MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc phát sốt vì 'thần dược' chiết xuất từ 1 bộ phận của con lừa: Thứ màu nâu, có mùi hôi được bán với giá đắt hơn vàng

30-04-2023 - 19:15 PM | Sống

Da lừa được sử dụng để làm e'jiao - một phương thuốc cổ truyền đã 2.500 tuổi nhưng bỗng trở nên phổ biến sau khi xuất hiện trong một bộ phim truyền hình Trung Quốc.

Tại châu Phi, lừa được đánh giá cao trong việc giúp con người vận chuyển nước và hàng hóa, một số chủ sở hữu thậm chí coi chúng là "bạn tri kỷ".

Tuy nhiên, khoảng 1 thập kỷ trước, nhu cầu ngày càng gia tăng từ Trung Quốc đối với da lừa đã bắt đầu cắt đứt huyết mạch quan trọng này. Da lừa được sử dụng để làm e'jiao – một phương thuốc cổ truyền đã 2.500 tuổi nhưng bỗng trở nên phổ biến sau khi xuất hiện trong một bộ phim truyền hình Trung Quốc.

Được sản xuất từ gelatin chiết xuất từ da lừa, e'jiao ngày nay được bán trên thị trường cho các chị em phụ nữ như một loại thuốc bổ máu giúp tăng cường khả năng sinh sản, khắc phục chứng chóng mặt, mất ngủ và các bệnh khác, mặc dù có rất ít bằng chứng khoa học đáng tin cậy chứng minh hiệu quả của nó.

E'jiao cũng trở thành một thành phần phổ biến trong các sản phẩm làm đẹp, bao gồm kem bôi mặt và kem dưỡng ẩm. 

Trung Quốc phát sốt vì 'thần dược' chiết xuất từ 1 bộ phận của con lừa: Thứ màu nâu, có mùi hôi được bán với giá đắt hơn vàng - Ảnh 1.

E'jiao được sản xuất từ gelatin chiết xuất từ da lừa. Ảnh: BBC

Liu Guangyuan, phó chủ tịch Dong'e E'jiao, nhà sản xuất e'jiao lớn nhất Trung Quốc, cho biết: "E'jiao là một trong ba báu vật lớn của y học cổ truyền Trung Quốc, cùng với sừng hươu và nhân sâm".

Lịch sử của E'jiao bắt nguồn từ khoảng thế kỷ thứ hai trước Công nguyên. Tương truyền rằng vào thế kỷ 19, Từ Hi Thái hậu của Nhà Thanh dùng e'jiao để an thai rồi hạ sinh một đứa bé sau đó trở thành hoàng đế. Từ đó, nhiều người đã truyền miệng về công dụng thần kỳ của nó.

Sau khi lên cơn sốt trong xã hội Trung Quốc hiện đại, thứ gelatin màu nâu, có mùi hôi này được bán trên thị trường Trung Quốc như một "thần dược" với giá cao ngất ngưởng. Một gram e'jiao năm 2007 có giá 47 USD, đắt hơn cả vàng.

Trong khi đó, theo ghi nhận của tờ Foreign Policy năm 2017, 250g e'jiao, trông giống như thanh socola dẻo, được bán với giá lên tới 350 USD mỗi miếng (trong những trường hợp đặc biệt, giá có thể cao gấp 10 lần).

Trung Quốc phát sốt vì 'thần dược' chiết xuất từ 1 bộ phận của con lừa: Thứ màu nâu, có mùi hôi được bán với giá đắt hơn vàng - Ảnh 2.

Người Trung Quốc xem e'jiao là thần dược. Ảnh: Native Chinese

Cơn sốt 'càn quét' châu Phi

Đặc điểm sinh học của lừa khiến người ta không thể nhân giống chúng hàng loạt như gia súc. Trong khi đó, ngành công nghiệp e'jiao mới phát triển của Trung Quốc tiêu thụ từ 2,3 – 4,8 triệu tấm da lừa mỗi năm, hầu hết lấy từ châu Phi do nguồn cung trong nước đã dần cạn kiệt.

Chỉ trong vòng 2 thập kỷ, đàn lừa của Trung Quốc – từng xếp hạng đông nhất thế giới – đã giảm từ 11 triệu xuống còn dưới 6 triệu con, trong khi GDP bình quân đầu người tăng gần gấp 10 lần (từ hơn 1.800 USD năm 1995 lên hơn 14.000 USD năm 2015).

Quá trình di cư đã làm giảm đáng kể nhu cầu sử dụng lừa tại các vùng nông thôn Trung Quốc nhưng sự giàu có ngày càng gia tăng tại các thành phố đã thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm tiêu dùng như e'jiao. Kết quả là lượng da lừa nhập khẩu từ các nước đang phát triển đã tăng đột biến.

Khi các lò mổ được mở ra trên khắp châu Phi để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ Trung Quốc, nạn trộm lừa cũng bắt đầu tăng vọt, làm suy yếu các cộng đồng và các gia đình phụ thuộc vào chúng.

Trên khắp lục địa châu Phi, giá da lừa đã tăng chóng mặt. Nếu như trước đó, lừa chỉ có giá 8 USD/con thì do nhu cầu từ Trung Quốc, giá lừa đã tăng lên 150 USD/con, tạo ra một ngách kinh tế bất hợp pháp thu lợi hàng chục triệu USD mỗi năm.

Trung Quốc phát sốt vì 'thần dược' chiết xuất từ 1 bộ phận của con lừa: Thứ màu nâu, có mùi hôi được bán với giá đắt hơn vàng - Ảnh 3.

Nhu cầu gia lừa tăng cao ở Trung Quốc đã khiến nạn buôn lậu da lừa hoành hành ở châu Phi. Ảnh: National Geographic

Từ Nigeria đến Nam Phi, nạn buôn lậu da lừa cho thương lái Trung Quốc trở nên phổ biến. Có những nhóm tội phạm lùng sục khắp các vùng nông thôn để tìm kiếm những người sẵn sàng bán da lừa, trong khi lách lệnh cấm xuất khẩu và các quy định khác về thời điểm cũng như cách thức giết mổ động vật.

"Các nhà nhập khẩu Trung Quốc bắt đầu hỏi mua lừa từ năm 2014", một cựu cố vấn thương mại giấu tên của Nam Phi cho biết, "Có 7 công ty, mỗi công ty tìm mua khoảng 10.000 tấm da lừa mỗi năm. Đó là một cơ hội lớn để phát triển kinh tế nông thôn nhưng không có khuôn khổ nào hỗ trợ thương mại hợp pháp. Và khi bạn không thể đi bằng con đường hợp pháp, bạn sẽ thông qua mafia".

Ngoài châu Phi, một số quốc gia tại châu Á đã nhìn thấy cơ hội trong nhu cầu da lừa ngày càng gia tăng ở Trung Quốc. Các quan chức chính phủ từ tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Pakistan đã đề xuất xuất khẩu sang Trung Quốc 80.000 con lừa sống mỗi năm theo khuôn khổ Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan.

Pakistan là 1 trong 9 quốc gia cấm xuất khẩu da lừa vì mục đích tôn giáo, thịt lừa là điều cấm kị đối với nhiều người dân nước này. Người ta lo nếu chỉ xuất khẩu da lừa thì phần thịt lừa còn lại sẽ được đem ra chợ bán dưới danh nghĩa thịt bò. Do vậy, để lách luật và nắm bắt cơ hội từ Trung Quốc, tỉnh Khyber Pakhtunkhwa đã nghĩ ra cách xuất khẩu lừa sống.

Nguy cơ lây lan bệnh chết người

Không chỉ vấn nạn buôn lậu da lừa trở nên đáng lo ngại, cơn sốt "thần dược" của Trung Quốc còn kéo theo nguy cơ lây lan các bệnh chết người từ châu Phi sang châu Á.

Theo báo cáo của Donkey Sanctuary, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Vương quốc Anh, kết quả kiểm tra di truyền da lấy từ một lò mổ ở Keynia đã phát hiện các mẫu dương tính với bệnh ngựa châu Phi và MRSA – một nhóm vi khuẩn kháng kháng sinh.

Trung Quốc phát sốt vì 'thần dược' chiết xuất từ 1 bộ phận của con lừa: Thứ màu nâu, có mùi hôi được bán với giá đắt hơn vàng - Ảnh 4.

Các nhà khoa học lo ngại cơn sốt "thần dược" của Trung Quốc kéo theo nguy cơ lây lan các bệnh chết người từ châu Phi sang châu Á. Ảnh: National Geographic

Simon Pope, người đứng đầu các cuộc điều tra của tổ chức này cho biết, đây là bằng chứng chắc chắn đầu tiên cho thấy da lừa có thể đóng vai trò là vật trung gian truyền bệnh khắp thế giới. Việc buôn bán da không còn là một rủi ro giả định đối với con người và động vật.

Theo Faith Burden, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Donkey Sanctuary, ở châu Phi, những con lừa thường đi hàng trăm dặm để tới lò mổ, vượt qua biên giới quốc gia. Khi chúng đến nơi, các biện pháp kiểm soát thú y và an toàn sinh học tại đó thường không đáp ứng đủ tiêu chuẩn để phát hiện ra những con lừa bị bệnh.

"Người ta mua e'jiao như sản phẩm tăng cường sức khỏe nhưng tôi không nghĩ họ sẽ tiếp tục mua nếu biết nó thực sự được sản xuất như thế nào" – Pope cho hay, đồng thời lưu ý rằng có sự khác biệt rõ rệt giữa các hình ảnh quảng cáo tại Trung Quốc (trong đó những con lừa đang nô đùa quanh cao nguyên xanh với những dòng suối trong như pha lê) và thực tế phũ phàng tại các lò mổ châu Phi.


Theo Vy Lam

Thể thao & Văn hóa

Trở lên trên