Trung tâm hành chính tập trung: Đừng để dân thấy mình nhỏ bé
Đó là ý kiến của kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất khi nói đến chuyện Đà Nẵng “có vấn đề” về trung tâm hành chính (TTHC) cũng như phong trào xây dựng TTHC gần đây.
- 15-08-2016Trung tâm hành chính Đà Nẵng ngàn tỷ: Đã nghèo còn chơi sang
- 14-08-2016Trụ sở cũ các sở ngành của Đà Nẵng giờ ra sao?
- 13-08-2016Đà Nẵng chưa quyết định di dời Trung tâm hành chính 2.000 tỷ
“Trụ sở cơ quan hành chính biểu trưng cho quyền lực, do vậy về thiết kế phải có những dấu hiệu nhận biết, tránh những kiểu thiết kế quá đặc trưng của địa phương, dẫn đến nhầm lẫn hoặc khó nhận diện
KTS NGUYỄN VĂN TẤT
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất nói:
- Đà Nẵng , Bình Dương xây TTHC là tòa nhà cao tầng hiện đại. Bà Rịa - Vũng Tàu là cụm các công trình hành chính gồm nhiều tòa nhà trong khuôn viên rộng. Điều này tùy thuộc vào quỹ đất, định hướng phát triển và ý tưởng của các địa phương.
Nhiều tỉnh mới phát triển đô thị thì quy hoạch trụ sở cơ quan công quyền dọc hai bên con đường chính, gọi là “trục hành chính đô thị”, nhưng các chuyên gia cũng cảnh báo hội chứng “trục đô thị tối đèn” vì trục đô thị này không có dân cư nên ngoài giờ hành chính thì vắng lặng, thiếu sức sống.
Chọn TTHC hay khu hành chính phải hết sức cân nhắc, điều này tùy thuộc vào chất lượng công tác quy hoạch để đảm bảo công trình có thể phù hợp sau vài chục năm. Muốn vậy, việc quy hoạch phải dựa trên cơ sở khoa học, không bị chi phối bởi các suy nghĩ chủ quan, nhất là từ cấp lãnh đạo.
Tòa nhà trung tâm hành chính TP Đà Nẵng - Ảnh: TẤN LỰC
* Nhiều địa phương có khu hành chính hoành tráng nhưng có vẻ đặt không đúng chỗ vì quá tương phản với khu dân cư xung quanh. Theo ông, về mặt kiến trúc quy hoạch có thể chấn chỉnh tình trạng này?
- Những đô thị lớn cần có những TTHC với diện tích vài hecta. Có những tỉnh thành ít dân, tiềm lực kinh tế chưa dồi dào nhưng lại có TTHC rộng hơn 10 lần, cá biệt gấp 60 lần so với TP.HCM. Điều này cho thấy chưa có chuẩn mực trong xây dựng các trụ sở hành chính.
Mặt khác, quy chuẩn diện tích sàn bình quân trụ sở hành chính áp dụng nhiều năm qua khoảng 12-15m2/CBNV, nhưng khi làm TTHC diện tích này tăng 2,5-3 lần (40m2/CBNV).
Điều này gây lãng phí vì TTHC tập trung thì diện tích sàn sử dụng trên mỗi CBNV giảm so với khi các trụ sở hành chính còn phân tán.
Lý giải cho những công trình hoành tráng, nhiều địa phương thường nói là làm một lần sử dụng nhiều năm. Như thế là chưa ổn.
Lẽ ra người ta phải làm thật tốt quy hoạch để theo thời gian sẽ xây dựng các trụ sở hành chính vừa với nhu cầu sử dụng và khả năng tài chính. Không thể dốc tiền làm hoành tráng, không những lãng phí mà còn phản cảm.
Khi nhìn tòa nhà TTHC của Đà Nẵng, Bình Dương, không ít người nói rằng cũng là cơ quan công quyền nhưng mỗi nơi mỗi khác, trong khi trước đây nhìn là biết đó là trụ sở tòa thị chính, tòa án, trường học...
Tòa nhà trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng - Ảnh: MAI VINH
* Đà Nẵng là đô thị lớn ở ven biển nên TTHC được thiết kế theo dạng ngọn hải đăng dẫn đường. Ý tưởng này đáp ứng nhu cầu của địa phương nhưng nếu cứ đà này thì có nguy cơ mỗi nơi sẽ có những kiểu TTHC hay khu hành chính có kiến trúc khác nhau theo những biểu tượng, đặc điểm của địa phương đó.
- Đúng là cần sự đa dạng về kiến trúc, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương nhưng phải có những dấu ấn để nhận diện đó là biểu tượng của cơ quan quyền lực.
Đã là biểu tượng của quyền lực thì về mặt kiến trúc không nên quá khác biệt, đặc biệt là gây nhầm lẫn với những cơ quan khác, ví dụ như giống nhà hát, khách sạn... đó là điều tối kỵ.
Cần lưu ý khu hành chính hay TTHC tập trung bao gồm cả UBND, HĐND, tỉnh ủy, đoàn đại biểu Quốc hội, các sở ban ngành, đoàn thể... Sự phức tạp về tính đa công năng dễ dẫn đến hai thái cực kiến trúc: hoặc vụn vặt hoặc khoác đồng phục đơn điệu cho nhiều tính chất công năng khác nhau.
Cho nên cần phân bậc công năng như trụ sở UBND, HĐND, tòa án... phải có biểu trưng của quyền lực, còn trụ sở của cơ quan văn hóa, thể thao phải tạo ra cảm giác tươi tắn...
Tòa nhà trung tâm hành chính tỉnh Bà Rịa - Ảnh: ĐÔNG HÀ
* Theo ông, trụ sở hành chính nên cao tầng hay thấp tầng?
- Điều này còn tùy thuộc vào đặc điểm của từng địa phương, quỹ đất ra sao... nhưng cao hay thấp đều có ưu và nhược điểm. Dù chọn khu hành chính hay TTHC cũng cần lưu ý đến sự thân thiện và tính hiệu quả. Đừng để người dân thấy mình nhỏ bé, rụt rè ở nơi những “công bộc”.
Về hiệu quả, việc vận hành tập trung một tòa nhà hoặc tổ hợp nhà siêu lớn như khu TTHC là lợi thế, giúp tiết kiệm tiền thuế của dân. Nhưng tòa nhà lớn cần bộ máy quản trị bảo trì bảo dưỡng, cần phải đầu tư hệ thống tòa nhà thông minh và quản trị chuyên nghiệp.
Tuổi trẻ