Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM: Không thể là viển vông?
Các chuyên gia kinh tế, tài chính nói gì về vấn đề phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế?
Sau gần 20 năm lỡ hẹn, một lần nữa vấn đề đưa TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế ngang tầm Hong Kong, Singapore được đặt ra.
Trung tuần tháng 7 vừa qua, TP.HCM đã tổ chức một hội thảo tập trung nhìn lại vấn đề này. BizLIVE giới thiệu ý kiến một số chuyên gia kinh tế, tài chính tại hội thảo.
“Tô đậm” vai trò của chính quyền TP.HCM trong phát triển thị trường tài chính
Ông Trần Đắc Sinh, nguyên Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE)
Về cơ bản, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đã có đầy đủ những cấu phần cần thiết của một trung tâm tài chính, nhưng tính kết nối thị trường tài chính vẫn chưa thông suốt với thế giới. Các hoạt động xuyên biên giới vẫn đòi hỏi những thủ tục tương đối phức tạp. Hạ tầng viễn thông và internet tuy đã phát triển nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường tài chính.
Hệ thống tài chính của Việt Nam đang phát triển theo hướng mất cân đối trong cấu trúc, trong đó thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu chưa phát triển cân xứng với thị trường tín dụng, gây sức ép lên hoạt động cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng , trong khi hệ thống tài chính ở các nước có trung tâm tài chính lớn thường phát triển đồng đều hơn.
Ở các quốc gia có hệ thống tài chính phát triển như Singapore hay Hong Kong, thị trường vốn chiếm tỉ trọng rất lớn, hoạt động rất nhộn nhịp; như Singapore thị trường cổ phiếu chiếm khoảng 149,8% GDP và thị trường trái phiếu chiếm 79,3% GDP.
Vấn đề quan trọng là vai trò mờ nhạt của TP.HCM trong việc hỗ trợ và kích thích phát triển thị trường tài chính, do quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền thành phố trong quản lý còn nhiều giới hạn, còn bị động đối với các hoạt động tài chính trên địa bàn (nhất là đối với các định chế tài chính trực thuộc trung ương do mô hình quản lý theo ngành dọc).
Việc phân bổ nguồn lực cho thành phố chưa tương xứng với tiềm năng phát triển. TP.HCM là địa phương nộp ngân sách nhiều nhất nước, nhưng TP.HCM chỉ được phân bổ lại từ ngân sách trung ương đang giảm mạnh từ 33% (năm 2003) xuống 18% (từ năm 2017).
Để rút ngắn khoảng cách và tạo điểm thu hút khác biệt, ít nhất là so với các trung tâm tài chính khu vực, TP.HCM cần phải có chiến lược tổng thể, một mô hình phát triển và bước đi phù hợp.
TP.HCM cần “quá độ” để trở thành trung tâm tài chính quốc tế
GS.TS. Nguyễn Thanh Tuyền, nguyên Hiệu Trưởng trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM
TP. HCM được coi là đầu tàu kinh tế quốc gia đương nhiên nó là trung tâm tài chính quốc gia. Nhưng để tiến tới trung tâm tài chính quốc tế thì cần có bước “quá độ”.
Kinh tế TP.HCM đang đứng ở đâu?
Trước hết có thể khẳng định kinh tế TP.HCM hiện trạng là nền kinh tế của một quốc gia đang phát triển và chưa vượt qua “bẫy” thu nhập trung bình.
Tuy nhiên, kinh tế TP.HCM có những ưu thế và vượt trội so với các địa phương khác. Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng kinh tế TP.HCM trong những năm gần đây luôn đạt hai con số (10-12%). Mức tăng này hơn gấp đôi so với mức trung bình của cả nước. Thứ hai, GDP của TP.HCM đạt gần 23% GDP quốc gia. Thứ ba, ngân sách TP.HCM giữ tỷ trọng xấp xỉ 27% tức trên 1⁄4 ngân sách quốc gia. Thứ tư, tỷ lệ công nghệ cao của kinh tế TP.HCM chiếm trên 30% cao hơn mức trung bình của cả nước. Thứ năm, dịch vụ của TP.HCM phát triển nhanh, ổn định và đang giữ một tỷ trọng gần 57% GDP của thành phố.
Tỷ trọng của các ngành dịch vụ trọng yếu trong GDP của TP.HCM: Ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thương mại, vận tải phát triển nhanh và chiếm 34% GDP của thành phố.
Các ngành dịch vụ, tư vấn khoa học – công nghệ, viễn thông, thông tin với tốc độ tăng trưởng trung bình gần 17%/năm. Riêng công nghệ viễn thông, công nghệ thông tin tăng 14,8% /năm. Các ngành du lịch, dịch vụ phát triển nhanh, hàng năm đón gần 50% du khách của cả nước với hệ thống sân bay, bến cảng, khách sạn, khu du lịch tiện ích, hiện đại.
Thương mại phát triển đa dạng, mạng lưới được mở rộng. Đặc biệt, thương mại điện tử đang được phổ biến. Thu nhập bình quân tính theo đầu người của TP.HCM gần gấp 3 lần mức thu nhập bình quân của cả nước.
Nếu kết nối có hiệu quả với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vai trò của TP.HCM càng được nâng cao về tỷ trọng GDP cũng như đóng góp của vùng này vào ngân sách quốc gia chiếm trên 50%.
Bước “quá độ” để TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế là tạo ra sự cộng hưởng của các nguồn lực tài chính, và cần được vận hành hướng vào các mục tiêu: Gia tăng đầu tư công vào cơ sở hạ tầng khó hoặc không thể thu hồi vốn: đầu tư vào hệ thống đường xá, bến cảng, viễn thông.
Như vậy, TP.HCM cần phải có thêm nguồn thu vào ngân sách thành phố. Do đó, kiến nghị Chính phủ cho TP.HCM tăng nguồn thu của ngân sách nhà nước từ 18% lên 22%; cho phép ngân sách TP.HCM tham gia điều tiết theo một tỷ lệ hợp lý trên nguồn thu dành 100% cho ngân sách Trung ương: dầu khí, hàng không, hàng hải, đường sắt, ngân hàng, bảo hiểm... bởi các nguồn thu này có quy mô lớn phát sinh trên địa bàn TP.HCM; tăng tỷ lệ điều tiết trên tổng số thu vượt kế hoạch trong năm tài khóa đã được quốc hội phê chuẩn...
Ngoài ra, trung tâm tài chính quốc tế cần có các ngân hàng có quy mô vốn lớn, ngang tầm với các ngân hàng hàng đầu trong khu vực. Thông qua các biện pháp mua-bán, sáp nhập (M&A) các ngân hàng quy mô trung bình và nhỏ, liên kết với ngân hàng nước ngoài và thu hút các ngân hàng nước ngoài đầu tư vào Việt Nam… có các phương thức thanh toán hiện đại ngang tầm khu vực và quốc tế.
Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng cần kết nối với khu vực và quốc tế, nhằm thu hút tối đa đầu tư tài chính gián tiếp, do đó cũng phải đa dạng hóa các quỹ đầu tư tài chính, các quỹ đầu tư tài chính mạo hiểm…
Cho phép hình thành các tổ chức bảo hiểm xã hội tư nhân, cho phép bảo hiểm xã hội đầu tư tài chính (ngoài gửi ngân hàng), trên nguyên tắc ổn định thường xuyên nguồn chi trả bảo hiểm.
Ngoài ra cần hình thành các công ty môi giới tài chính quốc tế, công ty kiểm toán quốc tế, trọng tài quốc tế, công ty quản lý tài sản quốc tế... phục vụ cho vận hành của trung tâm tài chính quốc tế.
Sử dụng các công cụ tài chính điều tiết hoạt động của trung tâm tài chính quốc tế, như: tỷ giá hối đoái, lãi suất tín dụng, các công cụ tài chính phái sinh, các công cụ pháp chế để điều tiết linh hoạt các hoạt động của trung tâm tài chính quốc tế.
Việt Nam suýt trở thành trung tâm tài chính quốc tế thứ 13
GS. TSKH Võ Đại Lược, Trung tâm Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương
TP.HCM nên phát triển theo hướng xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, hay theo hướng trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo?
Hiện nay, kinh tế thế giới đang chuyển sang kinh tế tri thức với sức mạnh của công nghệ 4.0 với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối và dữ liệu lớn.
Các trung tâm tài chính quốc tế xuất hiện và phát triển vào thời đại kinh tế tài chính với 12 trung tâm tài chính thế giới: 4 trung tâm ở Mỹ, 3 trung tâm ở Châu Á (Singapore, HongKong và Tokyo), 3 trung tâm ở Châu Âu và 2 trung tâm ở đảo Cayman và Dubai.
Năm 2013, một tập đoàn tài chính Mỹ đã đề nghị Chính phủ Việt Nam cho phép họ xây dựng trung tâm tài chính quốc tế thứ 13 tại Bắc Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa và Chính phủ Việt Nam đã đồng ý. Nhưng do điều kiện quốc tế không thuận nên dự án đã bị dừng lại (người viết báo cáo này đã viết tờ trình Chính phủ Việt Nam về đề án này).
Trung Quốc cũng đã có ý định xây dựng trung tâm tài chính quốc tế ở đặc khu kinh tế Phố Đông, Thượng Hải, nhưng đến nay vẫn chưa thành hiện thực và Trung Quốc dường như đã từ bỏ ý định này vì các tập đoàn tài chính quốc tế không muốn đầu tư ở đây. Lý do cơ bản là Trung Quốc chưa mở cửa thị trường vốn, đồng Nhân dân tệ chưa chuyển đổi tự do và khó cạnh tranh với trung tâm tài chính quốc tế Hong Kong.
Trung Quốc đã chuyển hướng thực hiện kế hoạch chiến lược “Made in China 2025” nhằm hiện đại hóa nền kinh tế. Các trung tâm tài chính quốc tế cho đến nay chủ yếu mới được xây dựng ở một số nền kinh tế phát triển. Chưa có một nước đang phát triển nào có trung tâm tài chính quốc tế, nếu có như Dubai thuộc Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, thì các ông chủ của các trung tâm này đều là các tập đoàn tài chính quốc tế.
Định hướng phát triển ngành của TP.HCM nên chuyển theo hướng phát triển các ngành công nghiệp kỹ thuật cao và dịch vụ hiện đại, chuyển dần các nhành công nghiệp truyền thống cho các tỉnh thành khác trong vùng.
TP.HCM hiện có 16 khu công nghiệp và chế xuất, trong đó có 8 khu công nghiệp có diện tích tới 200ha, 2 khu công nghiệp có diện tích dưới 100ha, chỉ có 4 khu công nghiệp có diện tích trên 300ha, có khu công nghiệp chỉ có hiện tích dưới 22ha.
Các khu công nghiệp này hoạt động đa ngành nghề, không có liên kết gì với nhau. Đây là mô hình khu công nghiệp của thời những năm 80. Hiện nay, thế giới đã không xây dựng các mô hình khu công nghiệp này nữa.
TP.HCM cần có kế hoạch chuyển đổi các khu này thành các cluster (các khu công nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị), như: khu công nghiệp điện tử, khu công nghiệp dệt may, khu công nghiệp da giầy... Do đó, TP.HCM cần có một khu thương mại tự do với các thể chế hiện đại và hội nhập quốc tế cao.
Trung tâm tài chính trước hết phải là trung tâm thương mại
PGS. TS. Ngô Hướng, nguyên Hiệu Trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM
Để trở thành một trung tâm tài chính, vùng lãnh thổ đó phải hội đủ những điều kiện thuận lợi đối với giao dịch thương mại. Ngày nay, giao dịch thương mại được thực hiện thông qua các hợp đồng mua bán lớn và được thực hiện thông qua các nhà trung gian, thực hiện tập trung ở các trung tâm thương mại.
Do đó, để một vùng lãnh thổ trở thành trung tâm tài chính thì trước hết nó phải trở thành trung tâm thương mại. Chính sự phát triển hoạt động thương mại là nền tảng cho việc phát triển các nhu cầu sử dụng các dịch vụ tài chính - ngân hàng. Sàn giao dịch hàng hóa là nền tảng của giao dịch thương mại hiện đại.
Hệ thống các ngân hàng thương mại là những tổ chức cung ứng các nguồn tài chính và các dịch vụ tài chính khác là rất quan trọng để hoạt động thương mại thông suốt.
Trước hết các ngân hàng là những tổ chức tài chính thực hiện việc bào lãnh cho các bên mua bán thực hiện việc giao dịch, chiết khấu các thương phiếu đã vận hành, bao thanh toán cho các khoản thanh toán phát sinh, mua bán các khoản ngoại tệ cung ứng các khoản tín dụng cho những khách hàng có nhu cầu.
Để đáp ứng nhu cầu như trên hệ thống ngân hàng phải đạt đến một trình độ nhất định về các nghiệp vụ kinh doanh, cũng như có quy mô vốn đủ lớn để thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Các ngân hàng cũng phải có một đội ngũ luật sư am hiểu luật pháp quốc tế để giúp các ngân hàng và các thương gia, các người mua bán hàng hóa ký kết các hợp đồng, cũng như giải quyết tranh chấp nếu có .
Bên cạnh trung tâm thương mại và hệ thống các ngân hàng, thì các định chế tài chính khác cũng phát triển, như các tổ chức kinh doanh ngoại hối, các quỹ đầu tư, các công ty tài chính, các công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, các công ty thương mại... cũng xuất hiện và phát triển mạnh mẽ.
Các sàn giao dịch chứng khoán, sàn giao dịch ngoại tệ, sàn giao dịch vàng, sàn giao dịch địa ốc là những trụ cột quan trọng của trung tâm tài chính.
Vì việc giao dịch mua bán hàng hóa sẽ luôn xảy ra sự thừa thiếu vốn nên nó sẽ được các nhà kinh doanh chuyển hóa thành các khoản đầu tư khác và ngược lại. Nói khác đi, trung tâm tài chính luôn đảm bảo môi trường cho các nhà kinh doanh vận hành dòng vốn của mình một cách thông suốt để có thể hạn chế rủi ro cao nhất và sinh lợi tốt nhất .
Để trở thành trung tâm tài chính, trước tiên, TP.HCM phải xây dựng sàn giao dịch hàng hóa, như: gạo, cà phê, cao su, tiêu, điều, các mặt hàng thủy – hải sản.
Để cho sàn giao dịch này có thể hoạt động phải đào tạo đội ngũ các nhà kinh doanh trung gian, có khả năng chào hàng và mua hàng với các nhà sản xuất, cũng như các nhà tiêu thụ. Đây phải là một đội ngũ am hiểu thị trường đối với các loại sản phẩm đang sản xuất trong nước và có khả năng tiêu thụ ở thị trường trong nước, cũng như thị trường quốc tế.
Để đào tạo độ ngũ này cần có thời gian, phải 3 - 5 năm mới có thể có những người thành thạo.
Xây dựng các công ty thương mại lớn có khả năng tiêu thụ và cung cấp hàng hóa lớn do trong nước và nước ngoài sản xuất.
Hình thành đội ngũ các chuyên gia kinh doanh thương mại phải có kỹ năng ký kết các hợp đồng mua, bán hàng hóa theo kỳ hạn, kí kết các hợp đồng giao dịch tương lai .
Như vậy, TP.HCM phải coi ngành thương mại là một ngành kinh tế trụ cột lớn nhất của thành phố và phải tiến đến việc làm cho kinh doanh thương mại là ngành kinh tế trụ cột của cả nước.
Do hoạt động thương mại phát triển, các nhu cầu về dịch vụ tài chính sẽ xuất hiện, các định chế tài chính sẽ tìm cách mở rộng hoạt động kinh doanh của mình và nó sẽ hình thành cơ sở của một trung tâm tài chính.
BizLive