MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc xoa dịu "cơn khát đậu tương" bằng sản lượng kỷ lục ở quê nhà: Tại sao họ chưa thể "kê cao gối ngủ"?

10-02-2023 - 10:18 AM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc xoa dịu "cơn khát đậu tương" bằng sản lượng kỷ lục ở quê nhà: Tại sao họ chưa thể "kê cao gối ngủ"?

Trang tin Baijiahao (Trung Quốc) mới đây đưa tin, sản lượng đậu tương năm 2022 của Trung Quốc đã đạt 20,28 triệu tấn, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm trước, đây là lần đầu tiên sản lượng đậu tương của nước này vượt quá 20 triệu tấn. Tuy nhiên, bài toán an ninh lương thực của Trung Quốc không vì thế mà được giải.

Diện tích trồng đậu tương vượt 10 triệu hecta, tăng 1,8 triệu hecta so với năm 2021, tương đương 21%, đây là năm mà Trung Quốc có diện tích trồng đậu tương lớn nhất kể từ năm 1958.

Tuy nhiên, dữ liệu thống kê có liên quan cho thấy, tỷ lệ tự trồng đậu tương năm 2022 của Trung Quốc chỉ đạt 18,5%. Điều này cũng có nghĩa là tỷ lệ nhập khẩu đậu tương trong năm vừa qua của Trung Quốc lên tới 81,5% và khoảng cách giữa nguồn cung trong nước và nguồn cung nhập khẩu vẫn còn rất lớn. Nếu tính dựa trên năng suất đậu tương trên mỗi hecta đất ở trên, Trung Quốc cần hơn 53 triệu hecta đất để trồng đậu tương đủ đáp ứng nhu cầu trong nước.

Trang tin Baijiahao nhận định, Trung Quốc tuy là một nước lớn nhưng diện tích đất canh tác có thể mở rộng không nhiều, diện tích đất canh tác hiện tại của nước này là 128 triệu hecta. Nếu trồng đậu tương chiếm 53 triệu hecta đất và còn cần khoảng 6,7 triệu hecta đất để trồng các loại rau, thì diện tích đất trồng các loại lương thực khác sẽ giảm đi rất nhiều, sản lượng cũng giảm theo, dẫn đến việc Trung Quốc phải nhập khẩu nhiều lương thực hơn.

Năm 2022, sản lượng lương thực có hạt của Trung Quốc đạt 687 triệu tấn, với dân số 1,412 tỷ người, bình quân lương thực có hạt đạt 486 kg/người. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn phải nhập khẩu 147 triệu tấn lương thực, với mức nhập khẩu bình quân là 104 kg/người. Nói cách khác, mỗi người dân Trung Quốc cần ít nhất 590 kg lương thực để đáp ứng nhu cầu hiện tại.

Năm 2021, tổng lượng tiêu thụ lương thực của Trung Quốc là 825 triệu tấn. Trong đó, lương thực mà người dân tiêu thụ chiếm 37%, lương thực dùng trong chăn nuôi chiếm 29,3%, lương thực xay xát chiếm 11,4%, lương thực dùng trong công nghiệp chiếm 15,6%, và sẽ có một số lượng lương thực tổn thất nhất định trong các công đoạn, cũng như lương thực dùng cho những mục đích khác chiếm 6,7% còn lại.

Trung Quốc xoa dịu cơn khát đậu tương bằng sản lượng kỷ lục ở quê nhà: Tại sao họ chưa thể kê cao gối ngủ? - Ảnh 1.

Năm 2022, sản lượng lương thực có hạt của Trung Quốc đạt 687 triệu tấn. Ảnh: Baidu

Theo trang tin Baijiahao, vì an ninh lương thực của một quốc gia, trước tiên phải đảm bảo người dân ăn đủ no, điều này dễ thực hiện. Bởi vì hiện tại số lượng người làm công việc chân tay nặng nhọc đã ít hơn trước, hầu hết mọi người thường không thể ăn quá nhiều thức ăn trong mỗi bữa, nhưng nhu cầu về thịt lại rất cao.

Để đảm bảo nguồn cung cấp thịt phải sử dụng một lượng lớn lương thực cho chăn nuôi, nếu giảm tổng lượng lương thực tất yếu sẽ dẫn đến không đủ nguồn thịt cung cấp. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã phải nhập khẩu 7,4 triệu tấn thịt và 648,1 tấn dầu thực vật trong năm 2022.

Trang tin Baijiahao nhận định, Trung Quốc hiện không thể tự cung tự cấp đậu tương. Có hai yếu tố chính: một là đất canh tác có thể mở rộng của nước này không đủ, hai là sản lượng đậu tương thực sự quá thấp.

Nếu Trung Quốc muốn mở rộng diện tích đất canh tác, trừ khi trong tương lai phát triển thêm các công trình thủy lợi, chẳng hạn như công trình dẫn nước vào Tân Cương và công trình tuyến phía Tây của Dự án dẫn nước từ Nam ra Bắc… để tăng diện tích đất canh tác.

Một vấn đề khác là cần tăng cường nghiên cứu khoa học để nâng cao năng suất, bởi năng suất đậu tương bình quân hiện tại của Trung Quốc chỉ là hơn 2000 kg/hecta, một mức năng suất quá thấp.

Hữu Hiển

Nhịp Sống Kinh Tế

Trở lên trên