MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc tạo ra biển giữa lòng sa mạc để nuôi hải sản: Sản lượng top đầu cả nước, nông dân “thắng đậm” vì giá cao

20-10-2023 - 21:19 PM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc tạo ra biển giữa lòng sa mạc để nuôi hải sản: Sản lượng top đầu cả nước, nông dân “thắng đậm” vì giá cao

Vùng sa mạc Tân Cương (Trung Quốc) đang gặt hái nhiều thành công nhờ công nghệ nuôi trồng giúp tăng sản lượng thủy hải sản trong khu vực.

Hải sản giữa sa mạc

Theo SCMP, khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc đã có những đột phá công nghệ mới trong việc nuôi trồng thủy sản nước ngọt và nước mặn, bao gồm cá nước ngọt, tôm sú, bào ngư và tôm hùm. Đây là một trong những thành công đáng kể ở khu vực sa mạc này.

Mới đây, công ty nuôi trồng thủy sản Tân Cương Shi Shi Xian - được thành lập vào năm 2022 - cho biết họ đã thành công trong dự án thí điểm phát triển công nghệ mô phỏng nước biển trong ngư trường nằm ở rìa sa mạc.

Người đứng đầu dự án Chen Jiazhen cho biết, nước mặn tự nhiên ở miền nam Tân Cương có độ mặn “gần bằng mức nước biển”.

Theo một bài viết của China Business Herald được xuất bản bởi Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Trung Quốc hồi đầu tháng này, việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc nuôi trồng hải sản nhân tạo, với mục tiêu của công ty là tăng khả năng tiếp cận hải sản ở các khu vực nội địa của Trung Quốc.

Chen cho biết: “Chúng tôi tận dụng vùng đất mặn-kiềm, điều chỉnh mức men vi sinh cũng như cho các vi chất dinh dưỡng khác vào nước để mô phỏng các môi trường nước biển khác nhau, cần thiết cho các giống sinh vật khác nhau”.

Công ty có khoảng 60 hồ nuôi trong nhà, với nhà kính được sử dụng để bù đắp cho sự chênh lệch nhiệt độ ở Tân Cương. Công ty đã phát triển 8 loại hải sản khác nhau. Ban đầu hải sản được nuôi trong nhà trước khi chuyển ra ao ngoài trời.

Trung Quốc tạo ra biển giữa lòng sa mạc để nuôi hải sản: Sản lượng top đầu cả nước, nông dân “thắng đậm” vì giá cao - Ảnh 1.

Khu hồ nuôi với môi trường biển nhân tạo để nuôi hải sản ở Tân Cương.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng việc mở rộng sản xuất thủy sản ở Tân Cương là một “ví dụ điển hình” trong bối cảnh Trung Quốc thúc đẩy các học giả và quan chức địa phương tìm cách “hiện đại hóa nông nghiệp và đảm bảo an ninh cho việc cung cấp các sản phẩm nông nghiệp”.

Chia sẻ về việc nuôi thủy sản, Guo Junwei, một quản lí tại công ty Công nghệ Sinh học Tân Cương Benteng, cho biết mỗi kg tôm sú công ty bán được với giá 200 tệ (khoảng 670.000 đồng). Nhờ đó, thu nhập và đời sống của người dân trong khu vực được cải thiện một cách tích cực.

Theo Liên Hợp Quốc, Trung Quốc từ lâu đã là nhà sản xuất hải sản lớn nhất thế giới và chiếm ít nhất 18% tổng sản lượng hải sản đánh bắt trên toàn cầu.

Bắc Kinh ngày càng nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh lương thực, nhằm tự chủ hơn trong sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh thị trường thực phẩm toàn cầu bất ổn, chịu ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị, biến đổi khí hậu và chiến tranh.

Tân Cương là 1 trong 7 địa điểm được chọn làm khu vực thí điểm sản xuất lúa chịu mặn-kiềm – hay còn gọi là “lúa nước biển” – để tăng sản lượng cây trồng.

Tuy nhiên, môi trường khô cằn cũng thách thức tính bền vững của phát triển nông nghiệp do thiếu nước.

Các trang trại nuôi cá ở Tân Cương trước đây đã sản xuất thủy sản nước ngọt do các công ty có thể tận dụng nguồn cấp nước từ các hồ trên cao (nước tới từ tuyết tan trên các khu vực miền núi) hoặc bơm nước ngầm dưới núi lên.

Chính quyền Tân Cương đang đặt mục tiêu tăng sản lượng thủy sản hàng năm lên khoảng 30.000 tấn vào năm 2025. Trung Quốc dự định nâng sản lượng thủy sản lên 69 triệu tấn trong cùng năm.

Thủy sản nước ngọt

Theo Tân Hoa Xã, hoạt động khai thác thủy sản nước ngọt ở Tân Cương cũng giúp người dân thu về thu nhập đáng kể.

Dưới ánh sáng dịu nhẹ của buổi sáng, ngư dân Xu Qingshui lái chiếc thuyền đánh cá của mình về phía trung tâm hồ Bosten, chuẩn bị cho một ngày lao động bận rộn.

Nằm ở khu tự trị Tân Cương, Bosten - hồ nước ngọt nội địa lớn nhất nước này - bước vào mùa đánh cá bận rộn nhất từ tháng 8 kéo dài đến tháng 10.

Khi đến điểm câu, Xu và các bạn cùng nhau kéo lưới đã giăng sẵn ngày hôm trước.

"Sáng nay chúng tôi đánh bắt được một mẻ khá lớn. Chúng tôi thu được hơn 200 kg cá, bao gồm nhiều loại cá chép to, nhiều thịt", Xu nói và cho biết thêm rằng trong đợt bội thu, anh có thể kiếm được hơn 1.000 nhân dân tệ (khoảng 3,3 triệu đồng) chỉ trong một ngày.

Với 17 năm kinh nghiệm đánh cá, Xu cho rằng thu hoạch bội thu là nhờ môi trường sinh thái được cải thiện và nỗ lực bảo tồn được tăng cường.

Trung Quốc tạo ra biển giữa lòng sa mạc để nuôi hải sản: Sản lượng top đầu cả nước, nông dân “thắng đậm” vì giá cao - Ảnh 2.

Chim bắt cá ở hồ Bosten

Kể từ năm 2018, tổng cộng 807 triệu mét khối nước đã chảy vào hồ Bosten từ sông Kaidu, cải thiện hiệu quả tuần hoàn nước và chất lượng nước của hồ.

“Nước ngày càng sạch hơn và đó là điều cơ bản để đánh bắt cá bền vững”, Xu cho biết.

Những thảm lau sậy rộng lớn của hồ Bosten, bao phủ hơn 40.000 ha, đóng một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái. Chúng có thể giúp lọc nước và cung cấp môi trường sống cũng như nơi trú ẩn cho nhiều loài chim và thủy sinh khác nhau. Hồ hiện là nơi sinh sống của ngày càng nhiều loài chim hoang dã, với 198 loài được quan sát cho đến nay.

Môi trường sinh thái tốt đã truyền sức sống mới vào hồ, biến nơi đây trở thành cơ sở sản xuất cá lớn nhất Tân Cương. Nơi đây sản xuất hơn 4.000 tấn thủy sản khác nhau mỗi năm, bao gồm cá trắm cỏ, tôm nước ngọt và cua.

Yuan Jianhui, chủ cơ sở nuôi cua, cho biết: “Năm ngoái, chúng tôi đã thả 36 triệu con cua giống và bắt đầu thu hoạch vào tháng 8 năm nay. Sau đó, chúng tôi dự định cho tôm hùm nước ngọt Australia và mở rộng quy mô nuôi trồng để có thêm nhiều người tiêu dùng được thưởng thức các sản phẩm thủy sản của Tân Cương”.

Năm 2022, tổng sản lượng thủy sản của Tân Cương đạt 173.000 tấn, đứng thứ hai trong số 5 tỉnh, khu tự trị ở tây bắc Trung Quốc.

Tham khảo SCMP, Tân Hoa Xã

Tất Đạt

Nhịp Sống Thị Trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên