Trung Quốc trồng thì thất bại nhưng loại quả này lại giúp nông dân Việt Nam thu về hàng tỷ đồng mỗi năm
Những hộ nông dân có thu nhập hàng chục tỷ đồng nhờ vườn trái cây này tại Việt Nam không phải là chuyện hiếm thấy.
- 26-06-2023Tò mò quả đặc sản phiên bản 'nhà giàu' mới ra mắt
- 26-06-2023Mít ruột đỏ đã hết "độc lạ"
- 25-06-2023Xuất khẩu sầu riêng Thái Lan sang Trung Quốc tăng vọt nhờ giao thông
Theo SCMP, Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 824.000 tấn sầu riêng tươi trị giá hơn 4 tỷ USD vào năm ngoái, tăng gấp 4 lần so với năm 2017. Trong bối cảnh loại trái cây nhiệt đới này ngày càng được ưa chuộng, đảo Hải Nam (Trung Quốc) đã tiến hành trồng thử nghiệm loại quả này, nhằm giảm giá thành sản phẩm, phục vụ nhu cầu tăng cao trong nước.
Tam Á, thành phố cực Nam của đảo Hải Nam, dự kiến sẽ thu hoạch 93 ha sầu riêng vào tháng 6 năm nay. Tổng sản lượng được dự báo là 2.450 tấn, với giá trị ước tính là 140 triệu nhân dân tệ (20,5 triệu USD).
Tuy nhiên, mùa sầu riêng đầu tiên đã thất bại tại Trung Quốc. Sản lượng sầu riêng ước tính chỉ đạt 50 tấn, tức 0,005% tổng lượng sầu riêng tiêu thụ ở Trung Quốc trong năm nay. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu 2.450 tấn được đặt ra trước đó.
Trong khi vụ sầu riêng đầu tiên của Trung Quốc có sản lượng gây thất vọng thì tại Việt Nam, mặt hàng này tiếp tục trở thành thế mạnh xuất khẩu trong nước.
Từ tháng 9/2022, sầu riêng của Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường tỷ dân này. Trong tháng 5/2023, trị giá xuất khẩu quả sầu riêng đạt mức cao nhất từ trước tới nay, với 332 triệu USD. Tính chung 5 tháng đầu năm, trị giá xuất khẩu quả sầu riêng đạt 503,4 triệu USD, tăng 475,8 triệu USD, gấp hơn 18 lần so với con số 27,6 triệu USD của cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, Trung Quốc mua gần như toàn bộ sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam, với giá trị kim ngạch lên tới 477 triệu USD, chiếm 95% tổng giá trị xuất khẩu của nhóm hàng này. Dự báo năm nay, Việt Nam có thể thu về 1 tỷ USD từ xuất khẩu sầu riêng.
Tại Việt Nam, khu Vực Tây Nguyên là thủ phủ trồng sầu riêng. Trong đó, Đắk Lắk và Lâm Đồng là 2 địa phương trồng nhiều sầu riêng nhất. Loại quả này cũng đem lại nguồn thu nhập khổng lồ, lên đến hàng tỷ đồng cho bà con nông dân.
Đến Lâm Đồng, đặc biệt là huyện Đạ Huoai và một số địa phương trên địa bàn huyện Đạ Tẻh thời gian này, có thể thấy được không khí phấn khởi của bà con nông dân khi sầu riêng được mùa, lại được cả giá. Đang vào thời điểm chính vụ, giá sầu riêng vẫn neo ở mức cao chưa từng có với 65.000 - 70.000 đồng/kg đối với giống Dona và 45.000 - 50.000 đồng/kg với giống Ri6.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Đạ Huoai, toàn huyện đang có 5.980 ha sầu riêng, trong đó diện tích thu hoạch đạt 3.501,8 ha. Còn tại huyện Đạ Tẻh hiện đang có khoảng 2.000 ha sầu riêng, trong đó có khoảng 900 ha cho thu hoạch tập trung tại các xã Mỹ Đức, Đạ Lây, Quốc Oai và Đạ Kho.
Bà con nông dân cho biết, giá sầu riêng năm nay đã tăng từ 8.000 - 15.000 đồng/kg so với năm ngoái. "Gia đình tôi có 7 ha sầu riêng, dự tính năm nay thu từ 110 – 120 tấn. Tính giá bán bình quân 55.000 đồng/kg sẽ mang lại cho gia đình nguồn thu khoảng 6,5 tỷ đồng. Trồng sầu riêng hơn 10 năm nay, đây là năm đầu tiên gia đình tôi có được nguồn thu nhập lớn như vậy", bà Nguyễn Thị Thúy Vân (ngụ tại Thôn 1, xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai) chia sẻ trên tờ báo Lâm Đồng.
Bà Nguyễn Thị Hải (ngụ tại xã Hà Lâm) có 3,5 ha sầu riêng Dona. Năm ngoái, với diện tích này, gia đình bà thu được hơn 2,5 tỷ đồng nhưng năm nay, bà chốt vườn bán cho thương lái với giá 4 tỷ đồng.
Gia đình bà Vân và bà Hải không phải là trường hợp duy nhất tại đây có nguồn thu nhập khổng lồ từ việc trồng sầu riêng. Ông Nguyễn Trọng Bằng – Phó Chủ tịch UBND xã Hà Lâm cho biết, bình quân, mỗi hộ trồng sầu riêng tại địa phương ước đạt nguồn thu nhập từ 1,2 – 1,5 tỷ đồng. Đặc biệt, toàn xã có đến hàng chục hộ dân có nguồn thu từ 4 – 12 tỷ đồng từ sầu riêng.
Cùng với những gia đình trồng sầu riêng, những công việc phụ trợ phục vụ cho việc thu hoạch trái cây như hái sầu riêng, chở sầu riêng cũng phát triển mạnh trong thời gian này. Trung bình, những người lao động từ các tỉnh miền Tây và khu vực Tây Nguyên đến thu hoạch sầu riêng, với mức thu nhập từ 700.000 - 1,2 triệu đồng/ngày.
Việc sầu riêng được giá kéo theo nhiều hộ nông dân mở rộng diện tích tự phát, tùy tiện chặt phá hoặc chuyển đổi các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng.
Đến nay, theo thống kê chưa đầy đủ, tổng diện tích cây sầu riêng của cả nước đã đạt hơn 100.000ha, vượt xa 75.000ha định hướng đến năm 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và diện tích loại cây này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Để ngăn chặn tình trạng diện tích trồng sầu riêng tăng "nóng", mới đây, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã khuyến cáo các địa phương ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ kiểm soát diện tích cây sầu riêng, không để diện tích loại cây trồng này tăng "nóng".
Nhịp sống thị trường