MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc sẽ phải “hối hận” vì áp thuế lên đậu tương Mỹ?

05-09-2018 - 06:57 AM | Thị trường

Các nhà chăn nuôi Trung Quốc cũng có nguy cơ trở thành một “nạn nhân” của cuộc chiến thương mại...

Một trong những động thái lớn nhất của Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại với Washington đang có nguy cơ gây tổn thất cho chính nông dân Trung Quốc - theo trang CNN Money.

Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ bị thiếu đậu tương, sau khi chính phủ nước này áp thuế quan bổ sung 25% lên đậu tương nhập khẩu từ Mỹ nhằm trả đũa việc Mỹ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc. Năm ngoái, Trung Quốc nhập khẩu hơn 12 tỷ USD đậu tương Mỹ.

Không bán được đậu tương cho Trung Quốc như trước, nông dân Mỹ đã nói nhiều về ảnh hưởng tiêu cực của cuộc chiến thuế quan đối với họ. Tuy nhiên, các nhà chăn nuôi Trung Quốc cũng có nguy cơ trở thành một "nạn nhân" của cuộc chiến này.

Trung Quốc là nước nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới, chủ yếu sử dụng nông sản này để chế biến thức ăn cho các vật nuôi như gà, lợn… Hơn 1/3 đậu tương nhập khẩu vào Trung Quốc là từ Mỹ. Thuế quan khiến đậu tương Mỹ trở nên đắt đỏ đối với các công ty nhập khẩu Trung Quốc, trong khi việc tìm nguồn cung thay thế là không hề dễ dàng.

"Đây sẽ là một vấn đề lớn đối với Trung Quốc" nếu mâu thuẫn thương mại không được giải quyết sau một vài tháng nữa", ông Loren Puette, Giám đốc công ty nghiên cứu ChinaAg có trụ sở ở Đài Loan, nhận định.

Dừng mua đậu tương Mỹ, nhiều công ty Trung Quốc đã chuyển sang mua đậu tương của các quốc gia khác. Năm ngoái, Hebei Power Sea Feed Technology mua hàng nghìn tấn thức ăn chăn nuôi chế biến từ đậu tương từ Mỹ, nhưng năm nay công ty này đã chuyển sang mua hàng từ Brazil.

"Đó là do chiến tranh thương mại", ông Xu Limin, một nhà quản lý của Hebei Power Sea Feed Technology, phát biểu.

Ngoài Brazil, Trung Quốc còn có một nguồn hàng đậu tương khác để thay thế cho đậu tương Mỹ là Argentina. Tuy nhiên, các nước này không thể cung cấp đủ đậu tương cho Trung Quốc để thay thế hoàn toàn nguồn cung từ Mỹ. Chưa kể, đậu tương là một hoạt động kinh doanh mang tính mùa vụ: các trang trại ở Nam Mỹ trồng và thu hoạch đậu tương theo thời vụ khác với ở Mỹ.

Theo ông Puette, Brazil không thể trồng đủ đậu tương để đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc. "Nông dân Brazil đã xuất khẩu tối đa đậu tương sang Trung Quốc", ông Puette nói. Trong khi đó, các nguồn cung đậu tương khác như Canada và Nga chỉ chiếm một phần nhỏ thị trường đậu tương toàn cầu.

Giá đậu tương ở Brazil vì thế đã tăng trong những tháng gần đây, trong khi xuất khẩu đậu tương Mỹ giảm xuống - theo công ty dữ liệu AgriCensus. Giá đậu tương Brazil hiện đang cao hơn giá đậu tương Mỹ.

Nhiều trang trại ở Trung Quốc cũng đang trồng thêm đậu tương, nhưng nguồn cung đậu tương trong nước cũng được dự báo khó có thể sớm tăng tới mức đủ để bù đắp sự sụt giảm nguồn cung đậu tương từ Mỹ. Chưa kể, đậu tương Trung Quốc có giá đắt đỏ hơn nhiều so với đậu tương nhập khẩu từ Mỹ và Brazil.

"Trung Quốc đang làm tất cả những gì có thể để tránh phải mua đậu tương Mỹ vào thời điểm này. Vấn đề đặt ra là họ có thể tránh đậu Mỹ được bao lâu", ông John LaForge, trưởng bộ phận chiến lược tài sản thuộc Wells Fargo Investment Institute, nhận xét.

Một số nhà phân tích dự báo các nhà nhập khẩu Trung Quốc sẽ đến lúc phải quay lại mua đậu tương Mỹ vào cuối năm nay, khi nguồn cung từ các nơi khác đã cạn.

Điều đó có thể gây ảnh hưởng rộng lớn trong nền kinh tế Trung Quốc. Giá đậu tương nhập khẩu tăng sẽ đẩy giá thức ăn chăn nuôi tăng, kéo theo giá thịt lợn tăng và lạm phát tăng.

Ở thời điểm hiện tại, một số công ty Trung Quốc đã cảm nhận thấy sức ép. Một công ty nông sản lớn là Beijing Dabeinong Technology, tuần trước đổ lỗi cho giá đậu tương và các nguyên liệu đầu vào khác tăng là nguyên nhân khiến lợi nhuận không đạt kỳ vọng.

Theo An Huy

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên