MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trước giờ khai mạc, đại biểu Quốc hội nói gì?

20-07-2016 - 09:14 AM | Xã hội

Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ngắn với một số ĐBQH mới về việc chuẩn bị của họ trước khi bước chân vào phòng họp Diên Hồng, bắt đầu nhiệm vụ của người đại diện cho cử tri.

TS Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre): Tận tụy, cẩn trọng và trách nhiệm

* Thưa ông, sau khi phát hiện sai sót trong Bộ luật Hình sự (BLHS), nhiều ĐBQH khóa XIII đã gửi lời xin lỗi cử tri. Là ĐBQH khóa XIV, ông rút ra bài học gì từ sự kiện này? Quốc hội cần làm gì để không lặp lại việc phải xin lỗi cử tri về những sự cố tương tự?

- Các ĐBQH Khóa XIII gửi lời xin lỗi cử tri với thái độ hết sức cầu thị và nhận trách nhiệm về mình, là cử tri tôi rất hoan nghênh và cho rằng như vậy là thỏa đáng. Là một ĐBQH mới, tôi cũng tự rút ra cho mình bài học, đó là phải luôn tận tụy, cẩn trọng và trách nhiệm. Bài học ấy tôi sẽ mang theo như hành trang ban đầu của một ĐBQH, để luôn nhắc nhở mình làm tròn trách nhiệm trước cử tri.

Theo tôi, để tránh lặp lại “sự cố” đáng tiếc như vừa qua, đồng thời nâng cao chất lượng các đạo luật thì trước hết cần nâng cao năng lực, trách nhiệm trong quá trình xem xét, thảo luận, xây dựng chương trình làm luật.

Quốc hội phải bảo đảm các dự án luật phải được lượng hóa, lường trước về tính chất, mức độ quan trọng để xác định thời gian, thời hạn, tiến độ và phân công cơ quan thực hiện.

Thứ hai, bản thân ĐBQH và các cơ quan của Quốc hội phải thực hiện tốt nhiệm vụ theo chức năng được giao, đồng thời phối hợp chặt chẽ với nhau và với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra trước khi trình Quốc hội.

Thứ ba, nâng cao chất lượng và trách nhiệm các bộ phận tham mưu, yêu cầu họ rà soát kỹ lưỡng, tỉ mỉ các nội dung và các con số; rà soát các vấn đề kỹ thuật, coi đó là sự rà soát tổng thể cuối cùng trước khi trình dự án luật.

Thứ tư, quá trình xây dựng luật phải huy động sự tham gia của đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà hoạt động thực tiễn, đặc biệt là trong các vấn đề đòi hỏi tính chuyên sâu, chuyên nghiệp cao.

Cuối cùng, phải xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong từng công đoạn của một quá trình xây dựng luật.

* Quốc hội Khóa XIV khởi đầu với rất nhiều khó khăn, bức xúc về kinh tế - xã hội cần giải quyết như là tăng trưởng kinh tế thấp, nợ công tăng cao, sự kiện Formosa gây thảm họa môi trường biển… Ông cảm nhận như thế nào về gánh nặng này?

- Tôi đã có dự cảm về những thách thức, khó khăn cũng như triển vọng của đất nước. Bạn vừa đặt ra những vấn đề rất lớn mà chắc chắn Quốc hội phải xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

Là một ĐBQH Khóa XIV, rất vinh dự được cử tri tín nhiệm trao gửi trách nhiệm, tôi sẽ làm hết sức mình để cùng với các ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội tham mưu, đề xuất các giải pháp cần thiết trong quá trình xem xét quyết định tập thể, giải quyết những khó khăn của đất nước.

Được tham gia giải quyết các vấn đề của đất nước tại phòng họp Diên Hồng, cái tên đã đi vào lịch sử, gợi nhắc sự kiện năm 1284 khi Tổ quốc đứng trước họa xâm lăng của giặc Nguyên Mông và được Thượng hoàng Trần Thánh Tông hỏi ý kiến, các bô lão muôn người như một bày tỏ quyết tâm sắt đá bảo vệ Tổ quốc. Khí phách ấy đã hun đúc, lưu truyền, gìn giữ mãi và trở thành “bảo bối” giúp dân tộc ta chiến thắng trên tất cả các mặt trận xây dựng và bảo vệ Tổ quốc suốt nhiều thế kỉ qua. Tôi nghĩ, tinh thần “Diên Hồng” sẽ luôn nhắc nhở các ĐBQH phải thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Đại biểu Ksor Phước Hà (Gia Lai): Quyết định không vì cá nhân mình

Hôm nay, khi bước chân vào Nhà Quốc hội, tôi thực sự xúc động và cảm thấy rất trách nhiệm. Sự xúc động đó đến từ việc trước đây mình nghĩ rằng “vì nhân dân phục vụ” không phải là cái gì đó quá lớn lao ngoài hoạt động chuyên môn hàng ngày (thiếu tá, phó trưởng công an huyện - NV), nhưng khi bước vào nghị trường thì tôi thấy trách nhiệm tăng lên gấp bội phần.


ĐBQH Ksor Phước Hà - Ảnh: VIỆT DŨNG

ĐBQH Ksor Phước Hà - Ảnh: VIỆT DŨNG

Từ Tây Nguyên đến Thủ đô Hà Nội, điều đầu tiên tôi đem theo là nhiệt huyết, đồng thời đó là tinh thần học hỏi để có thể thực hiện tốt chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của một người ĐBQH đại diện cho khu vực mình ứng cử, cho đồng bào Jrai nói riêng và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung đã gởi gắm cho tôi qua lá phiếu tín nhiệm.

* Tuổi đời còn trẻ, sự trải nghiệm chưa nhiều, chị sẽ ứng xử như thế nào khi phải quyết định, biểu quyết những vấn đề khó như nhân sự, ngân sách, những luật không gần với chuyên môn của mình ?

- Trách nhiệm của ĐBQH rất lớn, trong khi bản thân còn trẻ, kiến thức còn hạn chế, trải nghiệm cuộc sống chưa nhiều, nhưng tôi tin tưởng với nhiệt huyết và sự cố gắng, trước hết là tham khảo ý kiến của những người đi trước, những người đồng hành và các chuyên gia trong mỗi lĩnh vực, đồng thời với việc nghiêm túc nghiên cứu tài liệu, nghiên cứu thực tế từ cuộc sống của nhân dân thì tôi có đủ tự tin để đưa ra quyết định.

Tôi nhận thức rằng các quyết định tôi đưa ra ở nghị trường là trách nhiệm của mình trước nhân dân, trước Tổ quốc, chứ không phải là quyết định vì cá nhân mình nữa.

* Chị kế thừa được những phẩm chất gì từ bố mình - Chủ tịch Hội đồng dân tộc khóa XIII Ksor Phước - một người dày dạn trong hoạt động ở cơ quan dân cử ?

- Cha tôi là một người cán bộ trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, và tôi tin chắc rằng ở vị trí nào ông cũng luôn là người cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, hết lòng hết sức vì công việc chung.

Bản thân tôi khi được cử tri bầu làm ĐBQH, thì điều đầu tiên tôi cảm nhận được từ ông, với tư cách một người đại biểu của dân, là luôn nhiệt huyết, hăng say với công việc, hết lòng phụng sự đồng bào của mình. Ông là một tấm gương cho tôi soi vào, để tôi phấn đấu hoàn thành trách nhiệm của mình trước nhân dân.

Theo Lê Kiên

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên