MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trước kiến nghị hỗ trợ của Đường sắt Việt Nam, các nước đã hỗ trợ ngành đường sắt ra sao trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19?

Trước kiến nghị hỗ trợ của Đường sắt Việt Nam, các nước đã hỗ trợ ngành đường sắt ra sao trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19?

Anh đã kéo dài thời gian hỗ trợ cho doanh nghiệp đường sắt đến cuối năm 2021. Trong khi đó, Úc tung ra gói hỗ trợ lên đến 80 nghìn tỷ đồng cho ngành đường sắt nước này.

Đại dịch Covid-19 xuất hiện đã khiến ngành đường sắt thế giới nói chung cũng như Việt Nam nói riêng vô cùng ảm đạm. Trước tình hình đó, chính phủ một vài quốc gia trên thế giới đã đưa ra những gói hỗ trợ nhằm đảm bảo duy trì tình hình kinh doanh của ngành vận tải đường sắt, cũng như bước đầu khắc phục những hậu quả tài chính do Covid-19 gây ra.

Cộng đồng các doanh nghiệp cơ sở hạ tầng và đường sắt châu Âu (CER) thông tin, tổng doanh thu ước tính cho lĩnh vực đường sắt của Liên minh châu Âu (EU) đã giảm khoảng 826 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Trước kiến nghị hỗ trợ của Đường sắt Việt Nam, các nước đã hỗ trợ ngành đường sắt ra sao trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19? - Ảnh 1.

Số lượng chuyến tàu được vận hành ở Anh giai đoạn 2020-2021

Tại Anh, số liệu thống kê của Văn phòng Đường sắt và Đường bộ (ORR) cho thấy, số lượng hành trình của hành khách di chuyển bằng đường sắt ở Anh đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ trước năm 1872. Cụ thể, trong giai đoạn 2020-2021, tổng doanh thu từ vận tải hành khách ở Anh khoảng 60,5 nghìn tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với mức 331 nghìn tỷ đồng giai đoạn 2019-2020.

Do đó, Chính phủ Anh đã quyết định hỗ trợ cho ngành Giao thông vận tải London (TfL) khoản tài trợ bổ sung khoảng 34,3 nghìn tỷ đồng. Khoản hỗ trợ sẽ được chia làm 6 giai đoạn, kéo dài đến 11/12/2021. Với điều kiện TfL phải áp dụng phương pháp tự động hóa hoàn toàn trên ít nhất một tuyến xe điện ngầm London (LU). Kết quả, kể từ khi bắt đầu đại dịch, TfL đã nhận được tổng cộng hơn 127 nghìn tỷ đồng (khoảng 4 tỷ bảng Anh) tiền hỗ trợ từ Chính phủ.

Ngoại trưởng Giao thông Anh, ông Grant Shapps cho biết: "Gói tài chính này sẽ hỗ trợ cho mạng lưới giao thông của London vượt qua đại dịch. Đồng thời đảm bảo quốc gia sẽ phát triển mạng lưới đường sắt hiện đại, hiệu quả và khả thi trong tương lai".

Còn ở khu vực Đại Tây Dương, tính riêng 8 tháng đầu năm 2020, ngành đường sắt của Úc và New Zealand đã phải chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng về số lượng các chuyến tàu đưa vào khai thác. Cụ thể, trung bình mỗi tháng năm 2020 đã có khoảng 33 triệu chuyến tàu "biến mất" khỏi hệ thống đường sắt ở quốc gia này.

Trước tình hình đó, vào ngày 11/5/2021 chính phủ Úc đã trích ra khoảng 80 nghìn tỷ đồng từ Ngân sách Liên bang nhằm hỗ trợ Hiệp hội Đường sắt Úc (ARA) phục hồi sau đại dịch, góp phần vực dậy nền kinh tế quốc gia.

Trong đó, khoảng 46 nghìn tỷ đồng (tương đương 2 tỷ USD) sẽ được Úc đầu tư xây dựng một nhà ga mới ở Melbourne, phần còn lại chủ yếu sẽ được sử dụng trong việc nghiên cứu phát triển cơ sở hạ tầng ngành đường sắt của nước này.

Giám đốc Điều hành ARA, Caroline Wilkie cho biết: "Ngành đường sắt đã duy trì hoạt động trong suốt đại dịch để giữ mọi người có việc làm và đảm bảo rằng các dịch vụ thiết yếu luôn có mặt khi chúng ta cần. Nỗ lực chung của cộng đồng rộng đã cho phép nước Úc vượt qua những thách thức mà quốc gia hiện đang phải đối mặt".

Ở Việt Nam, mới đây Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã gửi kiến nghị với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp hỗ trợ gói vay 800 tỷ đồng nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Theo Tổng Công ty Đường Sắt, năm 2020, hoạt động sản xuất - kinh doanh của tổng công ty chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 và ảnh hưởng nặng nề của đợt bão lũ tại miền Trung dẫn đến sản lượng, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Cụ thể, doanh thu của công ty năm 2020 chỉ bằng 81% so với năm 2019 và lỗ 1.300 tỷ đồng.

Sang năm 2021, hoạt động sản xuất - kinh doanh tiếp tục ảnh hưởng bởi các khó khăn trên. Sáu tháng đầu năm, doanh thu của VNR ước đạt 77% cùng kỳ năm 2020 và bằng 53% năm 2019 khi chưa có dịch Covid-19. Dự kiến năm 2021, VNR lỗ 942 tỷ đồng. Khoản vay 800 tỷ đồng này dự kiến sẽ được VNR bổ sung cho nguồn vốn lưu động đang bị hụt để duy trì dòng tiền hoạt động, tránh nguy cơ dừng hoạt động của tổng công ty.

Quỳnh Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên