Trước khi là "Vua hàng hiệu" đình đám, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã là “ông hoàng sân bay” suốt 30 năm
Với kinh nghiệm hơn 30 năm trong ngành dịch vụ hàng không, lại sẵn hệ sinh thái phong phú nên tham vọng tấn công vào thị trường vận tải hàng hóa hàng không (Air Cargo) được đánh giá là hoàn toàn khả khi.
- 03-06-2021Ông Johnathan Hạnh Nguyễn xin lập hãng hàng không chở hàng riêng biệt đầu tiên của Việt Nam
- 10-05-2021Nhan sắc thời trẻ của vợ tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn một lần nữa gây dậy sóng, lần này là do gái yêu tự đăng
- 09-05-2021Hiếu Nguyễn - thiếu gia nghìn tỷ của gia đình Johnathan Hạnh Nguyễn: Từng thử sức làm nhân viên bán hàng tại công ty bố, kín đáo đời tư và cuộc sống sang chảnh như ông hoàng
Mới đây, tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn vừa đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số bộ, ngành liên quan xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo. Mục tiêu của Công ty cổ phần IPP Air Cargo hướng đến mảng vận tải hàng hóa hàng không, hoạt động trong phạm vi nội địa và quốc tế. Dự án này có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng. Nếu được chấp thuận, hãng hàng không của ông Johnathan Hạnh Nguyễn sẽ "tấn công" vào thị trường vận tải hàng hoá (Air Cargo) vốn đang được các hãng nước ngoài chiếm lĩnh đến 80%.
Trong làn sóng dịch Covid-19, kiến nghị của Chủ tịch HĐQT IPPG gây chú ý với thị trường, đặc biệt trong bối cảnh thương mại quốc tế bị ảnh hưởng lớn do dịch bệnh. Trên thực tế, trước khi được biết đến với danh xưng “vua hàng hiệu”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã có 30 năm gắn bó với ngành hàng không, thậm chí không ngoa khi gọi ông là “ông hoàng sân bay”.
Người mở đường băng cho hàng không Việt
Hàng không hiện đã là hình thức vận tải quen thuộc với người dân nhưng những năm đầu thống nhất đất nước, việc mở đường bay, đặc biệt là bay thẳng đến những nước được gọi là “phía bên kia” không hề dễ dàng. Người có công lớn trong việc mở cửa đường bay quốc tế cho các hãng hàng không Việt chính là ông Johnathan Hạnh Nguyễn.
Trước khi về Việt Nam, ông Johnathan Hạnh Nguyễn tốt nghiệp Đại học ở Mỹ và được nhận vào làm Thanh tra tài chính của hãng Boeing. Cũng tại Mỹ, ông gặp gỡ và kết hôn với người vợ đầu - bà Cristina Serrano rồi về kinh doanh ở Philippines. Vị phu nhân này có dòng dõi "trâm anh thế phiệt", là cháu của cựu Đệ nhất phu nhân Philippines Imeda Marcos danh tiếng và giàu có.
Bằng các mối quan hệ và uy tín cá nhân, Johnathan Hạnh Nguyễn đã tích cực vận động các nhà chức trách và lãnh đạo Philippines đồng ý cho việc mở đường bay giữa Việt Nam và quốc gia này.
“Vào 8 giờ tối 4.9.1985, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã đến Đại sứ quán VN tại Philippines và lái xe của đại sứ quán đưa tôi đi vào Phủ tổng thống. Khi đến nơi, trong lúc tôi nói chuyện với ông Juan Tuvera, trợ lý điều hành của Tổng thống Marcos, ông Hạnh đã vào phòng làm việc của tổng thống và trình giấy phép bay giữa TP. HCM và Manila. Ông Marcos đã xem và ký duyệt ngay hôm đó”, ông Trần Tiến Vinh, từng là Phó vụ trưởng thuộc Bộ Ngoại giao kể lại với báo Thanh Niên về thời khắc lịch sử.
Lễ đón chuyến bay đầu tiên VN9033 từ TP.HCM đáp xuống Manila vào ngày 9.9.1985
Từ chuyến bay đầu tiên chở 30 tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm, thuốc men từ Manila đến Tp. HCM, những chuyến bay thuê bao của ông Johnathan Hạnh Nguyễn sau đó tiếp tục được đẩy mạnh. Lúc đó tỉnh, thành nào có hàng gì xuất được là gom về cho “người đi mở đường bay” xuất hết, mặc dù quy định về xuất khẩu chưa bài bản, thậm chí có khi còn bỏ qua luôn thủ tục hải quan. Tuy nhiên, chiều bay đến TP. HCM thì có hàng, trong khi chiều ngược lại trống trơn cũng đã từng khiến Johnathan Hạnh Nguyễn thua lỗ nặng.
"Vua hàng hiệu” cũng là người tìm cách đưa kiều hối từ Mỹ về quê hương. Ông từng kể lại: “Máy bay tôi chở thuốc tây, xe máy, áo phông, áo gió, dép lưới, thức ăn, tủ lạnh, đầu máy, tivi… về nước. Người dân có tiền kiều hối, có giấy xác nhận thì lấy tiền đó mua đồ trong intershop của Imexco. Mình thu lại ào ào. Nó trở thành một phong trào. Tiền gửi về đúng lúc đất nước đang cần”.
Hệ sinh thái xung quanh các sân bay
Đến thời điểm hiện tại, công việc kinh doanh của doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn đang hiện diện tại hầu hết các sân bay lớn nhỏ tại Việt Nam.
Bên cạnh thị phần 70% thị trường phân phối hàng hiệu quốc tế phân phối trong nước, Tập đoàn IPPG của ông còn sở hữu các chuỗi F&B tại sân bay, đồng thời là cổ đông lớn tại Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất; Công ty cổ phần nhà ga hàng không quốc tế Cam Ranh.
SASCO & NHÀ GA QUỐC TẾ CAM RANH
CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) là một trong những doanh nghiệp lớn nhất kinh doanh dịch vụ phi hàng không tại sân bay. Tiền thân là Công ty Dịch vụ Cảng Hàng không Sân bay Miền Nam, SASCO được thành lập trong năm 1993 và trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải.
Mãi đến đầu năm 2015, mối cơ duyên lần đầu xuất hiện vào thời điểm SASCO cổ phần hóa. Được chọn làm đối tác chiến lược, IPPG thông qua các đơn vị trực thuộc đã chi trên 310 tỷ đồng mua 23,6% cổ phần từ SASCO.
Liên tiếp 2 năm sau đó, nhóm công ty IPPG tiếp tục mua lại cổ phần SASCO từ CTCP Hoàn Lộc Việt, nâng tỷ lệ sở hữu lên 43.65% và trở thành cổ đông lớn thứ hai chỉ sau Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam – CTCP (HOSE: ACV).
Kể từ tháng 04/2017, ông Johnathan Hạnh Nguyễn được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT SASCO thay cho bà Đoàn Thị Mai Hương – người đã gắn bó với SASCO từ những ngày đầu. Đây cũng là thời điểm đánh dấu sự chuyển giao vai trò dẫn dắt tại hãng dịch vụ phi hàng không này từ ACV sang IPPG.
Các nguồn thu chính của công ty đến từ kinh doanh hàng miễn thuế, dịch vụ phòng khách thương gia, ẩm thực, nhà hàng khách sạn tại sân bay…
So năm 2019 với 2015 – thời điểm IPPG trở thành cổ đông chiến lược, doanh thu của SASCO tăng 175%, trong khi lợi nhuận trước thuế tăng tới 210%. "Đây là kết quả của việc tiết kiệm chi phí. Tại sao hai người làm một việc mà không phải là một người làm hai việc", ông Hạnh Nguyễn chia sẻ.
Sau khi ông Hạnh Nguyễn tiếp quản SASCO, biên lợi nhuận gộp của SASCO đã tăng từ 31% lên mức 48% trong năm 2019.
Các nguồn thu chính của SASCO đến từ kinh doanh hàng miễn thuế, dịch vụ phòng khách thương gia, ẩm thực, nhà hàng khách sạn tại sân bay, khu nghỉ dưỡng… Trong đó, mảng đóng góp lớn nhất là lĩnh vực phòng chờ, chiếm gần 1/3 lợi nhuận của SASCO.
Năm 2020, doanh nghiệp này cũng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong 2 năm dịch vừa qua, ông Hạnh Nguyễn điều chuyển nhân viên từ mảng quốc tế - hiện không có việc làm, sang mảng nội địa để cùng chia sẻ công việc thay vì cắt giảm nhân sự. Phần lãi hơn 300 tỷ của công Sasco cũng được giữ lại, chỉ chia một phần.
"Làm ăn, chúng ta phải suy đoán, luôn luôn có quỹ dự phòng. Tổng công ty của chúng tôi đã có quỹ dự phòng hơn 2.000 tỷ đồng để khi nào cần thì tung ra. Nhưng thực sự nhìn lại thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa cần dùng đến bởi mỗi công ty đơn vị đều tự cứu sống mình rồi", ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết.
Phát triển quỹ bất động sản cũng nằm trong kế hoạch của SASCO giữa lúc dịch bệnh tác động đến các mảng dịch vụ phi hàng không, theo lời của Chủ tịch SASCO. Hiện SASCO đang triển khai hàng loạt dự án lớn ở Phú Quốc, Đà Lạt, Nha Trang và Bình Dương, đáng chú ý như dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Suối Hoa (Đà Lạt), dự án khách sạn SASCO Nha Trang…
(Đồ họa: Hà My)
Còn với Công ty cổ phần nhà ga hàng không quốc tế Cam Ranh (CRTC), trong năm đầu khai thác (2018), đã ghi nhận doanh thu 560 tỷ và 52 tỷ đồng. CRTC cũng là một trong những đơn vị tư nhân đầu tiên đầu tư nhà ga sân bay.
Dự án tại sân bay Cam Ranh chịu thiệt hại nhiều nhất. Tuy nhiên, nhờ chuyển hết khoản lợi nhuận 335 tỷ đồng của năm ngoái làm quỹ dự phòng, ông Hạnh cho biết nhà ga sân bay vẫn sẽ an toàn trong 5 năm tới.
DỰ ÁN KHU PHI THUẾ QUAN PHÚ QUỐC
Trong năm 2020, IPPG của “vua hàng hiệu” còn được tỉnh Kiên Giang thông qua đề xuất xây dựng khu phi thuế quan 6.800 tỷ đồng, đồng thời mở thêm cửa hàng miễn thuế tại Tràng Tiền Plaza.
Dự án khu phi thuế quan ở Phú Quốc có quy mô 101 hecta, dự kiến tổng mức đầu tư 6.800 tỷ đồng gồm 12 hạng mục chính, gồm khu phi thuế quan (hàng rào cứng) và khu thương mại, dịch vụ nằm ngoài khu phi thuế quan. Cụ thể dự án gồm trung tâm bán hàng giảm giá (Factory Outlets), khu vực siêu thị miễn thuế, cửa hàng miễn thuế, khu thương mại dịch vụ ăn uống (F&B), khu vui chơi giải trí, các hạng mục và cơ sở hạ tầng khác…
Trong đó, Factory Outlets là mô hình kinh doanh đã phát triển thành công tại Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… IPPG đang có lợi thế nắm giữ độc quyền hơn 100 thương hiệu quốc tế, đủ khả năng hiện thực hóa mục tiêu xây dựng khu mua sắm có không gian mở, đa dạng về hàng hóa.
Factory Outlets sẽ là điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Phú Quốc. Đây cũng là mô hình kinh doanh để du khách kết hợp nghỉ ngơi, vui chơi, ăn uống và chi tiêu mua sắm hàng hóa giá trị cao, tương tự như ở các thành phố du lịch nổi tiếng trên thế giới.
Đến tháng 3/2021, ông Hạnh Nguyễn tiếp tục làm việc với tỉnh Kiên Giang, đề xuất đầu tư thêm một số dự án phù hợp với đặc thù sẵn có của Phú Quốc như khu thành phố sân bay thương mại phức hợp, tổng kho logistics.
Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, nếu được các lãnh đạo chấp thuận chủ trương nghiên cứu chủ trương đầu tư, thì đây sẽ là những dự án nhằm khai thác tiềm năng kết hợp du lịch, thương mại và dịch vụ của Phú Quốc để tăng quy mô và tính chuyên nghiệp của ngành du lịch.
"Chúng ta không thể chấp nhận ngồi đó để chịu chết, không chấp nhận ngồi đó chờ phá sản. Nếu cần thì hãy đổi ngành nghề hoặc coi ngành nghề nào phù hợp và nằm trong lĩnh vực mình đang kinh doanh thì sẽ tập trung vào.
Chúng ta phải kiếm được ngành nghề gì để đáp ứng nhu cầu thực tế trong đại dịch, chứ không chỉ khăng khăng nói rằng tôi chỉ biết làm một thứ. Nếu chỉ biết kinh doanh ở quốc tế thì giờ không có khách biết phải làm gì?", ông Hạnh chia sẻ trên tạp chí Tài chính và Cuộc sống.
Chia sẻ về việc hỗ trợ của Chính phủ đối với các doanh nghiệp, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, cho rằng cần nhanh chóng gỡ khó cho những doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các nhà sản xuất, xuất khẩu vốn đem về hàng tỷ USD cho đất nước những năm qua.
Với kinh nghiệm hơn 30 năm trong ngành dịch vụ hàng không, lại sẵn hệ sinh thái phong phú nên tham vọng tấn công vào thị trường vận tải hàng hóa hàng không (Air Cargo) được đánh giá là hoàn toàn khả khi. Chưa kể, theo IATA, trong bối cảnh đại dịch, nhu cầu về Air Cargo cũng đang phục hồi mạnh theo hình chữ V, chi phí vận tải tăng và trở thành thị trường đầy triển vọng cho các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp và tiếp thị