MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc sắp thu hoạch vụ sầu riêng đầu tiên: Cuộc cạnh tranh tại thị trường tỷ dân

12-04-2023 - 10:12 AM | Thị trường

Sầu riêng tươi Đông Nam Á đang rất được ưa chuộng tại Trung Quốc. Hiện đã có Thái Lan, Việt Nam và Philippines được cấp phép xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường tỷ dân. Tuy nhiên, cuộc đua sầu riêng đang thêm phần khốc liệt khi những người nông dân ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc sắp thu hoạch vụ sầu riêng đầu tiên vào tháng 6 tới.

Thời gian gần đây, “Giá sầu riêng Thái Lan giảm còn 30 nhân dân tệ/kg (khoảng 100.000 đồng)” và “Liệu chăng người Trung Quốc sắp được ăn sầu riêng thả ga?” đã trở thành 2 chủ đề nóng về sầu riêng trên mạng xã hội Weibo của nước này.

Đối với những người ghiền sầu riêng ở Trung Quốc, giá cả loại quả này luôn được quan tâm, bởi để mua được một quả sầu riêng họ phải bỏ ra hàng trăm nhân dân tệ. Tuy nhiên, cùng với việc Trung Quốc mở rộng thị trường nhập khẩu và sầu riêng nội địa sắp có mặt trên thị trường, việc hiện thực hóa “ăn sầu riêng thả ga” có thể không còn là chuyện quá xa vời đối với người Trung Quốc.

Trung Quốc sắp thu hoạch vụ sầu riêng đầu tiên: Cuộc cạnh tranh tại thị trường tỷ dân - Ảnh 1.

Cây sầu riêng trồng ở Hải Nam, Trung Quốc. (Ảnh: Tianmunews)

Truyền thông nước này dẫn lời những người trong ngành cho biết, diện tích trồng sầu riêng ở Hải Nam hiện đã đạt hơn 25.000 mẫu (16,7 km2) và 50 tấn sầu riêng tươi dự kiến sẽ được tung ra thị trường vào tháng 6 tới. Năm 2024, sầu riêng Hải Nam sẽ được cung cấp số lượng lớn ra thị trường trong nước, với sản lượng hàng năm từ 45.000 đến 75.000 tấn và sẽ tiếp tục tăng dần.

Ông Đỗ Bách Trung, Tổng giám đốc Công ty nông nghiệp Youqi ở Tam Á cho biết (Do Bach Trung 1): “Chúng ta đã có thể ăn sầu riêng chín trên cây, đó là một lợi thế lớn về địa lý. Cùng với việc trồng quy mô lớn, giá của sầu riêng có thể sẽ giảm ở một mức độ nhất định”.

Dữ liệu cho thấy, Hải Nam bắt đầu trồng sầu riêng vào những năm 1950, nhưng do các hạn chế về kỹ thuật nên vùng đất này từng bị gắn mác “không thích hợp để trồng sầu riêng”. Trên cương vị là người phụ trách cơ sở trồng sầu riêng đầu tiên ở Hải Nam, ông Đỗ Bách Trung cũng thừa nhận, mặc dù bắt đầu trồng sầu riêng trên quy mô lớn ở Tam Á từ năm 2020, song do thiếu kinh nghiệm, tỷ lệ sống của cây giống chỉ đạt 60%. Những năm gần đây, sau khi hợp tác với một số nước Đông Nam Á và các tổ chức nghiên cứu khoa học trong tỉnh, hàng loạt vấn đề ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của sầu riêng như quản lý nước và phân bón, giám sát sâu bệnh... đã được giải quyết.

Trung Quốc sắp thu hoạch vụ sầu riêng đầu tiên: Cuộc cạnh tranh tại thị trường tỷ dân - Ảnh 2.

Ông Đỗ Bách Trung - Tổng giám đốc Công ty Nông nghiệp Youqi (Ảnh: Đài PTTH Hà Nam)

Theo ông Trung, hiện tỷ lệ này ở Tam Á đã đạt tới 98%: “Chúng tôi đã du nhập hơn 100 loại giống để thuần hóa và chiết ghép. Sau 1-2 năm nữa, dự kiến Hải Nam sẽ có giống sầu riêng của riêng mình”.

Ông Phùng Học Kiệt, Giám đốc Viện Cây ăn quả Nhiệt đới thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Hải Nam khẳng định: “Sầu riêng là loại cây đã được công nghiệp hóa tương đối thành công trong số các giống cây nhập khẩu ở Hải Nam”.

Sầu riêng hiện là loại trái cây tươi nhâp khẩu nhiều nhất ở Trung Quốc. Theo số liệu của nước này, Trung Quốc nhập khẩu 825.000 tấn sầu riêng tươi trong năm 2022, đạt hơn 4 tỷ USD. Trong đó, Thái Lan là nhà cung cấp lớn nhất, chiếm khoảng 96% kim ngạch.

Trung Quốc sắp thu hoạch vụ sầu riêng đầu tiên: Cuộc cạnh tranh tại thị trường tỷ dân - Ảnh 3.

Ông Phùng Học Kiệt tại nơi trồng sầu riêng. (Ảnh: Jiemian)

Với việc sầu riêng Hải Nam sắp có mặt trên thị trường, có thể nói, Trung Quốc đã đi những bước đầu tiên trong việc nội địa hóa loại quả này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nước này vẫn gặp không ít trở ngại trong quá trình mở rộng sản xuất. Nói như ông Phùng Học Kiệt, thì sầu riêng là loại cây khó tính, do vậy, trên thực tế nó mới chỉ được trồng ở một số khu vực của Hải Nam, chứ chưa phải toàn tỉnh. Hơn nữa, Trung Quốc hiện vẫn phải phụ thuộc vào cây giống nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á.

Mặc dù sầu riêng chưa thể trồng rộng rãi để được bán với giá bình dân như nho sữa ở Trung Quốc, nhưng cùng với việc từng bước nội địa hóa và cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các nước Thái Lan, Việt Nam, Philippines và Malaysia, người tiêu dùng Trung Quốc sẽ được hưởng lợi và việc giá loại “quả vua” này ở đất nước tỷ dân giảm thậm chí dưới 30 tệ/kg như hiện nay là điều có thể lường trước được./.

Theo Bích Thuận

vov.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên