MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trước làn sóng vỡ nợ, nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất Trung Quốc với 120 tỷ USD đang xoay sở ra sao?

Khoản thu chính từ nguồn tài chính phi ngân hàng của China Evergrande Group đã giảm mạnh trong ba tháng qua, làm tăng thêm thách thức cho công ty bất động sản vừa thoát khỏi tình trạng khủng hoảng tiền mặt.

Theo nhà cung cấp dữ liệu Use Trust, sau khi tiếp tục vay nợ trên thị trường tín thác trong suốt năm 2019 và năm nay, nguồn vốn đó đã cạn kiệt vào tháng 8. Đây là một phần quan trọng trong nguồn tài chính của Evergrande, chiếm 41% trong tổng số 799,8 tỷ nhân dân tệ (tương đương 121 tỷ USD) vào cuối năm 2019.

Ngoài khủng hoảng nội bộ, Evergrande cũng nhận thấy mình đang là tâm điểm của cuộc triệt phá những khoản vay tín chấp trong hệ thống ngân hàng chợ đen của các nhà chức trách. Các khoản vay này được huy động chủ yếu từ các nhà đầu tư giàu có để rót vào những dự án bất động sản, theo Bloomberg.

Thị trường vốn đã hứng chịu một làn sóng vỡ nợ khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và nhà chức trách tìm cách kiềm chế đầu cơ các dự án nhà ở.

"Nhìn chung, các nhà chức trách đã siết chặt hoạt động huy động vốn ủy thác của các công ty bất động sản. Cụ thể đối với Evergrande, các tổ chức tài chính có thể đã thận trọng hơn với công ty do sự kiện rủi ro gần đây của nó", ông Shuai Guorang, một nhà nghiên cứu tại thành phố Nam Xương tại Use Trust, cho biết.

Evergrande từ chối trả lời yêu cầu bình luận của Bloomberg.

Theo dữ liệu, việc huy động vốn từ quỹ tín thác của các công ty bất động sản nhìn chung đã giảm trong tháng 10 sau khi các nhà hoạch định chính sách tăng cường giám sát, nhưng không giảm nhanh như Evergrande.

Sau khi nguồn tài chính tín thác cạn kiệt vào tháng 8, những lo ngại về sự siết chặt thanh khoản đối với nhà bất động sản mắc nợ nhiều nhất Trung Quốc đã nhanh chóng nổi lên và khiến cổ phiếu, trái phiếu của công ty lao dốc. Từ đó tới nay, công ty dưới sự điều hành của tỷ phú Hui Ka Yan đã có thể đạt được thỏa thuận với các nhà đầu tư để bỏ khoản hoàn trả 13 tỷ USD có liên quan đến hoạt động niêm yết cửa sau, hiện đã bị huỷ bỏ, tại Trung Quốc.

Công ty vẫn phải đối mặt với áp lực hoàn trả khoản nợ 120 tỷ USD. Evergrande đã huy động tiền mặt thông qua việc bán tài sản và được cho là đã nhận được sự chấp thuận cho việc niêm yết đơn vị dịch vụ quản lý tài sản ở Hồng Kông, theo đó giảm bớt lo ngại về khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của công ty.

Nhưng trong thị trường tín thác, công ty đang đối mặt với một thực tế mới. Một công ty tín thác có trụ sở tại Chiết Giang đã đặt ra giới hạn mới đối với các khoản vay cho Evergrande và sẽ không gia hạn cho vay tất cả khoản vay hiện có khi chúng đáo hạn, một người cho biết.

Bất kỳ khoản cho vay mới nào cũng sẽ yêu cầu lãi suất cao hơn và phụ thuộc vào chất lượng của dự án cơ bản, Bloomberg News đưa tin vào tháng trước.

Trong khi một công ty tín thác khác đã quyết định không hợp tác với Evergrande về bất kỳ sản phẩm mới nào và thay vào đó sẽ tập trung vào việc đảm bảo các sản phẩm hiện tại được hoàn trả đúng hạn.

Các nhà chức trách đang theo dõi chặt chẽ và đã yêu cầu một số nhà bất động sản lớn nhất của Trung Quốc, gồm cả Evergrande, báo cáo tình hình tài chính của họ hàng tháng, trong đó có các hoạt động ngân hàng ngầm. Evergrande đã giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín thác vào cuối năm ngoái xuống 41% từ mức kỷ lục 45% của 6 tháng trước đó.

Ông Matthew Chow, một nhà phân tích tín dụng tại S&P Global Ratings, nhận định sự sụt giảm nguồn tài chính tín thác không thể gây ra rủi ro lớn cho Evergrande vì nhà bất động sản đã chủ động giảm tổng khoản vay, gồm cả các khoản vay tín thác, kể từ nửa sau năm nay.

Công ty đang tìm cách mở rộng các kênh huy động vốn của mình bằng cách khai thác thị trường trái phiếu liên ngân hàng chính của quốc gia. Cho đến nay, nó chỉ phát hành trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ trong thị trường trái phiếu trao đổi nhỏ trong nước.

Nhờ việc bán tài sản, kế hoạch IPO và các giao dịch với nhà đầu tư, cổ phiếu của Evergrande đã tăng trong hai tuần qua, và tăng 10% trong tháng này. Trái phiếu giao dịch bằng đồng USD và đáo hạn vào năm 2025 của Evergrande tăng khoảng 7% so với mức thấp hồi tháng 10, nhưng vẫn giảm khoảng 25% so với mệnh giá của nó.

Ly Tâm

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên