Trung Quốc phát hiện 'kho báu' khổng lồ trải dài suốt 1.000 km, có thể giúp nước này đứng đầu ở một trong những chuỗi cung ứng quan trọng nhất thế giới
Các nhà địa chất Trung Quốc đã phát hiện ra một "mỏ vàng" nằm trên dãy Himalaya. Theo đó, nhóm nghiên cứu đang sử dụng AI để xác định chính xác vị trí các mỏ để tiến hành khai thác.
Các nhà địa chất Trung Quốc gần đây đã phát hiện ra nơi có trữ lượng đất hiếm khổng lồ ở dãy Himalaya. Theo đó, Trung Quốc có thể củng cố vị thế là nhà cung cấp đất hiếm hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, khu vực có chứa loại khoáng sản này được cho là trải dài hơn 1.000 km và việc xác định chính xác các mỏ ở ở khu vực xa xôi, rộng lớn như vậy có thể mất tới hàng chục năm. Một vấn đề phức tạp khác là, vị trí này nằm dọc biên giới phía nam của Tây Tạng, nơi thường xảy ra mâu thuẫn với Ấn Độ.
Do đó, các nhà địa chất của chính phủ Trung Quốc cho biết, quốc gia nào xác định được chính xác các mỏ càng nhanh thì họ sẽ càng có nhiều lợi thế. Theo một nhóm nghiên cứu, giải pháp khả thi hiện tại là sử dụng AI. Kể từ năm 2020, với sự hỗ trợ của chính phủ, nhóm nghiên cứu đã xây dựng hệ thống AI để xử lý gần như toàn bộ dữ liệu thô mà vệ tinh và các phương tiện khác thu thập nhằm xác định vị trí mỏ đất hiếm trên cao nguyên Tây Tạng.
Các nhà khoa học đến từ Phòng Thí nghiệp trọng điểm Cấp nhà nước về địa chất và tài nguyên khoáng sản, thuộc Đại học Khoa học Địa chất Trung Quốc ở Vũ Hán cho biết, chiếc máy này có thể xác định chính xác tới 98%.
Giáo sư Zou Renguang, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: “Nhu cầu của Trung Quốc đối với các loại tài nguyên như sắt, đồng, nhôm, than và xi măng nhằm hỗ trợ quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá dự kiến sẽ giảm mạnh trong 15-20 năm tới. Trọng tâm của việc khai thái lần này chủ yếu chuyển sang đất hiếm.”
Ông trình bày: “Các kim loại đất hiếm là không thể thay thế trong các ngành mới nổi như vật liệu mới, năng lượng mới, công nghệ quốc phòng và quân sự. Theo đó, chúng là nguồn tài nguyên khoáng sản chiến lược quan trọng trong cạnh tranh toàn cầu.”
Hệ thống AI của nhóm nghiên cứu đang tìm kiếm một dạng đá granit “độc”, có tông màu sáng hơn bình thường. Loại quặng này có thể chứa các loại đất hiếm như niobi và tantalum, vốn cần thiết cho các sản phẩm công nghệ cao, nhưng cũng chứa một lượng lithium đáng kể - rất quan trọng để sản xuất xe điện.
Các nhà địa chất Trung Quốc đã tìm thấy loại đá granit đó ở khắp nơi trên dãy Himalaya, cả ở khu vực quanh đỉnh Everest. Tuy nhiên, từ trước đến nay, không ai cho rằng những loại khoáng sản như vậy không tồn tại ở khu vực này.
Từ khoảng 10 năm trước, các nhà địa chất Trung Quốc đã vô tình phát hiện ra sự hiện diện của đất hiếm và lithium trong một số mẫu đá từ Tây Tạng. Hiện tại, Trung Quốc có một cơ sở sản xuất đất hiếm ở Nội Mông và các cơ sở nằm ở phía nam các tỉnh như Quảng Đông, Giang Tây và Tứ Xuyên.
Tuy nhiên, các nhà khoa học hiện tin rằng trữ lượng đất hiếm ở dãy Himalaya có thể bằng, hoặc thậm chí còn lớn hơn những khi vực kể trên. Theo đó, Trung Quốc có thể tái thiết lập vị thế trên thị trường đất hiếm toàn cầu.
Trước đây, Trung Quốc đứng ở vị trí “đầu bảng”, với khoảng 43% trữ lượng đất hiếm toàn cầu trong những năm 1980 và 1990. Tuy nhiên, thị phần đã giảm xuống còn khoảng 36,7% vào năm 2021. Trong khi đó, tài nguyên đất hiếm ở các quốc gia khác lại tăng đáng kể, từ 40 triệu tấn lên 98 triệu tấn.
Khi nhóm của Zuo xây dựng hệ thống AI vào hơn 2 năm trước, dữ liệu vẫn còn hạn chế, chẳng hạn như sử dụng hình ảnh vệ tinh để xác định đá granit sáng màu. Ban đầu, độ chính xác của “cỗ máy” này chỉ khoảng 60% nhưng các nhà nghiên cứu dần mở rộng kiếm thức bằng cách tăng độ chính xác của các thuật toán.
Nhóm các nhà khoa học đã đưa bộ dữ liệu bổ sung, bao gồm liên quan đến các thành phần hoá học của đá và khoáng chất, tính chất từ hoặc điện của chúng, dữ liệu quang phổ do máy bay thu thập được và bản đồ địa chất của cao nguyên Tây Tạng.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy mô hình AI này có khả năng tự tinh chỉnh nhanh chóng, đạt được tỷ lệ chính xác hơn 90% trong vòng vài tháng. Dù điều này cho thấy AI có thể được sử dụng sớm trong lĩnh vực này, nhưng Zuo và các nhà nghiên cứu khác vẫn phải khắc phục một vấn đề. Họ cho biết, hệ thống chọn những địa điểm “khó hiểu” và họ không hoàn toàn tin tưởng vào “quyết định” của nó cho đến khi tìm ra nguyên nhân.
Cơ quan Khảo sát Địa chất Trung Quốc cho biết trong một nghiên cứu: “Vành đai khoáng sản ở Himalaya nằm ở phía nam Tây Tạng và mở rộng sang cả các quốc gia khác như Ấn Độ, Nepal và Bhutan. Do đó, tài nguyên tại khu vực này không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn có tầm quan trọng chiến lược.”
Song, “cơn sốt đất hiếm” có thể sẽ làm tăng nguy cơ xung đột về địa chính trị, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Nguyên nhân là do những mâu thuẫn đã có từ lâu và các mối lo ngại về vấn đề môi trường.
Tham khảo SCMP
Nhịp sống thị trường