MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc tạm ngưng nhập khẩu, thanh long quay đầu rớt giá mạnh

30-12-2021 - 16:11 PM | Thị trường

Trung Quốc tạm ngưng nhập khẩu, thanh long quay đầu rớt giá mạnh

Sau khi Trung Quốc có động thái tạm ngưng nhập khẩu thanh long, tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), mặt hàng này đã quay đầu giảm giá mạnh, chỉ còn 4.000-5.000 đồng/kg, trong khi mức giá để nông dân hòa vốn phải 7.000-8.000 đồng/kg.

Có khoảng 1,5ha thanh long chuẩn bị thu hoạch, anh Nguyễn Văn Mười (xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo, địa phương trồng thanh long nhiều nhất ở tỉnh Tiền Giang) cho biết, hiện nay tại địa phương, thương lái đang thu mua với giá chỉ 4.000-5.000 đồng/kg đối với thanh long loại 1, còn loại 2 chỉ còn 500-1.000 đồng/kg…

Trung Quốc tạm ngưng nhập khẩu, thanh long quay đầu rớt giá mạnh - Ảnh 1.

Tại ĐBSCL, thanh long tập trung nhiều nhất ở Tiền Giang và Long An.

Theo anh Mười, năm nay giá phân thuốc tăng lên quá cao, chưa nói đến lãi, để có thể hòa vốn thì thanh long ít nhất phải bán được với giá 7.000-8.000 đồng/kg…“Khoảng hơn 10 ngày nữa là bán rồi, nghe nói Trung Quốc ngưng nhập khẩu một tháng, tình hình này là lỗ chắc rồi, nhưng tới kỳ phải bán thôi, chứ biết sao giờ…” – anh Mười thở dài.

Trung Quốc tạm ngưng nhập khẩu, thanh long quay đầu rớt giá mạnh - Ảnh 2.

Tiền Giang và Long An là địa phương trồng thanh long hàng đầu ở ĐBSCL. Thông tin với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Quốc Trịnh - Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Long An, cho hay, giá thanh long đã giảm 50%, từ 30.000 đồng/kg xuống còn khoảng 15.000 đồng/kg đối với thanh long loại 1, còn giá mua xô tại vườn khoảng 5.000-7.000 đồng/kg.

Theo ông Trịnh, thanh long khi qua được Trung Quốc vẫn có giá cao, nhưng do nước này hạn chế ở cửa khẩu nên hàng đi chậm, cộng với hàng trong nước còn tồn ở kho lạnh nên giá giảm…

Trung Quốc tạm ngưng nhập khẩu, thanh long quay đầu rớt giá mạnh - Ảnh 3.

Trước đó, theo tìm hiểu của PV, những ngày đầu xảy ra ách tắc ở cửa khẩu phía Bắc, giá thanh long tại ĐBSCL vẫn được các nhà kho thu mua khoảng 32.000 đồng/kg (loại 1); loại 2 là 27.000 đồng/kg và 22.000 đồng/kg đối với loại 3, loại "dạt" cũng có giá từ 7.000-8.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với những tháng trước.

Nguyên nhân do thị trường Trung Quốc đang thiếu hụt mặt hàng này rất lớn. Do vậy, xe nào qua được là bán hết xe đó, lãi cũng gấp 2-3 lần bình thường, nên dù đang tồn đọng ở các cửa khẩu nhưng thương lái, doanh nghiệp vẫn tiếp tục đưa hàng lên. Các tỉnh đã nhận được cảnh báo không đem hàng lên nữa, nhưng nông sản chín buộc phải đem lên.

Trung Quốc tạm ngưng nhập khẩu, thanh long quay đầu rớt giá mạnh - Ảnh 4.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), thanh long là mặt hàng trái cây có sản lượng lớn nhất ở các tỉnh phía Nam, với hơn 1,3 triệu tấn năm 2021 (trên tổng số 7,1 triệu tấn của toàn vùng).

Đây cũng là 1 trong 10 loại trái cây xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, cùng với xoài, chuối, mít, dừa, sầu riêng, chanh, dưa hấu, vải và chanh leo.

Báo cáo tổng kết năm 2021 của Bộ NN&PTNT cho biết, sản lượng thanh long cả nước năm 2021 đạt gần 1,4 triệu tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ.

Mục tiêu năm 2022, loại quả này có diện tích 73 nghìn ha, sản lượng 1,55 triệu tấn.

Trung Quốc tạm ngưng nhập khẩu, thanh long quay đầu rớt giá mạnh - Ảnh 5.

Chiều 29/12, ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, cho biết, phía Trung Quốc đã có văn bản chính thức thông báo, từ ngày 20-27/12, sau khi kiểm tra hàng hóa bảo quản lạnh nhập khẩu gồm quả thanh long và bao bì xét nghiệm, kết quả 3 lần dương tính, nên tạm dừng nhập khẩu thanh long từ 29/12/2021 đến hết ngày 26/1/2022.

Tính đến sáng 29/12, ở tỉnh Lạng Sơn còn tồn 3.530 xe hàng, trong đó có 2.365 xe chở nông sản, trong đó có hơn 900 xe chở thanh long (khoảng 10.000 tấn quả).

Tỉnh Lạng Sơn đã nhanh chóng liên hệ với một số doanh nghiệp ở các tỉnh, thành trong cả nước giúp tiêu thụ thanh long. Ngay trong ngày 29/12 đã có một số doanh nhân, siêu thị ở Hà Nội liên hệ và mua hàng cho bà con. Tuy nhiên, với số lượng 10.000 tấn, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đề nghị Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT cùng vào cuộc...


Theo Cảnh Kỳ

Tiền phong

Trở lên trên