MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trước 20 tuổi, làm một học sinh ngoan; trước 30 tuổi, đi theo một ai đó; 30-40 tuổi, làm việc vì chính mình; sau 40 tuổi, làm việc mình giỏi

25-07-2019 - 19:22 PM | Sống

Bạn bao nhiêu tuổi thì nên làm những việc gì. Đạo lý này tuy không sâu sa nhưng nó đáng để mọi người phải suy ngẫm.

01

Trước 20 tuổi, làm một học sinh ngoan

Vào năm thứ nhất đại học, tôi đã làm một vài công việc bán thời gian, đó là quãng thời gian vô cùng bận rộn, nhưng tiền chẳng kiếm được là bao, các kỳ thi cũng bắt đầu bật đèn đỏ với tôi. Một hôm, dì của tôi, một giáo sư đại học, nghiêm túc nói với tôi rằng: "Ở độ tuổi này, cháu nên học hành chăm chỉ, cháu phải nhớ ở tuổi nào thì nên làm việc gì."

Khi đó, tôi hoàn toàn không hiểu, và cũng nghe không vào. Cảm thấy học nhiều chẳng có tác dụng gì, chuyên ngành thì không yêu thích, đồng thời cũng lo lắng sau khi tốt nghiệp không tìm được công việc, sợ mình sau khi ra trường sẽ lạc lõng ngoài xã hội.

Sau khi tốt nghiệp rất nhiều năm, tôi lúc nào cũng hối hận vì sao khi đó không chuyên tâm học hành.

Nghiêm túc học hành, ngoài việc nâng cao tri thức chuyên ngành ra, nó còn một tác động vô cùng lớn, đó là bồi dưỡng thái độ chuyên tâm, thói quen kiên trì và khả năng học tập suốt đời.

Những thói quen và khả năng này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của mỗi người sau này.

Lúc cần phải học tập, hãy học tập cho tốt, điều này quả thực rất quan trọng.

Trước 20 tuổi, làm một học sinh ngoan; trước 30 tuổi, đi theo một ai đó; 30-40 tuổi, làm việc vì chính mình; sau 40 tuổi, làm việc mình giỏi - Ảnh 1.

02

Trên dưới 25 tuổi, đừng sợ phạm sai lầm

"25 tuổi, đừng lo lắng. Bất cứ sai lầm nào cũng đều là một sự thu hoạch thuộc về chính mình."

Không ai thích phạm sai lầm. Tôi đã từng rất phản cảm với câu nói: Thất bại là mẹ của thành công.

Nhưng, vô số hiện thực đã chứng minh, đối diện trực tiếp với thất bại là cách tốt nhất giúp chúng ta tích lũy được những kinh nghiệm quý giá.

25 tuổi, vừa bước vào thương trường không lâu, làm sao để nhanh chóng tích lũy được kinh nghiệm?

Cách tốt nhất là không ngừng học hỏi và thử thách, dám phạm sai lầm. Ngã rồi, mới có thể nhắc nhở bản thân rằng lần sau không được làm vậy nữa, rơi xuống hố rồi, hãy nhắc mình đi đường vòng vào lần tới.

Jack Ma đã thất bại rất nhiều lần trước khi ông thành công. Jack Ma muốn học trường cảnh sát, 5 người thì có 4 người qua, chỉ mình ông không qua. Jack Ma đã đến KFC để phỏng vấn, kết quả có 24 người thì 23 người qua, và một lần nữa cũng chỉ có mình ông là không vượt qua. Ngay cả khi Alibaba mới bắt đầu kinh doanh, ông đã đi tìm hơn 30 nhà đầu tư, nhưng không ai sẵn sàng bỏ tiền đầu tư cho ông.

Chính những thất bại này đã giúp ông tích lũy kinh nghiệm, sự hiểu biết thấu đáo về thương mại, không sợ bị từ chối và không sợ thất bại.

Thất bại không đáng sợ, đáng sợ là vì muốn tránh thất bại mà cứ ở trong vùng thoải mái, đây là cái hàng rào có gai lớn nhất cản trở quá trình trưởng thành của chính bạn.

Muốn giữ an toàn mới là sự không an toàn nhất.

Raymond Dalio, một nhà đầu tư, quản lý quỹ, và nhà từ thiện người Mỹ, người sáng lập công ty đầu tư Bridwater Associates, một trong số các quỹ đầu tư lớn nhất thế giới, trong cuốn "Nguyên tắc" đã viết rằng:

"Tôi nhận thức được rằng mỗi một người đều sẽ phạm sai lầm, và cũng đều có khuyết điểm. Tiêu chuẩn quan trọng nhất để phân chia con người chính là xem cách họ đối mặt và nhìn nhận sai lầm và khuyết điểm đó.

Tôi nhận ra rằng những sai lầm có sức hấp dẫn đáng kinh ngạc, bởi vì mỗi sai lầm vừa là một câu đố vừa là một viên đá quý. Một khi tôi có thể giải được câu đố, tôi có thể có được một viên đá quý. Đá quý ở đây là một nguyên tắc mà tôi có thể sử dụng để giảm thiểu những sai lầm trong tương lai.

Vì vậy, một khi tôi nhận ra mình sai ở đâu, tôi có thể học cách làm sao để trở nên hiệu quả hơn.

Tôi nhận ra rằng chiến đấu chống lại các vấn đề, sai lầm và thiếu sót của chính mình là một khóa đào tạo giúp tôi mạnh mẽ hơn."

Nếu bạn muốn thành công hơn, bạn nên có một thái độ đúng đắn khi đối mặt với sai lầm và thất bại.

Bạn phải biết rằng mọi thất bại, đối với bạn, là một sự tích lũy kinh nghiệm, đây là sự giàu có quý giá của bạn trong cuộc sống.

Trước 20 tuổi, làm một học sinh ngoan; trước 30 tuổi, đi theo một ai đó; 30-40 tuổi, làm việc vì chính mình; sau 40 tuổi, làm việc mình giỏi - Ảnh 2.

03

Trước 30 tuổi, đi theo một ai đó

"Trước 30 tuổi, hãy đi theo một ai đó. Thường khi ở một công ty lớn, bạn có thể học được một quy trình rất tốt, bạn là một phần nhỏ của một cỗ máy lớn. Nhưng nếu bạn ở trong một công ty nhỏ, bạn sẽ học được sự nhiệt tình và đam mê, học cách ước mơ và học cách hoàn thành rất nhiều thứ trong một khoảng thời gian.

Vì vậy, trước 30 tuổi, điều quan trọng không phải là bạn làm cho công ty nào mà là bạn theo ông chủ nào. Điều này rất quan trọng, bởi một ông chủ tốt sẽ dạy bạn những thứ tốt y như vậy."

Về việc chọn công ty lớn hay công ty nhỏ, mỗi người đều có một quan niệm khác nhau.

Công ty lớn có phúc lợi khá tốt và cũng khá ổn định, có một nhược điểm đó là tổ chức phân công trong công ty lớn khá đầy đủ, mỗi người chỉ chịu trách nhiệm cho một phần nhỏ, đóng vai trò là một ốc vít trên một cỗ máy lớn.

Nhiều người trong môi trường có vẻ thoải mái này, ngày qua ngày, năm này qua năm khác, tuổi tác tăng lên, nhưng kinh nghiệm lại không tích lũy được là bao, dần dần mất đi khả năng cạnh tranh.

Cách đây một thời gian, một trong những đồng nghiệp cũ của tôi đã bị sa thải. Cô ấy đã làm việc trong một công ty nước ngoài nổi tiếng trong 20 năm, nhưng sau khi cầm được khoảng bồi thường 10 tháng lương, cô ấy thấy mình không biết gì về thế giới bên ngoài và không biết đi đâu.

Các công ty nhỏ cũng không hoàn hảo. Bất luận là từ nền tảng, lợi ích và tiền lương, nó cũng có khoảng cách rất lớn so với các công ty lớn. Hơn nữa, tính ổn định của các công ty nhỏ cũng khá thấp, một khi công ty phá sản, nhân viên sẽ phải đối mặt với khủng hoảng thất nghiệp.

Do đó, đối với mỗi người theo đuổi sự phát triển, bất luận là công ty lớn hay công ty nhỏ, điều quan trọng nhất là bạn theo một ông chủ như thế nào. Ông chủ này có thể đào tạo, bồi dưỡng cho bạn và mang lại cho bạn nhiều cơ hội hơn.

Nếu ông chủ thành công, thì bạn có thể vươn lên, còn nếu không, thì những năng lực mà anh ta dạy bạn, ít nhất cũng có thể có tác động tích cực đến cuộc sống của bạn.

Vì vậy, đối với những người trẻ tuổi, đừng quá quan tâm đến quy mô của công ty và cũng đừng quá để tâm đến những lợi ích và mất mát hiện tại trước mắt, điều quan trọng là tìm một người xứng đáng để bạn đi theo, hãy để người này giao việc cho bạn và cho bạn một sân khấu đủ lớn để cùng nhau nhảy múa.

Trước 20 tuổi, làm một học sinh ngoan; trước 30 tuổi, đi theo một ai đó; 30-40 tuổi, làm việc vì chính mình; sau 40 tuổi, làm việc mình giỏi - Ảnh 3.

04

30-40 tuổi, làm việc vì chính mình

Jack Ma nói: "Ở độ tuổi 30-40 tuổi, bạn nhất định phải suy nghĩ thật kỹ xem mình có đang làm việc vì bản thân mình không."

30-40 tuổi là giai đoạn quan trọng cho sự nghiệp, việc tích lũy kinh nghiệm tại thời điểm này là đặc biệt quan trọng.

Cách đây không lâu tôi đi ăn với một đồng nghiệp, cô ấy nói với tôi rằng mấy năm nay đều làm việc kiểu cho qua ngày, cô ấy biết như vậy là không tốt, nhưng công ty làm ăn không tốt, có làm bao nhiêu cũng không được tăng lương, bỏ ra và thu được không tương đương, thay vì nỗ lực, không bằng để bản thân thoải mái một chút.

Người có lỗi lớn nhất ở đây là ai? Là công ty? Không phải, là bản thân bạn.

Thời gian trôi rất nhanh, ở cái độ tuổi đáng nhẽ khi sự nghiệp là quan trong nhất thì lại sống kiểu "cho qua ngày", suy cho cùng, người chịu thiệt vẫn là chính bạn.

Làm việc vì mình, mới là thái độ có trách nhiệm với bản thân. Khi bạn không còn tính toán được mất trước mắt, mà tập trung làm sao để nâng cao năng lực của bản thân, bạn sẽ đối xử với người và việc ở xung quanh một cách nghiêm túc hơn.

Bạn sẽ nghĩ, nếu công việc này là của tôi, vậy tôi nên làm sao? Nếu tôi không muốn gây ra sai sót nữa, vậy thì làm sao để tối ưu hóa quy trình? Nếu tôi muốn có nhiều cơ hội hợp tác hơn trong tương lai, tôi có còn dám đắc tội với vị khách hàng này không? Nếu còn không thay đổi, KPI cứ không đạt như vậy, tôi có phải nên làm một cái gì đó?

Hầu hết tất cả những người đã đạt đến đỉnh của kim tự tháp tại nơi làm việc, hoặc những người đã thành công trong việc đổi việc và khởi nghiệp, đều có suy nghĩ làm việc cho chính mình.

Trước 20 tuổi, làm một học sinh ngoan; trước 30 tuổi, đi theo một ai đó; 30-40 tuổi, làm việc vì chính mình; sau 40 tuổi, làm việc mình giỏi - Ảnh 4.

05

Sau 40 tuổi, bạn phải làm việc sở trường của mình

"Ở độ tuổi 40-50, bạn phải làm những gì bạn giỏi, đừng thử những lĩnh vực mới, đã quá muộn rồi. Bạn có thể thành công, nhưng khả năng thất bại là rất cao, vì vậy ở tuổi này, hãy tập trung vào những gì bạn giỏi."

Khi mọi người đến tuổi trung niên, tuổi tác và thể lực của họ không còn có lợi thế. Cha mẹ họ đã già và con cái lại đang ở độ tuổi tiêu tiền. Nếu sự nghiệp và tiền bạc không đạt đến một mức độ nào đó, họ sẽ phải đối mặt với cái gọi là khủng hoảng tuổi trung niên. Loại khủng hoảng này không chỉ đến từ nơi làm việc mà còn từ gia đình.

Có thể bạn thường hay nghe được những tin tức bất lợi cho 40 tuổi, ví dụ, Intel sa thải những nhân viên trên 40 tuổi, IBM sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để cắt giảm nhân viên trên 40 tuổi, lập trình viên 42 tuổi của ZTE đã nhảy lầu vì bị sa thải ... Phân biệt tuổi tác đã trở thành một bí mật mở trên thế giới.

Muốn tránh các cuộc khủng hoảng tuổi trung niên, bước quan trọng nhất nằm ở 4 từ: "lên kế hoạch trước". Cho dù là tiền bạc hay khả năng, bạn cũng đều cần chuẩn bị trước, càng sớm càng tốt.

Đừng đợi đến 40 tuổi mới thở dài: Làm việc 20 năm trời đều là làm những việc mình không giỏi, sự nghiệp không có bước tiến, tôi nên làm sao? Tôi làm sao mới tìm được thứ mà mình yêu thích?

Bây giờ mới đi tìm có lẽ đã quá muộn, nghe có vẻ chua xót, nhưng đó là hiện thực.

Làm những việc mà bạn giỏi sau 40 tuổi có nghĩa là trước đó bạn phải tìm ra điều mình quan tâm, và trau dồi khả năng của bạn trong lĩnh vực này trong một thời gian dài.

Sự bận rộn không có mục đích, thường khiến mọi người nghĩ rằng mình đã đủ bận rộn lắm rồi. Đây chắc chắn là một cái bẫy. Hướng đi đúng của mỗi người nên là:

1. Làm việc vì chính mình, không ngừng bồi dưỡng, nâng cao năng lực và quan hệ xã hội.

2. Tìm ra việc mình giỏi đồng thời tích lũy ngày từ sớm.

Bạn ở tuổi nào, hãy làm việc ở độ tuổi đó. Bạn có tiết tấu của riêng mình, đừng đi ngưỡng mộ cuộc sống của người khác.

Việc bạn cần làm nhất không phải là lo lắng, không phải là so sánh mà là có trách nhiệm với bản thân mình. Xác định hướng, đừng hoảng sợ, và tiến về phía trước một cách vững vàng.

Trước khi đến đích, xin đừng dừng lại những bước chân nỗ lực của bạn.


Theo Như Quỳnh

Trí thức trẻ

Trở lên trên