng nể sẵn sàng cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc đối với khu vực thị trường vonfram trên thế giới. Mặc dù khai thác vonfram với quy mô khổng lồ, nhưng Trung Quốc cũng tiêu thụ phần lớn các sản phẩm cho nhu cầu nội địa. Trong khi đó, dư địa khai thác, sản xuất các loại nguyên vật liệu thành phẩm vonfram của Việt Nam còn rất nhiều.

Theo dữ liệu từ Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), Việt Nam là quốc gia có trữ lượng vonfram cao thứ 3 thế giới với 95.000 tấn, sau Nga (400.000 tấn) và Trung Quốc (1,9 triệu tấn).

Các sản phẩm của tập đoàn Masan tại mỏ Núi Pháo đang dần được công nhận toàn cầu và là nhà cung cấp được các đối tác lớn trên thế giới ưa chuộng. Mỏ Núi Pháo có trữ lượng vonfram, florit, đồng và bismut rất lớn.

Theo thông tin từ tập đoàn Masan, với phương pháp khai thác mỏ lộ thiên và tỷ lệ bóc đất thấp, dự án khai thác tại Núi Pháo sẽ giúp công ty này trở thành một trong những nhà sản xuất vonfram với chi phí thấp nhất trên thế giới. Đây cũng là một trong những mỏ có trữ lượng vonfram đã được nhận diện lớn nhất thế giới (ngoài Trung Quốc), với 52,5 triệu tấn quặng WO3 phẩm cấp trung bình 0,21%.

Năm 2018, Masan gia tăng việc chế biến nguyên liệu vonfram thô mua từ bên ngoài lên đến 350%, đạt 937 tấn WO3. Khả năng mở rộng nguồn cung cấp nguyên liệu bên ngoài mỏ Núi Pháo là yếu tố quan trọng đối với những tham vọng tăng trưởng.

Đại diện Masan tự tin rằng đã chuyển dịch thành công dự án Núi Pháo từ một dự án khai khoáng thành nhà cung cấp tài nguyên chiến lược Việt Nam cho các đối tác sử dụng vật liệu cao toàn cầu, bao gồm: vật liệu bán dẫn, in 3D, khoa học người máy, ô tô điện, năng lượng tái tạo, y khoa và hàng không vũ trụ.

Trung Quốc nuốt chửng kim loại quý tự khai thác, cơ hội ngàn vàng cho Việt Nam lấn sân? - Ảnh 4.

Dây chuyền nhà máy hiện đại của Masan High-Tech Materials tại Việt Nam.

Năm 2020, Công ty CP Masan High-Tech Materials (MHT) và Mitsubishi Materials Corporation (MMC) đã ký cam kết thiết lập liên minh chiến lược hướng đến mục tiêu phát triển nền tảng vật liệu vonfram công nghệ cao hàng đầu.

Theo VOV, MHT là nhà cung cấp các sản phẩm vonfram mới từ nguồn cung ổn định các nguyên liệu sơ cấp (tinh quặng) và thứ cấp (tái chế), sau đó chế biến thành các oxit vonfram, bột vonfram, vonfram cacbua và hóa chất có chất lượng tốt nhất.

Ông Makoto Shibata, Giám đốc kiêm Giám đốc Tài chính của MMC cho biết: “Hoạt động kinh doanh vonfram bao gồm kinh doanh công cụ cacbua xi măng là một trong những trụ cột chính trong chiến lược tăng trưởng của MMC. Quyết định hợp tác và đầu tư vào MHT tạo nên những ảnh hưởng đáng kể đến tiềm năng phát triển của chúng tôi trong tương lai. Tôi rất phấn khởi và tin tưởng về những triển vọng tươi sáng từ sự hợp tác giữa hai bên.”

Sau năm 2020, công ty Masan còn đặt ra lộ trình mở rộng thị phần từ 36% lên 50% (ngoài Trung Quốc) thông qua tăng công suất nhà máy tinh chế lên 12 nghìn tấn vào 2021 để từng bước trở thành nhà sản xuất vật liệu công nghiệp toàn cầu. _

Theo Tất Đạt

Doanh nghiệp và Tiếp thị

Trở lên trên