Trung Quốc vì Trung Quốc: Chiến thuật mới giúp các tập đoàn lớn sinh tồn mà không phải dịch chuyển nhà máy
Theo tờ FT, Phương Tây đang chưa biết làm thế nào để hạn chế sức mạnh công xưởng Trung Quốc.
- 26-09-2023Xây cầu…cao ngang tòa nhà 100 tầng, chi phí khủng lên tới 7,3 nghìn tỷ, Trung Quốc khiến thế giới ngỡ ngàng với ‘công trình vượt cạn’ hàng đầu thế giới
- 26-09-2023Xuất khẩu gạo của Trung Quốc sang Bờ Biển Ngà đạt kỷ lục sau lệnh cấm của Ấn Độ
- 26-09-2023Việt Nam phản đối Trung Quốc lắp đặt trạm nhận dạng tàu thuyền ở Hoàng Sa
Tờ Financial Times (FT) cho hay Phương Tây liên tục có những tuyên bố nhằm kìm hãm đà bùng nổ của “công xưởng” Trung Quốc, thế nhưng vẫn chưa có một chiến lược cụ thể dài hạn nào được xây dựng mà hầu hết chỉ là động thái phản ứng nhất thời.
Minh chứng điển hình nhất là chỉ một số ít các doanh nghiệp của Mỹ như Hasbro tuyên bố dịch chuyển nhà máy hoàn toàn khỏi Trung Quốc, còn lại phần lớn công ty Phương tây vẫn rất cân nhắc với chiến lược này bất chấp lời kêu gọi của chính phủ.
Một số doanh nghiệp chỉ dịch chuyển phần nhỏ, số khác thì đầu tư “cho có” tại các thị trường khác để tránh bị chỉ trích, trong khi số khác nữa thì lách luật bằng cách tuyên bố nhà máy tại Trung Quốc chỉ sản xuất phục vụ thị trường nội địa.
“Châu Âu vẫn đang nghĩ làm thế nào để hạn chế sự bành trướng của ngành sản xuất Trung Quốc nhưng phần lớn vẫn chỉ nằm trên lý luận. Trong năm qua đã có rất nhiều cuộc thảo luận về việc dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc nhưng vấn đề là điều này sẽ phải mất vài năm để có thể xây dựng một chuỗi cung ứng mới hoàn toàn thay thế được mạng lưới cũ”, chuyên gia Agathe Dmarais của Hội đồng quan hệ quốc tế Châu Âu (ECFR) nhận định.
Khó khăn
Báo cáo của Phòng thương mại Châu Âu (EuroCham) tại Trung Quốc cho thấy 11% số doanh nghiệp ở đây đã bắt đầu dịch chuyển sản xuất khỏi thị trường này, khoảng 22% nữa đang xem xét.
Lần đầu tiên kể từ năm 2016, số doanh nghiệp có ý định mở rộng sản xuất trong năm 2023 tại Trung Quốc chưa đạt đến nổi 50%.
Tương tự, khảo sát từ Phòng thương mại Mỹ (AmCham) chi nhánh Trung Quốc cho thấy 12% doanh nghiệp nước này đã bắt đầu dịch chuyển và 12% nữa đang xem xét.
“Phần lớn các công ty hiện nay chẳng có lựa chọn nào lý tưởng ngoài Trung Quốc. Thế nhưng họ vẫn phải đưa ra một chiến lược dịch chuyển nhằm đối phó với tình hình rủi ro tăng cao hiện nay”, chuyên gia Trey McArver của hãng Trivium China nhận định.
Những tập đoàn lớn như Apple và Intel đã bắt đầu dịch chuyển một phần chuỗi cung ứng của mình sang các thị trường khác như Ấn Độ và Đông Nam Á với tên gọi “Trung Quốc +1”.
Thế nhưng sự dịch chuyển này còn rất nhỏ và phải mất vài năm mới có thể đạt được mức sản lượng và khả năng cung ứng như mong muốn.
Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp lại thực hiện chiến lược “Trung Quốc vì Trung Quốc”, qua đó biến các nhà máy tại thị trường này thành nơi sản xuất chỉ cho nội địa.
Đây là bài toán khả thi khi Trung Quốc chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng doanh thu nhiều tập đoàn quốc tế.
Minh chứng rõ ràng nhất là việc Volkswagen tiếp tục đổ 4 tỷ Euro đầu tư cho Trung Quốc khi thị trường này chiếm một nửa lợi nhuận của hãng, bất chấp các doanh nghiệp xe điện nội địa đang bành trướng lấn át thương hiệu ô tô Đức.
“Khoản đầu tư này sẽ giúp bộ phận kinh doanh tại Trung Quốc có quyền tự chủ lớn nhất từ trước đến nay, biến nơi đây thành một trụ sở thứ 2 của tập đoàn”, thành viên ban điều hành Ralf Brandstatter của Volkswagen tại Bắc Kinh nhấn mạnh.
Trung Quốc vì Trung Quốc
Chiến lược “Trung Quốc vì Trung Quốc” (China for China) đang ngày càng được nhiều tập đoàn áp dụng khi chính bản thân khách hàng ở nước này cũng không muốn sản phẩm bị phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố nước ngoài, qua đó tránh bị gián đoán trong tương lai vì các biến động chính trị.
Hãng sản xuất chip STMicroelectronics của Italy đã bắt đầu tách mảng kinh doanh tại Trung Quốc của mình ra riêng kể từ năm 2021.
Bất kể là từ quản lý nhân viên, tiền lương, cấu trúc cho đến những hoạt động chiến lược quảng bá khác nhằm tránh bị ảnh hưởng vì xung đột thương mại hiện nay.
Nguồn tin thân cận của FT cho hay mục đích của động thái này là nhằm dễ kinh doanh ở Trung Quốc hơn bất chấp các lệnh cấm và lời kêu gọi từ chính phủ.
Đợt tuyển dụng nhân viên địa phương đã được bắt đầu từ trong đại dịch khi mảng kinh doanh của Trung Quốc được tách biệt với công ty mẹ.
Tương tự, hãng tư vấn McKinsey cùng Boston Consulting Group đã phải tách đội ngũ công nghệ thông tin ở Trung Quốc ra khỏi hệ thống chung nhằm đáp ứng được các yêu cầu về bảo mật mà chính phủ đưa ra.
Để tuân theo các quy định mới từ chính quyền Bắc kinh, những công ty này đã phải xây dựng một đội vận hành công nghệ mới ở Trung Quốc và dùng một nền tảng khác dù chúng sẽ gây khó khăn so với hoạt động kinh doanh lúc trước.
“Trung Quốc đang dần trở thành một thị trường đặc biệt”, giám đốc Duncan Clark của hãng tư vấn BDA China cũng phải thừa nhận.
*Nguồn: FT
Nhịp sống thị trường