MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trước khi Amazon đổ bộ, Jack Ma đã nhận ra vấn đề gì của thương mại điện tử Việt Nam?

Thanh toán đang là vấn đề lớn của thương mại điện tử tại Việt Nam. Để phát triển thương mại điện tử cần có sự liên kết giữa tổ chức tín dụng với doanh nghiệp thương mại điện tử và doanh nghiệp thương mại truyền thống.

Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, muốn thành công với thương mại điện tử cần phải xây dựng liên kết giữa một chuỗi các doanh nghiệp. Sự liên kết này bao gồm 3 bên: doanh nghiệp thương mại truyền thống, doanh nghiệp thương mại điện tử, tổ chức tín dụng (ngân hàng hoặc Fintech). Tuy nhiên, liên kết này tại Việt Nam chưa được thắt chặt.

Chỉ 6 tháng sau khi mua lại Lazada, Chủ tịch Tập đoàn Alibaba đã tới Hà Nội và tham dự Diễn đàn thanh toán điện tử Việt Nam 2017. Trong một giờ, Jack Ma đã chia sẻ về kinh nghiệm phát triển thương mại điện tử, thanh toán di động. Điều đó cho thấy, vị tỷ phú Trung Quốc đã nhìn nhận ra những vấn đề của thị trường Việt Nam và muốn khắc phục chúng.

Thực tế, hình thức giao hàng thu tiền (COD) vẫn phổ biến tại Việt Nam. Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử cho biết, tỷ lệ COD chiếm tới 90% các giao dịch, các phương thức khác chỉ chiếm 10%. Đây cũng là vấn đề khiến thương mại điện tử tại Việt Nam chưa phát triển như kỳ vọng.

Để thương mại điện tử phát triển mạnh cần phải thay đổi phương thức thanh toán. Trong đó, QR code và Blockchain là 2 công nghệ nền tảng. Trong khi Bitcoin chưa được Ngân hàng Nhà nước ghi nhận là phương tiện thanh toán, thì QR code cần được khuếch trương mạnh hơn nữa.

“Một người có thể sử dụng điện thoại di động để quét QR code trên website và thanh toán cho món đồ mình mua. Và cũng người đó có thể ra cửa hàng truyền thống và cũng dùng điện thoại quét mã QR để thanh toán. Chúng ta thấy đã có sự xóa nhòa về việc thanh toán trong thương mại điện tử và thương mại truyền thống. Ở góc độ thanh toán, chúng tôi cho rằng cần phải thúc đẩy thanh toán trên công cụ hiện đại để thúc đẩy cả thương mại điện tử lẫn bán lẻ truyền thống” – ông Nguyễn Thanh Hưng nói.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, mức tăng trưởng thương mại điện tử tại Việt Nam đã đạt tốc độ 35%/năm, gấp 2,5 lần so với Nhật Bản. 10 tỷ USD vào năm 2020 là con số được nêu trong Kế hoạch phát triển thương mại điện tử trong lĩnh vực bán lẻ. Năm 2016, doanh số thương mại điện tử bán lẻ giữa các công ty và người tiêu dùng (B2C) của Việt Nam mới đạt 5 tỷ USD. Bà Nguyễn Hương Quỳnh, Giám đốc Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho biết, thương mại điện tử là một trong 3 xu hướng chính và sẽ còn kéo dài trong 2-3 năm.


Giao hàng thu tiền (COD) vẫn là hình thức phổ biến, chiếm tới 90% giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam.

Giao hàng thu tiền (COD) vẫn là hình thức phổ biến, chiếm tới 90% giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam.

Trong một diễn biến liên quan, Samsung đã giới thiệu dịch vụ thanh toán Samsung Pay tại thị trường Việt Nam. Không cần ví tiền, người tiêu dùng chỉ đặt điện thoại Samsung cạnh các máy POS là có thể thanh toán cho người bán hàng. Sự tham gia của Samsung vào mảng thanh toán có thể sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử. Hiện tại, “Samsung Pay hướng đến khách hàng toàn cầu và họ sẽ cạnh tranh hết sức quyết liệt” – ông Phạm Xuân Hòe nhận định.

Trước khi Amazon đổ bộ vào Việt Nam, tỷ phú Jack Ma cũng giới thiệu Alipay ngay tại Diễn đàn thanh toán điện tử Việt Nam 2017 và kêu gọi sinh viên dùng điện thoại bán hàng với Alibaba. Thanh toán điện tử, nguồn hàng, tài chính, kinh nghiệm,... đang là những điều Alibaba tiếp sức cho Lazada, chuẩn bị cho sự gia nhập thị trường của Amazon.

Vương Diệu Quân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên