MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trước khi mắng con hãy nghĩ thật kĩ, đừng vì một lời mắng mà làm hỏng cả tương lai của con trẻ

29-09-2017 - 20:30 PM | Sống

Trách mắng con cái là điều mà các bậc phụ huynh vẫn thường làm mỗi khi con cái làm thứ gì đó không đún ý mình, tuy nhiên bố mẹ cần biết rõ rằng một lời nó có thể ảnh hưởng tới cả quá trình phát triển của con sau này.

Không có cha mẹ nào hoàn hảo cả, đó là điều mà không ai trong chúng ta có thể phủ nhận. Do đó, việc cha mẹ mắng mỏ con cái vẫn thường xảy ra và khó có thể tránh được. Tuy nhiên, những hành động của cha mẹ có sức ảnh hưởng rất lớn đến trẻ và tiếng quát tháo có thể mang lại những tác động tiêu cực trong suốt quãng đời của chúng.

Theo dữ liệu nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Journal of Marriage and Family, có tới 74% cha mẹ thừa nhận mình hay la mắng hoặc quát tháo con, một phần tư các bậc cha mẹ từng chửi thề hoặc rủa con cái. Một nghiên cứu được thực hiện bởi Viện Y tế Quốc gia năm 2011 cũng cho thấy mối liên quan trực tiếp giữa sự hiếu chiến của trẻ và việc bị mẹ quát mắng.

Các nhà nghiên cứu trường Đại học Pittsburgh và Đại học Michigan đã công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí Child Development rằng, những lời nói cay nghiệt từ cha mẹ có thể là một trong những tác nhân gây ra các vấn đề Xã hội và Hành vi ở tuổi thanh thiếu niên.

Rõ ràng, các nghiên cứu và kết luận của nhiều chuyên gia đã cho chúng ta thấy một vấn đề rằng, việc cha mẹ thường xuyên chửi mắng trẻ có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng. Không chỉ con cái “ bị lây nhiễm” thói la mắng từ bố mẹ, mà nó sẽ còn tạo ra một vòng tuần hoàn không dứt tới tận đời cháu, chắt… nếu các bậc cha mẹ không quyết tâm cải thiện hành động tiêu cực này. Vậy những kịch bản nào dễ khiến các ông bố bà mẹ la mắng và bằng cách nào chúng ta có thể kiềm chế được cảm xúc của bản thân trước khi làm tổn thương đến trẻ? Mời độc giả hãy cùng tham khảo những tình huống sau.

Khi tai nạn xảy ra


Ảnh : Think Magnet

Ảnh : Think Magnet

Các bạn hẳn cũng không còn quá xa lạ với những trò nghịch vô ý của trẻ như làm đổ sữa khắp giấy tờ của bố, chạy chân đất từ ngoài sân vào sàn nhà sạch bóng mẹ vừa lau… Những “kịch bản” bất ngờ này khiến các ông bố bà mẹ rơi vào cảnh khó mà kiềm chế được phản ứng. Và “bực mình” làm sao khi chúng toàn xảy ra vào những lúc không thích hợp nhất.

Trong trường hợp này, bố mẹ hãy cố gắng kiềm chế cảm xúc của mình bằng cách đặt địa vị của bản thân vào vị trí của con bạn. Hãy nhìn vào mắt chúng và bạn sẽ thấy rằng, sau khi vô tình gây ra “đống lộn xộn” đó, hầu hết trẻ rất sợ hãi hoặc buồn bã. Trẻ lo lắng vì sợ bị bố mẹ nổi cáu hoặc thất vọng vì vừa phá hỏng mất bất cứ thứ gì chúng đang thực hiện. Vì vậy, nếu cha mẹ quát mắng trẻ ngay lúc con mắc những lỗi không chủ ý như thế thì chính các bạn đã “phá vỡ” trái tim của trẻ và khiến cho lỗi đó trở nên nghiêm trọng hơn mức cần thiết.

Khi bị phớt lờ


Ảnh : artproem/Shutterstock

Ảnh : artproem/Shutterstock

Bạn vừa nhắc con trước khi vào nhà phải cất giầy gọn gàng nhưng lúc nhìn ra thì đôi giầy vẫn không nhúc nhích. Bạn lại nhắc nhở con thêm lần nữa. Khi quay trở vào với giỏ quần áo vừa rút từ dây phơi, bạn vẫn thấy đôi giầy nằm nguyên hiện trạng giữa cửa nhà. Trong trường hợp đó, bạn có bực tức mà la mắng inh ỏi ?

Những tình huống “tự mình nói, tự mình nghe” như thế này rất dễ khiến các ông bố bà mẹ nhanh chóng căng thẳng, tăng mức độ cảm xúc và mất kiểm soát rồi tất yếu dẫn đến hành động quát tháo. Cho dù những phản ứng đó rõ ràng đến từ việc trẻ cố tình phớt lờ hay vô tình lơ đễnh lúc được yêu cầu thì cũng khó có thể khiến bạn không sục sôi vì tức giận.

Tuy nhiên, đây chính là lúc cha mẹ nên nhìn nhận những tác động lợi, hại mà việc mắng chửi có thể gây ra cho con mình. Liệu quát mắng có khiến con bạn muốn làm điều bạn yêu cầu nữa không? Thậm chí trẻ có thể còn chống đối thường xuyên hơn?

Trong hầu hết các trường hợp, la mắng vì tức giận sẽ không mang lại lợi ích gì cho kỹ năng lắng nghe của trẻ về lâu dài mà còn khiến trẻ có xu hướng càng cố tình phớt lờ và thiếu vâng lời hơn. Vậy, giải pháp cho bố mẹ trong trường hợp này là gì? Trước hết, hãy chắc chắn rằng con bạn nghe rõ yêu cầu ( đôi lúc trẻ cố tình phớt lờ chỉ để “test” xem điều gì sẽ xảy ra nếu chúng không làm theo yêu cầu của bạn), cho trẻ biết lí do tại sao bạn muốn con làm theo yêu cầu đó. Trong nhiều trường hợp khác, bạn có thể để trẻ tự trải nghiệm lấy hậu quả nếu chúng không nghe lời, ví dụ, không cất giầy vào trong nhà thì đôi giầy đẹp đẽ của chúng sẽ bị ướt, bẩn…

Khi chúng la hét trước


Ảnh : handinhandparenting

Ảnh : handinhandparenting

“Con ghét bố/mẹ!”; “ Con không phải làm những gì bố/mẹ sai bảo!”; “Bố/mẹ thật bất công!”. Với các phụ huynh có trẻ mới biết đi hoặc con cái đang là vị thành niên, đây là những khoảnh khắc khi mà trẻ muốn thử thách giới hạn của chúng bằng cách la hét trước khi bố mẹ kịp lên tiếng.

Và đây cũng chính là lúc các bậc cha mẹ phải đấu tranh với bản năng của việc quát tháo lại con cái để “chỉnh đốn” chúng. Bởi, việc cha mẹ tức giận mà la mắng sẽ chỉ càng làm bùng to hơn ngọn lửa thách thức trong trẻ và cuộc chiến giữa con cái-cha mẹ lúc này sẽ trở thành một cuộc thi xem ai la hét to hơn, hoặc cả hai bên sẽ làm tổn thương lẫn nhau bằng những lời khó nghe.

Thay vào đó, đây cũng có thể là thời điểm vàng để chúng ta học được rằng, lời nói có giá trị như thế nào, thậm chí cả ngữ điệu của câu từ bạn dùng để nói với con nữa. Lời đã nói ra thì không thể lấy lại, vì vậy cả cha mẹ lẫn con cái đều cần phải học cách kiềm chế nóng giận và suy nghĩ trước khi nói để sau đó không ai phải hối hận vì đã tức giận mà nói những điều không đáng nói.

Khi sự an toàn của con bị đe dọa

Đạp xe ra đường phố, đưa tay trên những vật nóng, chạy thẩn thơ trong cửa hàng… là các trường hợp mà việc cha mẹ hét lên có thể chấp nhận được và cũng được coi là cần thiết. Khi sự an toàn của trẻ đang bị đe dọa, một tiếng nói lớn, mạnh mẽ và dứt khoát là cách duy nhất để “tóm” được sự chú ý của trẻ ngay lập tức và có những phản ứng cần thiết để cứu trẻ khỏi tình huống nguy hiểm.

Một số trẻ phản ứng lại yêu cầu của bố mẹ rất đơn giản, chỉ bằng cách nhìn vào mắt chúng. Song nhiều trẻ khác lại cần những giọng điệu hay hành động quyết liệt hơn để học được bài học của mình. Tuy nhiên cần phải xem xét rằng, cha mẹ không nên hét bằng sự giận dữ mà phải bằng sự nhấn mạnh, nhờ đó, trẻ hiểu được rằng tiếng hét đến từ mức độ quan trọng của vấn đề chứ không phải từ sự tức giận của cha mẹ.

Khi cha mẹ vừa có một ngày tồi tệ


Copyright : Daniel Huszar

Copyright : Daniel Huszar

Bạn mất ngủ, bạn vừa trải qua một ngày làm việc vô cùng căng thẳng ở văn phòng, chôn chân tại chỗ cả tiếng đồng hồ vì tắc đường và lỡ tay làm cháy món thịt nướng cho bữa tối. Ngày chán chường bị đẩy lên đỉnh điểm khi con bước vào phòng, ầng ậng nước mắt, thú nhận rằng chúng vừa vô tình làm vỡ hộp nhạc mà bà ngoại tăng nhân dịp Giáng sinh.

Gượm đã! Liệu bạn có trút hết gánh nặng của một ngày với đầy những sự kiện tồi tệ đã xảy ra với mình, cộng thêm việc thiếu ngủ vào tai nạn thiếu chủ ý của con không? Hay bạn nhận ra rằng, đây chị là một lỗi vụng về chẳng liên quan gì tới ngày dài mệt mỏi của mình cả?

Đây có thể là cơ hội tốt để bạn “xả xì chét” cùng toàn bộ những ấm ức và mệt mỏi của cả một ngày tồi tệ lên trẻ hoặc vợ/chồng hay người nào đó không xứng đáng phải nhận điều này. Tất cả chúng ta đều chỉ là con người, là những thực thể không hoàn hảo nên tất nhiên, chúng ta cần “lỗ thông hơi” nào đó để giải phóng hết những căng thẳng và nóng giận.

Tuy nhiên, đó đâu phải là lỗi của trẻ khi bạn mệt mỏi và có một ngày tồi tệ; và cũng giống như những trường hợp đã đề cập bên trên, đây không phải là thời điểm để bạn đè nát những tâm hồn chưa trải đời bằng tiếng la hét đầy giận dữ của mình. Hãy ngồi xuống, nói với con rằng bạn hiểu tai nạn xảy ra khiến chúng hoảng sợ thế nào, rằng chúng buồn bã thế nào khi đồ vật yêu thích bị vỡ hỏng, và rằng ngày mai sẽ khác, sẽ tốt đẹp hơn ngày hôm nay! (Đây cũng có thể là lời khuyên cho bản thân bạn nữa!!!)

Tất cả chúng ta đều vì một lí do nào đó mà la hét bởi cuộc sống luôn luôn chứa đựng những căng thẳng và việc nuôi dạy con cái cũng thật khiến chúng ta muốn kiệt sức. Năng lượng của trẻ dường như không bao giờ cạn. Cảm xúc dễ dâng cao. Tất cả những yếu tố này đều đóng vai trò vào những khoảnh khắc bùng phát bằng tiếng la mắng của cha mẹ với con cái.

Tuy nhiên, với tư cách là những người mang thiên chức làm cha mẹ, chúng ta cần phải cần mẫn và nhận thức đúng đắn để cân nhắc mỗi hành động của mình trong từng trường hợp. Lời nói có thể gây ra những đau đớn, tổn thương mà đôi khi không bao giờ có thể chữa lành, vì thế hãy biết sử dụng chúng một cách khôn ngoan để kỷ luật, dạy dỗ và yêu thương con cái.

Theo Khánh An

Trí thức trẻ

Trở lên trên