Trung Quốc từng bán 1 quả vải giá 1,8 tỷ đồng: Đắt 'cắt cổ' vẫn cháy hàng
'Sau khi ăn những quả vải này, tôi sẽ có được siêu năng lực nào đó ư?' - Một cư dân mạng Trung Quốc cảm thán trước mức giá đắt đỏ của loại vải đặc biệt.
- 16-05-2023Đi làm quần quật 10 tiếng, tối về cặm cụi gọt măng cụt trộn gỏi gà: Ai đầu têu trend này 'báo' quá!
- 15-05-2023Tăng Thanh Hà trong mắt bạn bè: Không chỉ là "nàng dâu hào môn" mà còn có điều đáng ngưỡng mộ hơn
- 14-05-2023Khách Tây bình chọn 40 món sợi ngon nhất thế giới: 5 đặc sản nổi tiếng của Việt Nam được vinh danh
Đắt ngang xe Mercedes-Benz
Vải thiều Gia Lục, đặc sản đến từ miền nam Trung Quốc, được xem là một trong những loại trái cây đắt nhất thế giới. Chúng thường không được bán theo cân mà bán theo quả.
Trong một cuộc đấu giá năm 2002, 1 quả vải thiều Gia Lục nặng 14g từng được bán với mức giá kỷ lục lên tới 550.000 NDT (khoảng 1,8 tỷ đồng vào thời điểm đó), tương đương với 1 chiếc Mercedes-Benz.
Sở dĩ quả vải đó có mức giá "cắt cổ" như vậy là do nó thuộc diện "quý hiếm", được hái từ cây mẹ mang tên Xiyuangualu, ước tính hơn 400 năm tuổi.
Theo tờ ThePaper.cn, loại vải đặc biệt này chỉ được trồng ở Tăng Thành, một quận của thành phố Quảng Châu, thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Đặc điểm nhận biết là vỏ ngoài trái vải có 2 màu đỏ - xanh lá cây theo tỷ lệ 6:4, giữa thân quả vải có thêm một đường màu xanh lá cây. Khi ăn, vải Gia lục rất mọng nước, có vị ngọt thanh, thịt quả giòn và hạt rất bé. Chính vì những điểm độc đáo như vậy nên theo tờ Sohu, vải Gia lục được ví von như "bảo vật" của Tăng Thành.
Năm 2022, theo tờ WeekinChina, vải Gia lục một lần nữa gây chú ý khi lập kỷ lục mới về giá bán. Chưa bàn tới những quả vải thuộc hàng quý hiếm như trên, vải Gia lục hàng loại 2, loại 3 đã được bán với giá khoảng 365 triệu đồng/kg.
Cư dân mạng cảm thấy rất sốc trước giá bán này. Một người bình luận: "Sau khi ăn những quả vải này, tôi sẽ có được siêu năng lực nào đó ư?".
ThePaper.cn cho hay, những quả vải Gia lục sẽ được đựng trong những chiếc hộp được bọc cẩn thận, biểu thị địa vị xa xỉ của chúng. Đáng nói, bất chấp mức giá "cắt cổ", vải Gia lục vẫn không hề thiếu người mua. Tất cả vải thiều Gia lục đã được bán hết sạch trong vòng 2 ngày tại một sự kiện giới thiệu diễn ra ở Bắc Kinh năm 2022.
Cực kỳ quý hiếm
"Vải Gia Lục cực kỳ quý hiếm và phải được thu hoạch gần như ngay lập tức khi chín nên rất khó dự đoán thời gian giao hàng. Vải thường chín vào cuối tháng 6, phải đặt trước mới có hàng giao" - một tiểu thương cho hay.
"Dự kiến đến cuối tháng 7 sẽ không còn nguồn cung. Loại vải này hiếm tới mức ngay cả người dân ở Tăng Thành cũng chưa chắc được nếm thử. Hầu như tất cả vải thu hoạch được đều đem rao bán" - người này cho biết thêm.
Vải thiều lần đầu tiên xuất hiện trong các ghi chép lịch sử ở Trung Quốc vào khoảng 2.200 năm trước, khi loại trái cây mùa hè này được dâng lên cho Lưu Bang - Hoàng đế sáng lập nên triều đại nhà Hán.
Vải thiều cũng rất phổ biến với các Hoàng đế trong triều đại nhà Đường (từ năm 618 đến 907). Họ đã thiết lập một hệ thống giao hàng phức tạp, cho phép vận chuyển vải thiều từ phía nam của đất nước đến triều đình ở Trường An (Tây An ngày nay). Dương Quý Phi, sủng phi của Đường Huyền Tông, cũng là một người hâm mộ nồng nhiệt loại trái cây này.
Một số quả vải thuộc diện "hàng hiếm" được cho là xuất phát từ một điển tích thời nhà Thanh. Theo đó, các quan chức địa phương vì quá nóng lòng đưa vải thiều dâng cho Hoàng đế nên họ đã gây áp lực để nông dân phải trồng chúng. Vì quá bức xúc, những người nông dân tại đây đã đốt sạch cây vải thiều trong vùng, tương truyền chỉ có 1 cây còn sống sót.
Người ta cho rằng hiện có tổng cộng 4.000 cây vải thiều Gia lục ở Tăng Thành nhưng hầu hết đều nhân giống từ nhánh của cây vải duy nhất còn sót lại đó.
Chính quyền Tăng Thành thường tổ chức các cuộc đấu giá từ thiện cho loại trái cây "được thèm muốn" hàng đầu thế giới này, họ bán những quả vải đến từ "cây mẹ" với giá cao nhất. Quả vải được bán giá 1,8 tỷ đồng ở trên đã phá kỷ lục Guinness vào thời điểm đó.
Khi giá vải thiều Gia lục tăng cao, nông dân Trung Quốc háo hức kiếm tiền từ cơn sốt. "Trong bối cảnh mức thu nhập của người dân được cải thiện, nhu cầu đối với các sản phẩm nông nghiệp tăng lên nhanh chóng. Một số người tiêu dùng khao sát sự mới lạ và điều đó thường đi kèm với mức giá cao" - ông Qiao Jinliang, một nhà kinh tế, nhận định.
Phụ nữ Việt Nam