MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc toan tính điều gì khi tái khởi động Sáng kiến Vành đai Con đường?

17-08-2019 - 08:45 AM | Tài chính quốc tế

Những ý kiến trái chiều ở bên ngoài và lo ngại trong nước về cái giá mà họ phải trả đã khiến Trung Quốc suy nghĩ lại khi cố găng tăng tính minh bạch, cải thiện chất lượng dự án và thu hút những đối tác giàu có để cùng gánh đỡ rủi ro.

Xét về nhiều mặt, Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc là sự thành công rực rỡ. Kể từ năm 2013, đã có hơn 130 quốc gia đặt bút ký vào thoả thuận hoặc thể hiện sự quan tâm đối với các dự án nhằm thúc đẩy thương mại dọc các tuyến đường có nét tương đồng với Con đường Tơ lụa trong quá khứ. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, khoảng 575 tỷ USD đường sắt, đường bộ, cảng và các dự án khác đã hoặc đang trong quá trình xây dựng.

Tuy nhiên, nỗ lực chính của ông Tập lại gặp phải nhiều ý kiến chỉ trích, trong đó có những cáo buộc rằng Trung Quốc đang bóc lột các nước nghèo - dụ họ rơi vào bẫy nợ, vì lợi ích chính trị và thậm chí là quân sự. Những ý kiến trái chiều ở bên ngoài và lo ngại trong nước về cái giá mà họ phải trả đã khiến Trung Quốc suy nghĩ lại, cố gắng tăng tính minh bạch, cải thiện chất lượng dự án và thu hút những đối tác giàu có để cùng gánh đỡ rủi ro.

Trung Quốc toan tính điều gì khi tái khởi động Sáng kiến Vành đai Con đường? - Ảnh 1.

1. Vấn đề nằm ở đâu?

Có ít nhất 7 quốc gia đã gặp rắc rối với BRI hoặc suy nghĩ lại, thường là sau khi nhận được phản ứng dữ dội, thay đổi quyết định từ chính phủ hoặc là cả 2. Những ý kiến trái chiều đã nêu ra các vấn đề: tham nhũng, quá tải các loại hợp đồng, nợ chồng chất, gây tổn hại cho môi trường và sự phụ thuộc vào lao động nhập khẩu từ Trung Quốc khiến số lượng nhân công địa phương thấp hơn. Một số ví dụ tiêu biểu:

· Sri Lanka đã đi vay rất nhiều để xây dựng một khu cảng mới, họ không thể thanh toán khoản nợ này. Sau đó, nước này phải cho một công ty nhà nước Trung Quốc thuê khu đất cảng trong 99 năm để được xoá nợ. Hiện tại, cảng có rất ít hoạt động kinh doanh nhưng lại tạo cơ hội cho Trung Quốc thiết lập bến chiến lược dọc theo các tuyến vận chuyển chính.

· Các dự án dọc Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan trị giá 42 tỷ USD đang ở tình trạng trì trệ do Pakistan gặp phải rắc rối về khoản nợ dài hạn.

· Myanmar đã phải thu hẹp quy mô của một thương vụ xây dựng cảng từ 7,5 tỷ USD xuống còn 1,3 tỷ USD.

· Chính phủ mới của Malaysia đã huỷ bỏ dự án xây dựng đường ống trị giá 3 tỷ USD và tái đàm phán về một dự án đường sắt vào năm 2019, cắt giảm chi phí chỉ còn 1/3 xuống còn 11 tỷ USD.

· Các nhà lãnh đạo của Maldives đang loay hoay tìm kiếm cách thức để được xoá nợ trong bối cảnh chính phủ cũ đã thực hiện những dự án liên kết với BRI có giá trị rất lớn.

· Tháng 6/2019, một toà án ở Kenya đã tạm dừng xây dựng nhà máy điện do Trung Quốc hậu thuẫn trên đảo Lamu - một điểm đến du lịch nổi tiếng, và đưa ra tiêu chuẩn đánh giá mới về tác động tới môi trường.

2. BRI có gì thay đổi?

Tại một diễn đàn cấp cao tổ chức vào tháng 4/2019, ông Tập đã đưa ra dấu hiệu rằng chính phủ Trung Quốc sẽ kiểm soát gắt gao hơn đối với những dự án BRI. Thay vì bày tỏ sự tự hào về đà tăng trưởng của sáng kiến này như năm 2017, ông tập trung vào những bước đi của Trung Quốc để "làm sạch" hình ảnh của đất nước, thúc giục tiến hành các dự án "chất lượng cao hơn" và "xanh hơn". Ngoài ra, ông cũng tuyên bố sẽ "không khoan nhượng" với những trường hợp tham nhũng. Các doanh nghiệp nhà nước, cho đến nay là nhà đầu tư lớn nhất của những dự án thuộc BRI, được yêu cầu tăng hoạt động cường kiểm toán và giám sát đối với những đơn vị, nhân sự ở nước ngoài.

Chính phủ Trung Quốc đã soạn thảo những quy tắc sử dụng "cái tên" BRI để bảo vệ danh tiếng. Các phương tiện truyền thông của nhà nước cũng bớt rầm rộ hơn trước. Tờ People's Daily đã đưa ra 2 mục mới và một bài đặc biệt trong thời gian tổ chức diễn đàn BRI đầu tiên sắp tới. Xung quanh sự kiện trên, tờ báo này chỉ đăng khoảng 10 bài viết trên trang chủ. 

3. Trung Quốc có nghiêm túc đối với sự thay đổi này?

Dấu hiệu của cách tiếp cận thận trọng hơn đã xuất hiện, ít nhất là xung quanh độ "phủ sóng" của nợ trong đó. Trung Quốc đã rút lại khoảng 4,9 tỷ USD trong các khoản vay mới cho một dự án đường sắt lớn ở phía đông châu Phi. Tuyến này dự kiến chạy từ thành phố cảng Mombasa của Kenya đến Uganda và xa hơn nữa, nhưng hiện tại chỉ có đoạn từ bờ biển đến Nairobi đã hoàn thành. 

Trung Quốc do dự trong việc tài trợ khoản tiền lớn, lo ngại rằng Kenya đang đứng trước nguy cơ ngập trong nợ. Doanh thu từ tuyến đường này được cho là sẽ hoàn trả khoản vay 3,6 tỷ USD ban đầu, nhưng nhiều ý kiến cho rằng lợi nhuận sẽ không thể thu về trong một khoảng thời gian dài.

RWR Advisory Group báo cáo rằng Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đã rút lại quyết định tài trợ một dự án năng lượng mặt trời khổng lồ do các khoản nợ khổng lồ đã tồn tại từ rất lâu của chính phủ Zimbabwe.

4. Việc tái khởi động có thuyết phục được quốc gia nào hay không?

Năm 2019, Italy đã trở thành quốc gia G7 đầu tiên ký biên bản ghi nhớ gia nhập BRI, bất chấp áp lực từ những nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Sau 6 năm tranh cãi, Nga cũng lặng lẽ phê duyệt dự án đầu tiên dành riêng cho BRI: một tuyến đường thu phí nối liền Kazakhstan với Belarus - nơi giáp với biên giới Ba Lan và 2 nước thành viên EU khác.

Diễn đàn BRI thứ 2 đã thu hút khoảng 30 lãnh đạo trên thế tham gia, số lượng lớn hơn lần đầu tiên. Tuy nhiên, các quốc gia lớn ở châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc lại không tham dự, Mỹ, Đức, Anh và Pháp cũng vậy.

5. Trung Quốc đang nỗ lực làm điều gì?

Trung Quốc đang cố gắng thuyết phục những ý kiến vốn hoài nghi bằng một khuôn khổ được gọi là hợp tác thị trường bên thứ ba, về cơ bản là một thoả thuận để cân nhắc về việc hợp tác cùng nhau trong các dự án cơ sở hạ tầng cụ thể mà không thực sự "gán mác" BRI. Trung Quốc hy vọng mối quan hệ đối tác như vậy sẽ cho phép họ tiếp cận được nhiều hơn với công nghệ và chuyên môn của phương Tây, giảm rủi ro tài chính và xoá bỏ những cáo buộc rằng Trung Quốc đang cố gắng mở rộng tầm ảnh hưởng.

Nhật Bản, Úc, Pháp, Singapore, Tây Ban Nha, Hà Lan, Bỉ và Áo đã ký các hiệp ước của bên thứ ba này. Tuy nhiên, dường như họ lại không được hưởng lợi nhiều từ đó. Một báo cáo năm 2018 của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho thấy trong số các bên tham gia những dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc tài trợ, 89% là các công ty Trung Quốc, 7,6% các công ty "của bên thứ ba" đến từ địa phương và chỉ 3,4% là nước ngoài. Trở ngại của các công ty đa quốc gia tham gia bao gồm: không dễ dàng khi tiếp cận thị trường, thiếu các hợp đồng được tiêu chuẩn hoá, quy tắc thu mua minh bạch và các biện pháp bảo vệ chống tham nhũng.

6. Bức tranh toàn cảnh của Trung Quốc

So với năm 2013, khi BRI mới được công bố, Trung Quốc đang phải đối mặt với môi trường kinh tế khó khăn hơn. Tăng trưởng kinh tế của nước này đã ghi nhận tốc độ yếu nhất ít nhất là kể từ năm 1992. Các nhà hoạch địch chính sách của Trung Quốc đang nghiêng về vấn đề chi tiêu cho các dự án cơ sở hạ tầng kích thích nền kinh tế nhiều hơn, điều này có thể hạn chế việc cho các quốc gia nước ngoài vay tiền.

Đồng thời, những bất ổn địa chính trị ngày một gia tăng, đáng chú ý nhất là căng thẳng với Mỹ. Nhưng Trung Quốc có những lý do khác để tiến lên phía trước, bao gồm mong muốn hội nhập và phát triển tốt hơn ở các tỉnh miền Tây xa xôi và đa dạng hoá tuyến đường nhập khẩu năng lượng.

7. Trung Quốc đã chi bao nhiêu?

Khó có thể xác định chính xác, kể cả đối với Bắc Kinh. Theo số liệu thống kê chính thức, các công ty Trung Quốc đã đầu tư trực tiếp hơn 80 tỷ USD vào BRI tính đến cuối năm 2018. Tuy nhiên, khoản tiền trên chưa bao gồm tiền từ ngân hàng chính sách và những thể chế nhà nước khác như Quỹ Con đường Tơ lụa. WB năm 2019 đã thống kê các khoản đầu tư của BRI đạt 575 tỷ USD, hầu hết trong số đó vẫn đang trong giai đoạn xây dựng hoặc lên kế hoạch. Gần một nửa tổng số tiền đó được đổ vào năng lượng và 1/4 vào giao thông vận tải.

Hương Giang

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên