MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc phủ xanh sa mạc ở phía Bắc bằng dự án quang điện khổng lồ

01-09-2024 - 19:35 PM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc - quốc gia được biết đến là nhà đầu tư lớn nhất thế giới vào năng lượng sạch, gần đây đã xây dựng các cơ sở quang điện tràn đầy sức sống tại một sa mạc ở vùng Nội Mông phía bắc của đất nước. Dự án này không chỉ giúp gia tăng năng suất cung cấp năng lượng sạch, mà còn khoác cho sa mạc một lớp áo xanh mới.

Dự án quang điện “khổng lồ” này nằm trên sa mạc Kubuqi ở phía bắc Nội Mông (Trung Quốc), có diện tích khoảng 13.000 hecta. Sau khi dự án hoàn thành, sản lượng điện hàng năm sẽ là 6,09 tỷ kWh, trở thành dự án quang điện đơn lẻ lớn nhất thế giới và có khả năng cung cấp điện sạch cho hơn 300.000 người mỗi năm.

Trung Quốc phủ xanh sa mạc ở phía Bắc bằng dự án quang điện khổng lồ- Ảnh 1.

Dự án điện mặt trời trên sa mạc Kubuqi của Trung Quốc. Ảnh: VOV-Bắc Kinh.

Ông Lý Khải - Giám đốc Văn phòng Năng lượng tại Nội Mông cho biết: “Hiện tại, các dự án năng lượng mới tại khu vực này đã đạt công suất hơn 3 gigawatt. Đến cuối năm 2025, chúng tôi có kế hoạch bổ sung thêm 16 gigawatt công suất năng lượng mới. Nguồn điện xanh này sẽ liên tục được truyền tải hàng trăm km đến các thành phố thông qua đường dây điện siêu cao thế 800 kilowatt và 1.000 kilowatt”.

Bên cạnh việc cung cấp năng lượng sạch, các tấm pin mặt trời còn đóng vai trò là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại cát sa mạc thổi vào sông Hoàng Hà - con sông dài thứ 2 của Trung Quốc, cách trang trại năng lượng mặt trời khoảng 7km. Điều này giúp bảo vệ chất lượng nước của con sông và các cộng đồng lân cận. Cho đến nay, dự án quang điện này đã hoàn thành lắp đặt 5,42 triệu kilowatt điện mặt trời trên hơn 13.333 ha đất sa mạc.

Sa mạc Kubuqi là vùng đất rộng mở, lý tưởng cho các trang trại năng lượng mặt trời và khu vực này có nguồn tài nguyên năng lượng mặt trời dồi dào, với khoảng 3.100 giờ nắng mỗi năm. Dự án này cũng đi đầu trong cách tiếp cận sáng tạo để chống sa mạc hóa, với các tấm pin mặt trời tạo ra điện được đặt ở trên cùng, cho phép cây trồng phát triển trên mặt đất. Các tấm pin mặt trời có thể giảm sự bốc hơi của nước ngầm từ 20 đến 30% và tạo bóng râm, hỗ trợ sự phát triển của cây trồng.

Với cây trồng phát triển mạnh trong bóng râm, cách tiếp cận này mang lại cả lợi ích kinh tế và sinh thái.

Ông Cao Tiểu Hổ - Giám đốc Quản lý kỹ thuật tại Công ty Năng lượng mới Nội Mông cho biết: “Trong quá trình xây dựng, chúng tôi cố gắng bảo tồn cảnh quan ban đầu càng nhiều càng tốt. Tùy thuộc vào điều kiện đất đai, chúng tôi đưa các loại cỏ và cây thuốc có khả năng phục hồi tốt hơn vào canh tác. Dưới các tấm pin mặt trời, chúng tôi kết hợp chăn thả và nông nghiệp để tăng lợi ích kinh tế.”

Tờ "Independence" của Anh cho rằng Trung Quốc đang dẫn đầu quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Sản lượng điện mặt trời của Trung Quốc đứng đầu thế giới và sản lượng điện quang điện đã tăng hơn 50% vào năm 2023. Điện khai thác từ sa mạc là năng lượng tái tạo, không gây ô nhiễm và không tiêu thụ nguồn nước khan hiếm ở các vùng sa mạc. Năng lượng của nó đến từ năng lượng mặt trời. Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế, dự kiến đến năm 2050, điện được sản xuất từ quang điện mặt trời sẽ trở thành phương thức tạo ra điện quan trọng nhất cho nhân loại và sẽ đáp ứng 65% nhu cầu điện của của con người.

Tổng diện tích sa mạc của Trung Quốc khoảng 700.000 km2, với 8 sa mạc chính, chủ yếu phân bố ở khu vực Tây Bắc Trung Quốc. Do đó trong tương lai, việc sản xuất điện quang điện trên sa mạc có triển vọng không giới hạn.

Theo CTV Mỹ Linh/VOV1 biên dịch

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên