MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc 'trả giá đắt' vì mục tiêu 'thịnh vượng chung': Kinh tế trì trệ nhất trong 3 thập kỷ

16-11-2021 - 12:33 PM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc 'trả giá đắt' vì mục tiêu 'thịnh vượng chung': Kinh tế trì trệ nhất trong 3 thập kỷ

Theo dự đoán của các ngân hàng lớn trên thế giới, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc ở mức chậm nhất kể từ năm 1990. Đây có thể là hệ quả mà Chủ tịch Tập Cận Bình sẵn sàng chấp nhận khi giảm sự phụ thuộc vào lĩnh vực bất động sản.

Các ngân hàng đồng loạt đưa ra dự báo tiêu cực

Động thái siết chặt quy định của Bắc Kinh đối với lĩnh vực bất động sản sẽ còn tiếp tục trong những năm tới và xa hơn thế. Theo đó, các ngân hàng như Goldman Sachs, Nomura và Barclays đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc vào năm 2022 xuống dưới 5%.

So với mức tăng trưởng của năm ngoái 7%, khi đại dịch hoành hành, đây sẽ là con số thấp nhất trong hơn 3 thập kỷ. Với vị thế là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, tăng trưởng giảm tốc cho thấy nhu cầu hàng hóa đối với các quốc gia như Australia và Indonesia đang giảm dần, chi tiêu tiêu dùng trong nước đi xuống – vốn đóng góp vai trò quan trọng cho những công ty đa quốc gia từ Apple đến Volkswagen.

Các nhà kinh tế nhận thấy, Bộ Chính trị Trung Quốc đã rất nghiêm túc khi đưa thông báo sẽ không phụ thuộc vào lĩnh vực bất động sản để thúc đẩy nền kinh tế như những đợt suy thoái trước đây. Giới chức nước này cho rằng, nguồn cung nhà ở dư thừa là mối đe dọa đối với sự ổn định của nền kinh tế. Ngoài ra, họ muốn tăng đầu tư vào các lĩnh vực được ưu tiên như sản xuất công nghệ cao thay vì địa ốc.

Trung Quốc trả giá đắt vì mục tiêu thịnh vượng chung: Kinh tế trì trệ nhất trong 3 thập kỷ - Ảnh 1.

Tăng trưởng của hoạt động đầu tư trong lĩnh vực bất động sản: khu vực các dự án nhà ở đã hoàn thiện và khởi công.

Rob Subbaraman – nhà kinh tế trưởng của Nomura, ước tính tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm tới là 4,3% từ mức 7,1% trong năm 2021. Theo ông, xu hướng này "có thể khiến tăng trưởng của kinh tế toàn cầu giảm khoảng 0,5 điểm phần trăm". Ông nói, Bắc Kinh sẵn sàng "hy sinh đà tăng trưởng ngắn hạn để có được sự ổn định lâu dài hơn."

Chi tiêu tiêu dùng sụt giảm cũng là một lực cản khác với nền kinh tế. Trung Quốc cho đến nay vẫn gắn bó với mục tiêu "zero Covid", tiếp tục thực hiện những biện pháp cách ly và kiểm soát dịch nghiêm ngặt. Do đó, người tiêu dùng bị ảnh hưởng và nhiều hộ kinh doanh phải đóng cửa.

Tao Wang – nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại UBS, cho biết: "Trong trường hợp chính sách zero Covid hoặc đợt suy thoái của lĩnh vực bất động sản vẫn kéo dài, tăng trưởng GDP năm 2022 có thể giảm xuống 4%."

"Cái giá" của việc phụ thuộc quá nhiều vào bất động sản

Lĩnh vực bất động sản là dấu hỏi lớn nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc vì qui mô quá lớn. Dữ liệu chính thức cho thấy, hơn 900 triệu m2 căn hộ được xây dựng mỗi năm. Các nhà kinh tế ước tính, khoản đầu tư này cùng sản lượng của các lĩnh vực liên quan, như sản xuất thép và xi măng, đóng góp khoảng 20-25% GDP Trung Quốc.

Do đó, sự đình trệ của lĩnh vực bất động sản sẽ để lại khoảng trống lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc. Không một lĩnh vực nào có thể dễ dàng bù đắp được những tác động đó.

Larry Hu – nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie, cho hay: "Cuộc khủng hoảng của lĩnh vực bất động sản Trung Quốc là ‘cơn gió ngược’ lớn đối với kinh tế toàn cầu. Nguyên nhân là bởi đây cũng là lực cản lớn nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc trong năm tới."

Hoạt động xây dựng bất động sản đã thúc đẩy sự hồi phục hình chữ V của Trung Quốc sau đại dịch. Tuy nhiên, lĩnh vực này đã "đi lùi" vào mùa hè năm nay, khi Bắc Kinh điều chỉnh quy định cho vay thế chấp, khiến các nhà phát triển như Evergrande gần như phá sản. Trong bối cảnh đó, tâm lý bi quan ngày càng bao trùm lĩnh vực bất động sản khiến doanh số sụt giảm mạnh.

Theo Rosealea Yao của Gavekal Dragonomics, dù PBOC thông báo hoạt động cho vay thế chấp tăng nhẹ vào tháng 10, thì chính phủ vẫn không vội thúc đẩy ngay cả khi sự hỗn loạn bắt đầu xảy ra. Thông báo gần đây của Bắc Kinh về việc thí điểm áp thuế bất động sản là để ngăn chặn hành động mua nhà đầu cơ. Yao nhận định, động thái này sẽ càng ảnh hưởng đến tâm lý người mua bất động sản.

Do đó, nhiều nhà kinh tế dự đoán số nhà ở mới sẽ giảm 10% vào năm tới. Tuy nhiên, vì Bắc Kinh lo ngại về rủi ro đối với sự ổn định xã hội nếu các nhà phát triển không thể hoàn thiện các dự án đã bán trước, giới chức nước này sẽ nỗ lực đảm bảo các dự án hiện tại được hoàn thiện. Do đó, hoạt động đầu tư vào lĩnh vực bất động sản có thể tăng trong năm tới dù doanh số bán nhà và khởi công đi xuống.

Morgan Stanley dự kiến tăng trưởng đầu tư lĩnh vực bất động sản tăng 2% trong năm tới, giảm mạnh so với mức trước đại dịch là 8%. UBS lại có dự báo tiêu cực hơn với mức giảm 5%. Theo Goldman Sachs, cuộc khủng hoảng của thị trường địa ốc Trung Quốc có thể khiến tốc độ tăng trưởng GDP nước này giảm 1 điểm phần trăm mỗi năm cho đến năm 2025.

Dù nắm nhiều quyền kiểm soát với thị trường nhà ở, nhưng sự suy thoái này vẫn bị thúc đẩy bởi một số yếu tố khác mà Bắc Kinh khó có thể chủ động điều chỉnh. Do đó, sự suy thoái của lĩnh vực này thậm chí còn căng thẳng hơn so với một số dự báo tiêu cực trước đó. Ví dụ, các hộ gia đình Trung Quốc có xu hướng ít mua bất động sản khi giá xuống, điều này có thế doanh số và giá giảm mạnh hơn.

Theo Logan Wright đến từ Rhodium Group, nếu Bắc Kinh nghiêm túc trong việc giải quyết tình trạng mất cân bằng trên thị trường bất động sản, họ sẽ yêu cầu "giảm tải hoạt động xây dựng trong nhiều năm". Do đó, nền kinh tế sẽ chậm lại do ảnh hưởng của lĩnh vực bất động sản. Ông nói: "Phần lớn vẫn phụ thuộc vào những động thái của Bắc Kinh trong vài tháng tới."

Tham khảo Bloomberg

Vu Lam

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên